Theo ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê, tất cả các ngành kinh tế hiện tại, bao gồm cả nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng đầu năm 2021 đều bị tác động từ đại dịch Covid-19. Trong đó, ngành ảnh hưởng lớn nhất chính là ngành thủy sản do đứt gãy khâu sản xuất, khâu chế biến và xuất khẩu.
Đối với chăn nuôi, sau khi kiểm soát được dịch tả lợn châu phi, tổng đàn lợn cả nước từ đầu năm đến nay đã tăng, dẫn đến tổng cung của thịt lợn nội địa tăng cao. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến tổng cầu giảm, dẫn đến giá thịt lợn hơi cả nước giảm theo.
"Giá thịt lợn hơi tính đến cuối tháng 9 đang giao động ở mức 50.000 đồng/kg, giảm sâu so với cùng thời điểm năm 2020. Chỉ số giá sản xuất các sản phẩm chăn nuôi lợn quý III/2021 chỉ bằng 81,7% so với năm ngoái", ông Hùng cho hay.
Trong khi đó, về thức ăn chăn nuôi lại ghi nhận đà tăng liên tục từ đầu năm đến nay, đã tác động lớn đến giá thành chăn nuôi trong nước. Chỉ số giá thức ăn chăn nuôi quý III tăng đến 8,95% và lũy kế 9 tháng tăng 5,98% so với năm ngoái.
Nguyên nhân chính do nguồn cung thức ăn chăn nuôi trên thế giới giảm, nhưng chi phí vận chuyển nguyên vật liệu lại tăng cao từ 200-300% vì thiếu tàu biển, container rỗng làm giá nhập khẩu thức ăn chăn nuôi 9 tháng tăng 9,28%.
Ngoài ra, bối cảnh sản xuất phức tạp khi giá thành đầu vài tăng, nhưng giá đầu ra liên tục giảm khiến các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ đối mặt với nguy cơ thua lỗ.
Bên cạnh đó vấn đề lưu thông hàng hóa trong giai đoạn giãn cách xã hội gặp nhiều khó khăn. Nếu vấn đề này tiếp tục kéo dài thì người chăn nuôi không dám tái đàn, nghỉ nuôi. Hậu quả ảnh hưởng đến nguồn cung thịt lợn trong chu kỳ sau.
Đưa ra giải pháp cho vấn đề, ông Hùng cho biết, trong ngắn hạn, quan trọng nhất sẽ là đảm bảo lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh đang giãn cách. Để làm được điều đó cần các cơ quan chức năng và địa phương phối hợp tạo điều kiện cho luồng xanh trong lưu thông hàng hóa.
"Về cơ bản, an ninh lương thực của Việt Nam vẫn đủ, đảm bảo cho người dân tiêu dùng. Vấn đề đang là khó khăn cục bộ giữa tỉnh sản xuất khó vận chuyển đến tỉnh thiếu hụt. Đấy là phần chúng tôi kiến nghị để lưu thông hàng hóa", ông Hùng nhấn mạnh.
Đồng thời, ông Hùng đề nghị cơ quan quản lý nhà nước cần có chính sách phù hợp để kiểm soát thức ăn chăn nuôi. Trong bối cảnh thức ăn chăn nuôi tăng cao, chi phí vận tải tăng cao, nhà nước cần phải có điều chỉnh chính sách về thuế nhập khẩu đổi với một số sản phẩm nguyên vật liệu chế biến thức ăn chăn nuôi; điều chỉnh thuế VAT..
Trong thời gian tới cần tập trung và nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng được chỉ tiêu trong nước như quốc tế. Khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất khép kín, liên kết các khâu cung ứng để cắt giảm chi phí trung gian. Chú trọng các sản phẩm chăn nuôi có tiềm năng xuất khẩu.
Nguồn: https://congluan.vn/nghich-ly-gia-thuc-an-chan-nuoi-lien-tuc-tang-gia-lon-lai-lao-doc-post158656.html