Đa phần khách du lịch tới Bà Mã chủ yếu để tìm các loại thuốc kỳ lạ, những chai “nước trường thọ”, đến thăm những người sống trăm tuổi và nhận lời khuyên để có một lối sống lành mạnh.
Tuy nhiên, đối với người phải giành giật sự sống từ những căn bệnh hiểm nghèo trong thời gian dài, trải nghiệm ở Bà Mã có thể không như họ mong muốn.
Không ít người đến vì hy vọng một phép màu để rồi phải rời đi trong tuyệt vọng. Số khác trở thành nạn nhân của những mánh lừa đảo hay bác sĩ giả mạo, theo New York Times.
“Bà Mã là hy vọng cuối cùng của tôi”, Li Ming, 57 tuổi, nhân viên bưu điện về hưu đến từ Thượng Hải, nói. “Nếu nơi này không thể chữa khỏi cho tôi, tôi buộc phải chấp nhận án tử”. Bà Li bị chẩn đoán mắc ung thư gan hồi tháng 12/2016 và tiên lượng chỉ sống được khoảng một năm nữa.
Số người già ngày càng gia tăng nhanh chóng ở Trung Quốc mang đến cơ hội để loại hình du lịch chữa bệnh, kéo dài tuổi thọ nở rộ. Chính phủ Trung Quốc đang khuyến khích các ngôi làng trên khắp đất nước tự biến mình thành một “điểm đến trường thọ”.
Ở Bà Mã, chính quyền địa phương biến những người đã sống trăm tuổi thành ngôi sao, treo ảnh họ ở các địa điểm dễ nhìn thấy và biến nhà của họ thành những ngôi đền.
Truyền thông Trung Quốc đã quảng bá mạnh mẽ những truyền thuyết về làng và giới khoa học đang nghiên cứu vì sao nhiều người dân làng lại đặc biệt sống thọ đến vậy. Một nghiên cứu năm 2012 cho rằng yếu tố gen có thể là nguyên nhân.
Mỗi năm, hơn hai triệu người tới thăm làng Bà Mã, nơi có dân số khoảng 270.000 người và khoảng 82 cụ già trăm tuổi. Người bên ngoài tới Bà Mã để gặp các cụ, chụp ảnh với họ và hỏi xin bí quyết sống lâu.
Dòng khách du lịch bùng nổ đã tạo ra một thị trường các sản phẩm bổ trợ sức khỏe phát triển mạnh dù chúng vô cùng mơ hồ. Có vô số loại “nước trường thọ” được bày bán với lời quảng cáo rằng sẽ giúp người ta thoát khỏi bệnh tật như tiểu đường hay loãng xương.
Lượng khách du lịch quá lớn đôi khi khiến người dân địa phương cảm thấy căng thẳng. Không ít người chia sẻ họ vui vì những lợi ích kinh tế nhưng lo lắng sự bình yên của ngôi làng sẽ bị phá vỡ.
“Nơi đây từng vô cùng yên tĩnh và nguyên sơ”, Liu Sujia, nông dân địa phương, cho hay. “Giờ đây, làng ngập tràn rác và người ốm yếu”.
Li Hongkang, bác sĩ y học cổ truyền ở Bà Mã, khoe ông có một danh sách dài các bệnh nhân tìm đến vài năm qua, trong đó có cả những người nổi tiếng, quan chức đảng hay tỷ phú. Họ sẵn sàng chi cả gia tài để chữa bệnh.
“Họ sống rất tốt ở đây”, Li nói. “Ngay cả khi họ không được chữa khỏi, mọi thứ ở đây cũng giúp họ cảm thấy thoải mái”.
Không ít khách trở về từ Bà Mã nói sức khỏe của họ có được cải thiện. Dường như môi trường trong lành, tránh xa các nguồn ô nhiễm là nguyên nhân dẫn tới sự thay đổi này.
Sự tích tụ các ion oxy tích điện âm trong những hang động ở Bà Mã cũng được cho là một phần lý do. Theo các nhà khoa học, chúng giúp thanh lọc không khí.
Một trong những hang động nổi tiếng nhất là hang Bách Quỷ. Chen Rangzhi, cựu quản lý công ty thương mại đến từ thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, miêu tả hang động này là nơi mang đến “phép màu”.
Chen chia sẻ ông biết mình mắc ung thư phổi vào năm 2013 nhưng vẫn sống khỏe nhờ tập Thái Cực Quyền bên trong hang và duy trì chế độ ăn kiêng khem khắc nghiệt.
Chen, 62 tuổi, khuyên mọi người nên ăn quả chà là và uống một cốc nước nóng vào mỗi sáng để nâng cao sức khỏe. Song ông lưu ý rất nhiều người đã hiểu nhầm rằng chỉ cần tới Bà Mã là họ có thể thoát khỏi bệnh tật.
“Nơi đây giúp bạn an dưỡng sức khỏe”, ông nói. “Nếu bệnh viên bảo bạn không còn cách chữa thì dù có tới bạn cũng không thể chưa khỏi bệnh”.
Bên ngoài hang Bách Quỷ, Sun Luyao, 21 tuổi, đang dìu người bà 72 tuổi bước đi. Bà của Sun bị ung thư phổi và tìm đến “hang động chữa bệnh” này như cứu cánh cuối cùng. Tuy nhiên, Sun lo lắng hang Bách Quỷ đang bị quá tải bởi du khách và bắt đầu mất dần đi khả năng chữa bệnh. “Nếu có quá nhiều người tới, nguồn oxy có lợi sẽ cạn kiệt”, cô nói.
Với những người mà tình hình sức khỏe không có tiến triển, trải nghiệm ở Bà Mã đối với họ thật sự đáng thất vọng.
Ông Wu, cựu quản đốc tại một nhà máy sản xuất rượu, bị đột quỵ cách đây 4 năm. Dù đã trải qua hết các phương pháp chữa bệnh đặc biệt ở Bà Mã, ông vẫn gặp khó khăn khi đi quãng đường xa, nấu ăn và nói chuyện. Vợ ông bắt đầu cảm thấy mệt mỏi vì phải sống lâu tại một nơi đầy người ốm yếu, bệnh tật.
Wu cho biết ông đã từ bỏ hy vọng vào Bà Mã và sẽ trở về quê. “Miễn là tôi có thể tự làm mọi thứ và không ảnh hưởng tới người khác, tôi sẽ ổn”, ông quả quyết. “Tôi chỉ muốn được khỏe mạnh thôi”.