Việc biển tên Bưu điện Hà Nội trên tòa nhà cạnh Hồ Gươm được đổi thành VNPT Hà Nội đã và đang gây ra rất nhiều ý kiến trái chiều. Cụ thể, từ nhiều tháng nay, trên nóc tòa nhà số 75 phố Đinh Tiên Hoàng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) không còn bảng tên màu xanh dương "Bưu điện Hà Nội". Thay vào đó là một tấm biển mới: "VNPT Hà Nội" đặt dưới một chiếc đồng hồ lớn. Chứng kiến sự đổi thay này, người dân Thủ đô không khỏi hụt hẫng và lạ lẫm. Bởi lẽ, dòng chữ "Bưu điện Hà Nội" vốn quen thuộc và gắn liền với nhiều thăng trầm lịch sử, văn hóa của Thủ đô.
Đối với những người dân sinh sống tại Hà Nội chung, chỉ cần hẹn nhau ở Bưu điện Hà Nội, không cần nói rõ địa chỉ đều tự khắc biết điểm đến của mình ở đâu. Tòa nhà gắn liền với hồ Gươm, với con đường Đinh Tiên Hoàng trải dài và hơn hết là có vẻ như đã "ăn" vào trí nhớ từng người dân. Chưa ai từng nghĩ, có ngày, Bưu điện Hà Nội sẽ có một cái tên khác.
Với các cụ 70, 80 tuổi, Bưu điện Hà Nội là nơi chôn giấu nhiều ký ức tuổi thơ. Là năm tháng háo hức chờ nhận bưu phẩm, điện thoại từ nước ngoài. Là những cuộc điện tín đường xa, những dòng thư tay viết vội.
"Thời bấy giờ, Bưu điện Hà Nội gửi thư đi khắp các tỉnh phía Bắc. Khi nào gửi hay nhận thư, tâm trạng bâng khuâng, bồn chồn lắm. Bác mong Thành phố trả lại tên cho Bưu điện Hà Nội. Cái gì đã là văn hóa, truyền thống thì không nên thay đổi" - bác Lan (75 tuổi) tâm sự.
Ngày xưa hẹn gặp người yêu, các cụ cũng lấy Bưu điện Hà Nội làm "cột mốc" không thể nào lẫn và cũng chẳng sợ bị... lạc. Bởi lẽ, tòa nhà lịch sử kia là nơi mà ai cũng biết. Thậm chí nó còn là một phần tuổi thơ của các cụ bây giờ. Tòa nhà bao nhiêu năm tồn tại là bấy nhiêu năm tuổi của họ.
Bác Hùng (65 tuổi) bộc bạch: "Chúng ta nên tôn trọng quá khứ, nhất là Bưu điện bờ Hồ, nó gắn với trái tim người Thủ đô. Lần đầu tiên khi tôi phát hiện sự thay đổi, tôi thực sự bị sốc. Có thể với lớp người trẻ, việc thay đổi biển hiệu kia đơn giản chẳng có ý nghĩa gì, nhưng với chúng tôi - thế hệ đi trước, thì Bưu điện Hà Nội rồi Bách Hoá Tổng hợp là những cột mốc sống mãi trong lòng người".
Với mong muốn giữ lại cái tên nguyên bản của tòa bưu điện 5 tầng, nhiều ý kiến bày tỏ, mặc dù VNPT là đơn vị quản lý, có thể treo biển VNPT Hà Nội ở trước sảnh, còn bảng "Bưu điện Hà Nội" vẫn giữ vị trí cũ. Như vậy giá trị hơn rất nhiều!
"Tôi đồng ý với việc giữ lại tên Bưu điện Hà Nội, điều ấy thể hiện văn hóa của doanh nghiệp. Phía trên để nguyên biển, phía dưới đặt dòng chữ nhỏ VNPT Hà Nội thì có phải là hay không? Kì thực, bưu điện gắn liền với hồ Gươm và quần thể kiến trúc xung quanh từ trăm năm nay" - anh Linh (30 tuổi) góp ý.
Chị Hiền (27 tuổi) chia sẻ, nếu trước đây bưu điện được đặt ở một địa điểm khác thì việc đổi tên không bị ảnh hưởng gì. Tuy nhiên, tòa nhà "ngự" ngay trung tâm phố cổ, hướng mặt ra hồ Gươm, bởi thế tầm ảnh hưởng văn hóa cũng quan trọng hơn.
"Tôi rất thích cái tên Bưu điện Hà Nội. Có cái gì đó vừa thân quen, vừa hào hùng. Việc đổi tên Bưu điện Hà Nội có thể có ý nghĩa với đơn vị quản lý toà nhà nhưng nếu có thể, nên trả lại tên như trước đây" - chị Hiền chia sẻ.
Theo Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, hình ảnh Bưu điện Hà Nội từ lâu đã đi sâu vào tiềm thức của người dân Thủ đô và du khách. Trụ sở này nằm ở vị trí rất thiêng liêng của Hà Nội – hồ Hoàn Kiếm. Thứ nữa, Bưu điện của Hà Nội nói riêng và Bưu điện của nhiều tỉnh, thành nói chung trước đây luôn nằm ở vị trí trung tâm, như là biểu tượng của địa phương, nằm trong ký ức, suy nghĩ của rất nhiều người.
Trước đó, ngày 6/11, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội cho biết, các phòng chuyên môn của Sở đang tập hợp ý kiến để làm báo cáo gửi UBND thành phố kiến nghị một số vấn đề, bao gồm việc xem xét đổi lại biển tên Bưu điện Hà Nội như trước bởi việc bảo tồn di sản của Thủ đô cũng cần phải quan tâm đến cả các di sản tiêu biểu của kiến trúc bởi đó là những minh chứng cho lịch sử văn hiến nghìn năm của Thăng Long - Hà Nội.
Bưu điện Hà Nội được người Pháp thành lập từ năm 1884. Công trình được xây dựng theo kiểu kiến trúc hiện đại, có 5 tầng, quy mô bề thế, mặt tiền chạy dọc theo bờ hồ Hoàn Kiếm. Trong lịch sử tồn tại của mình, Bưu điện Hà Nội trải qua nhiều biến cố lịch sử. Trong cuộc kháng chiến toàn quốc tháng 12/1946, nhiều trận chiến ác liệt đã diễn ra tại đây. Sau năm 1954, Bưu điện Hà Nội được tái thiết. Trong kháng chiến chống Mỹ, bưu điện vừa phục vụ người dân, vừa hỗ trợ đắc lực các đơn vị vũ trang trong hoạt động bảo vệ Thủ đô. Nóc bưu điện giai đoạn này là nơi bố trí hệ thống súng phòng không để bảo vệ bầu trời Hà Nội. Điểm nhấn của công trình là tháp đồng hồ điểm có 4 mặt giống nhau, mỗi mặt vuông cạnh rộng 4,5m vuông. Từ năm 1978, những tiếng chuông của đồng hồ đã chính thức vang lên. Năm 1997, biển chữ "Bưu điện Hà Nội" được lắp đặt phía dưới chân cột đồng hồ, hướng ra Hồ Hoàn Kiếm là biển tên của đơn vị. Tòa nhà mặc dù được tu sửa nhiều lần song tên gọi truyền thống chưa từng thay đổi. Hình ảnh quen thuộc về tên gọi của công trình cũng như chiếc đồng hồ đã trở thành một trong những biểu tượng văn hóa của Thủ đô. |