Thông tin từ Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, vừa khởi động quy trình báo động đỏ cứu sống một Việt kiều là ông T. (54 tuổi).

Trước đó, rạng sáng 12/6, đang tập thể dục, ông T. bỗng đau ngực dữ dội, khó thở, ngã quỵ ra đường. Ông được đưa vào Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức cấp cứu trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở.

Ngay lập tức, ekip cấp cứu hồi sinh tim phổi cho bệnh nhân đồng thời khởi động quy trình báo động đỏ liên viện.

30 phút sau khi phục hồi tuần hoàn, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Trước tình thế nguy cấp, 4 nhân viên y tế của Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức cùng máy móc hồi sức đã theo bệnh nhân lên xe cấp cứu, sẵn sàng can thiệp nếu xảy ra tình huống xấu nhất trong quãng đường 13 km chuyển bệnh.

Bệnh nhân có biểu hiện suy đa cơ quan do ngưng tim, ngưng thở kéo dài

Bệnh nhân có biểu hiện suy đa cơ quan do ngưng tim, ngưng thở kéo dài

Sau khi nắm được thông tin sức khỏe của bệnh nhân, Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã báo động đỏ nội viện tập hợp bác sĩ ở các khoa cấp cứu, tim mạch can thiệp và hạ thân nhiệt... để sẵn sàng tiếp nhận và điều trị.

Ngay khi bệnh nhân chuyển đến cửa Bệnh viện Nhân dân Gia Định thì lại tiếp tục ngưng tim, ngưng thở lần thứ 2.

Bệnh nhân được chẩn đoán bị hẹp mạch vành, các bác sĩ đã tiến hành hồi sức tim phổi bằng thuốc vận mạch Adrenaline, sốc điện, cuối cùng tim bệnh nhân đã đập trở lại. Sau đó, các bác sĩ tiếp tục hồi sức tích cực và can thiệp mạch vành để tái thông mạch vành.

"Đây là một trường hợp suy tim rất nguy kịch, nhiều lúc tưởng bệnh nhân khó qua khỏi, nhưng 'còn nước còn tát', chúng tôi đã nỗ lực cứu chữa bằng mọi biện pháp tiên tiến, tiến hành hồi sức cho bệnh nhân, ấn tim, sốc điện, dùng 40 ống 'thuốc hồi dương' (thuốc trợ tim)", bác sĩ Nguyễn Đỗ Anh - Trưởng khoa Tim mạch Can thiệp, Bệnh viện Nhân dân Gia Định chia sẻ.

Theo bác sĩ Anh, mặc dù đã được đặt stent tái thông mạch vành nhưng bệnh nhân vẫn còn sốc tim, tình trạng còn rất nặng nên bác sĩ quyết định đặt dụng cụ hỗ trợ tăng sức cơ bóp tim. Dù vậy, bệnh nhân tiếp tục ngưng tim lần 3 ngay trên bàn mổ. Sau 30 phút hồi sức thì tuần hoàn bệnh nhân mới trở lại.

“Với trường hợp này, chúng tôi quyết định áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy, gọi là "gấu ngủ đông”, đông lạnh tất cả tế bào trong cơ thể để giảm sự chuyển hóa, giúp bảo vệ và phục hồi tế bào não. Khi thực hiện chúng tôi hạ thân nhiệt bệnh nhân từ 37 độ C xuống 33 độ C và duy trì trong vòng 24 giờ”, bác sĩ Anh thông tin.

Sau 1 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã bắt đầu có dấu hiệu tỉnh táo, sinh hiệu ổn định. Các bác sĩ tiến hành ngưng thuốc vận mạch và bóng đối xung động mạch chủ. Tuy nhiên sau đó bệnh nhân lại suy hô hấp, suy đa cơ quan, các bác sĩ phải tiến hành điều trị tình trạng suy đa cơ quan.

Hiện bệnh nhân được chuyển qua Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc (ICU) để thở máy, lọc máu cải thiện chức năng, thận, hô hấp...

Theo TS.BS Nguyễn Anh Dũng - Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định, trường hợp nhiều lần ngưng tim nhưng đã qua được nguy kịch như ca bệnh này là rất hy hữu. Việc dùng máy hạ thân nhiệt chỉ huy tuy rất tốn kém nhưng cứu được người thoát chết trong gang tấc.

Theo congly.vn