Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2018 giảm 0,09% so với tháng trước, trong đó nhóm thuốc và dịch vụ y tế có mức giảm cao nhất 5,85% (riêng dịch vụ y tế giảm 7,58%) do điều chỉnh giảm giá dịch vụ y tế làm CPI chung giảm 0,29%.

Nhóm giao thông giảm 0,52% chủ yếu do ảnh hưởng từ 2 đợt điều chỉnh giảm giá xăng, dầu vào thời điểm 22/6/2018 và thời điểm 23/7/2018 làm CPI chung giảm 0,05%. Tiếp theo là nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,05%.

Các nhóm còn lại đều có chỉ số giá tăng so với tháng trước: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,43%, trong đó lương thực giảm 0,92% do giá gạo giảm 0,8%; thực phẩm tăng 0,87% chủ yếu do giá thịt lợn tăng 3,02% (làm CPI chung tăng 0,13%).

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,37% do thời tiết nắng nóng nên nhu cầu sử dụng điện, nước tăng cao. Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,26%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,12%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,11%; nhóm đồ uống, thuốc lá và nhóm giáo dục cùng tăng 0,05%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,56%.

CPI bình quân 7 tháng năm 2018 tăng 3,45% so với bình quân cùng kỳ năm 2017. CPI tháng 7/2018 tăng 2,13% so với tháng 12/2017 và tăng 4,46% so với cùng kỳ năm trước.

Lạm phát cơ bản tháng 7/2018 tăng 0,15% so với tháng trước và tăng 1,41% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 7 tháng năm nay tăng 1,36% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.

Chỉ số giá vàng tháng 7/2018 giảm 1,57% so với tháng trước; tăng 0,48% so với tháng 12/2017 và tăng 2,88% so với cùng kỳ năm trước.

Do giá đô la Mỹ trong tháng biến động khá mạnh trên thị trường thế giới, ngày 23/7/2018 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh giá bán đô la Mỹ từ mức 23.050 VND/USD lên 23.273 VND/USD phù hợp hơn với tình hình thị trường trong nước và quốc tế.

Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 7/2018 tăng 0,84% so với tháng trước; tăng 1,3% so với tháng 12/2017 và tăng 1,28% so với cùng kỳ năm 2017.

Phương Mai/Reatimes.vn