Chị Nguyễn Thị Bé Thu nhà ở huyện Hóc Môn TPHCM hiện đang là công nhân trong cho một công ty tại thành phố này. Ao ước của chị Thu là có một chiếc xe máy để việc di chuyển đến công ty được dễ dàng hơn.
Sau khi đắn đo và gõ cửa nhiều nơi trong đó có cả những người thân và bạn của mình, chị Thu đã tìm đến dịch vụ của một công ty tài chính.
Cửa hẹp ngân hàng
Việt Nam hiện có dân số hơn 90 triệu dân và hơn 60% số đó sống tại khu vực nông thôn, nơi mà điều kiện tiếp cận các dịch vụ ngân hàng khá là khó khăn. Đa số những người dân sống ở nông thôn lẫn những người ở khu vực nông thôn di cư lên thành thị lập nghiệp đều có thu nhập từ trung bình trở xuống.
Các đối tượng này có nhu cầu mua sắm các vật dụng thiết yếu cho cuộc sống rất lớn, như chiếc xe máy trong trường hợp của chị Thu, nhưng trên thực tế họ chỉ có thể có tiền từ hai nguồn: vay mượn từ người thân, bạn bè; hoặc vay nóng hay có thể nói là vay từ “tín dụng đen”.
Người thân bạn bè chưa chắc sẵn lòng cho vay tiền và không phải lúc nào cũng có sẵn tiền để cho vay. Trong khi đó, vay “tín dụng đen” là một rủi ro rất lớn cho người vay tiền, vì những người này hoạt động một cách thiếu minh bạch, không nằm dưới sự giám sát của các cơ quan có thẩm quyền, và cách thức đòi tiền có thể nói theo kiểu “xã hội đen”.
Một kênh tín dụng nữa mà những người thu nhập trung bình đến thấp có thể tìm đến đó là các ngân hàng. Tuy nhiên, là một tổ chức huy động tiền gửi từ dân cư, hầu hết các ngân hàng đều cho vay với mức độ rủi ro thấp.
Điều này có nghĩa để vay được tiền từ ngân hàng, người đi vay cần phải làm rất nhiều hồ sơ thủ tục chứng minh thu nhập của mình như hợp đồng lao động, bản sao kê lương ba tháng gần nhất, và hơn hết là thu nhập phải ở mức đủ cao để vừa trang trải cuộc sống hàng ngày vừa trả lãi ngân hàng.
Đa số ngân hàng hiện nay chỉ cho vay những khoản vay trên 100 triệu đồng, nếu muốn vay những khoản nhỏ vài chục triệu để mua một chiếc xe máy, người vay thường sử dụng dịch vụ thẻ tín dụng hoặc thấu chi từ tài khoản tiền gửi ở ngân hàng.
Lại một lần nữa, những người có thu nhập trung bình thấp sẽ không thể tiếp cận dịch vụ này, vì thu nhập của họ không đủ để làm thẻ tín dụng tại ngân hàng hoặc hạn mức thấu chi của họ không đủ để mua món đồ họ đang cần. Cánh cửa ngân hàng xem ra quá khó đối với những người như chị Thu.
Vậy ai sẽ là người cho những công nhân như chị Thu vay?
Cần khuyến khích cho vay tiêu dùng
Câu trả lời cho chị Thu đó là công ty tài chính tiêu dùng. Chỉ mới xuất hiện trong vòng sáu năm trở lại đây nhưng các công ty tài chính đã có những bước phát triển mạnh mẽ và vươn đến phục vụ tầng lớp người dân thu nhập trung bình thấp ở nhiều khu vực trên cả nước.
Kết quả nghiên cứu của Viện Chiến lược Ngân hàng mới đây cho biết, ước tính hiện có khoảng 15,8 triệu người là khách hàng tiềm năng của các công ty tài chính tiêu dùng, với sự thỏa mãn các điều kiện cơ bản về độ tuổi và thu nhập.
Các khoản vay mà công ty tài chính cung cấp chủ yếu là những khoản vay nhỏ dưới 50 triệu đồng, thường cho vay thông qua hình thức mua hàng trả góp. Để chủ động tiếp cận được người tiêu dùng, các công ty tài chính đã liên kết với tất cả các nhà bán lẻ trên toàn quốc, đưa nhân viên đến tận nơi tư vấn cho người vay mua hàng trả góp.
Như công ty tài chính Home Credit, chỉ sau sáu năm hoạt động tại Việt Nam, công ty này đã liên kết với 4,000 điểm bán lẻ trên toàn quốc và đã phục vụ hơn 2,1 triệu khách hàng.
Tại Việt Nam, tín dụng tiêu dùng hiện mới chiếm khoảng 6% tổng dư nợ. Tuy nhiên, dịch vụ này được dự báo ngày càng phát triển mạnh do nhu cầu chi tiêu của người dân tăng cao.
Thêm vào đó, điều kiện để tiếp cận những khoản vay này khá dễ, chỉ cần hai loại giấy tờ là bản sao hộ khẩu và CMND là đã có thể có món hàng ưng ý trong vòng nửa tiếng.
Hiện có khoảng 17 công ty tài chính ở Việt Nam nhưng hoạt động mạnh trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng đúng nghĩa chỉ có vài công ty như Home Credit, FE Credit, và HD Saison Finance.
Do đặc thù của loại hình vay tiêu dùng là vay tín chấp, nghĩa là người vay không cần đưa tài sản thế chấp, nên mức lãi suất mà người vay phải gánh thường cao hơn nhiều lần so với mức lãi vay ngân hàng, nơi mà không phải người thu nhập trung bình thấp nào cũng có thể tiếp cận được.
Hiện nay, dải lãi suất cho vay tiêu dùng tín chấp tại Việt Nam vào khoảng từ 25% - 90% trong khi đó lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước khoảng 9%.
Nếu so sánh tỷ lệ lãi suất cho vay tiêu dùng /lãi suất cơ bản của Việt Nam với các nước khác trên thế giới (theo số liệu của PwC), ví dụ Mỹ 8%-36%/0,25%; EU 15% - 25%/0,25%; Trung Quốc 10% - 40%/6%; Brazil 30% - 70%/10,5%; Nhật 9% - 17%/0,1%; Ấn Độ 12% - 48%/8%... thì rõ ràng lãi suất cho vay tiêu dùng tại Việt Nam có một tỷ lệ khá tương đương.
Theo nhận định của các chuyên gia, trong những năm tới, tài chính tiêu dùng được dự đoán sẽ đóng một vai trò trung tâm cho quá trình chuyển đổi của Việt Nam sang một nền kinh tế phụ thuộc nhiều hơn vào tiêu dùng.
Do vậy, hoạt động cho vay tiêu dùng cần được khuyến khích vì nó giúp gia tăng độ tiếp cận dịch vụ tín dụng, đặc biệt là đối với nhóm đối tượng có thu nhập thấp, qua đó, đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống, gia tăng sự hiểu biết về mặt tài chính, đồng thời thúc đẩy tiêu dùng, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế cơ bản.
Chị Thu nhắc ở đầu bài cuối cùng đã vay được tại Công ty Tài chính Home Credit với kỳ hạn 6 tháng và số tiền chị cần trả hàng tháng là 2,886 triệu đồng. Chị cho biết “Trước khi đến Home Credit, tôi đã tìm hiểu cả ở ngân hàng và nhân viên tư vấn tài chính ở cửa hàng xe máy.
Ở đâu quan tâm đến quyền lợi khách hàng, có sự tiện lợi, nhanh chóng thì tôi đến”. Rõ ràng, những người có thu nhập trung bình thấp như chị Thu vẫn có nhu cầu vay và các CTTC sẽ là nơi giải quyết những nhu cầu hợp lý đó của một bộ phận không nhỏ người dân./.