Những cái tên na ná Ý
3.980 USD là giá bán một chiếc áo măng-tô lụa single breasted “xịn”. Nhưng ở Việt Nam hiện nay, có những thương hiệu cũng gắn với chữ Ý nhưng lại không phải hàng Ý và giá rẻ hơn chút song vẫn ở mức “quý tộc”.
Sản phẩm mang cái tên rất Ý nhưng không phải hàng từ nước Ý?
Được biết, hai thương hiệu Valentino SpA và Hugo Boss AG trên thế giới không nhiều sản phẩm. Valentino SpA chỉ có: Valentino Garavani, Valentino Roma và R.E.D. Valentino. Hugo Boss AG cũng chỉ có các thương hiệu nhánh Boss, Boss Orange, Boss Green và Hugo. Thế nhưng, ở Việt Nam hiện nay, lại mọc ra nhiều nhãn hiệu có gắn với chữ Ý mà có lẽ những người khai sáng ra nó ở tận trời Âu cũng phải thốt lên: “Chỉ có chúa mới hiểu được”.
Một trang mạng ở Việt Nam quảng bá: “Năm 1999, chúng tôi có mặt tại Malaysia và tiếp theo đó các sản phẩm có mặt tại các nước Châu Á khác. Tất cả các sản phẩm của nhãn hàng này đều được sản xuất trong những nhà máy tối tân nhất với chất lượng hoàn hảo. Nhiều nhà thiết kế nổi tiếng của châu Âu mơ ước được làm việc cho chúng tôi”.
Còn nhiều loại “thời trang phong cách Ý” như: Puzio - thương hiệu thời trang nam; Veneto – “thời trang nam phong cách Ý”; “Với tên gọi mang cảm hứng từ thành phố Bolzano của Ý, thời trang Bolzano Italy sử dụng nguyên liệu cao cấp cùng thiết kế phong cách Ý ...”. Đọc những đoạn quảng cáo sau, người tiêu dùng như bị lạc trong mê hồn trận, khó mà nhận ra đây không phải là sản phẩm của nước Ý: “PUZIO, một thương hiệu thời trang nam sắp xuất hiện tại Việt Nam, là một cái tên đậm chất Italia, với một phong cách cũng rất Italia.
Nhắc đến thời trang Italia là nhắc đến những thương hiệu vượt qua mọi giới hạn về không gian và thời gian như Dolce&Gabbana, Gucci, Valentino, Armani, Versace. Thời trang và tình yêu với cái đẹp dường như đã trở thành thứ không ngừng chảy trong huyết quản của người Italia, lan tỏa khắp nơi như một thứ virus không có liều thuốc chữa trị. Thời trang Italia là thứ gì đó rất khó nắm bắt, nhưng lại gây nghiện và thôi thúc. PUZIO thấm nhuần hơi thở đó, và tái hiện rõ nét trong những thiết kế của mình, để mang đến cho phái mạnh sự sang trọng, lịch lãm mà không quên tạo ra sự trẻ trung trong phong cách của người mặc”.
Dư luận nghi ngờ trong nhiều năm qua, người tiêu dùng Việt đang bị “móc ví”, bỏ tiền triệu mua hàng hoá mập mờ về thương hiệu không có tên trên “bản đồ thời trang châu Âu”.
Dạo quanh một vòng các trung tâm thương mại lớn tại Hà Nội, TP.HCM…, không khó để bắt gặp các thương hiệu có những cái tên na ná các thương hiệu lớn trên thế giới như V.C, L.B, BR… dễ gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng. Đặc điểm chung của các thương hiệu này là đều được bày bán tại những vị trí đắc địa, trưng bày sang trọng, bắt mắt trong những cửa hàng lớn.
Bỏ tiền triệu mua đồ nhái
Giá bán của các sản phẩm này không hề rẻ, vài triệu đồng, có khi lên tới hàng chục triệu đồng một món đồ. Tra cứu trên Google, tìm đỏ mắt cũng không thấy các thương hiệu thời trang này tại website chính thức của thương hiệu gốc. Một số người Việt sống lâu năm tại châu Âu cũng cho biết, ở những nước họ sống, không có thương hiệu thời trang nào mang các tên gọi trên.
Trao đổi với một chuyên gia thời trang Việt, vị này cho biết, nghiên cứu về thời trang cao cấp và xa xỉ, anh cũng chưa bao giờ nghe thấy các tên trên trong các thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới.
Cộng đồng mạng phản ứng gay gắt
Trên diễn đàn Otofun hiện có nhiều ý kiến phản ứng với loại thời trang trên. Một thành viên diễn đàn viết: “Em định không muốn nói trên diễn đàn, coi như học phí, nhưng mà ấm ức quá nên đành post lên đây cho các cụ rút kinh nghiệm ạ. Chuyện thật 100%, đã có cụ T chơi với em ở trên diễn đàn này làm chứng. Hôm trước đi mua đồ trên phố cũng ghé vào hàng này phàn nàn với mấy em bán hàng, nhưng các em ấy cứ khăng khăng bảo là hàng 'xịn', còn bảo là ai đó cắt áo của anh mà anh không biết. Chuyện là cách đây hơn 1 tháng, em mua cái áo khoác màu đen giá gần 5 triệu, về nhà em mới mặc đúng 2 lần mà túi áo bên chỗ xỏ tay vào, lớp lót bị rách cứ như là áo Tàu ấy, chỉ may ở lớp lót túi kia cũng sắp bục. Em bực mình quá, chỗ mang tiếng bán hàng hiệu mà làm ăn thế này?”.
Sau khi thành viên trên thắc mắc, một bạn khác đáp lời: “Ơ! Cụ nghĩ đó là hàng gì ạ? Nó là hàng Đông Nam Á dựa hơi một nhãn hiệu nổi tiếng toàn cầu của Ý thôi. Mấy thứ sản phẩm của hội này chả khác gì may 10, Việt Tiến đâu”.
“Áo khoác mà cụ định mua hàng đúng hãng thì phải tầm 2000 USD nhé. Cụ thân mến, nó có phải là fake đâu nhỉ?Nó là hàng lập lờ thương hiệu thôi. Nó là hàng chính hãng nhưng không phải là hàng hiệu” – một thành viên nữa cung cấp thông tin.
Có thể nói tình trạng hàng Ý “nhái” đang rất nhức nhối ở Việt Nam. Mới đây, người hâm mộ khá bất ngờ khi trên trang phục mà ca sỹ Noo Phước Thịnh diện trên thảm đỏ MAMA 2016 cũng bị tố là nhái thiết kế gốc của Ý. Ca sỹ Hoàng Thùy Linh cũng từng bị nghi diện đồ nhái.
Đã đến lúc phải làm rõ hơn nữa sự thật về các loại “thời trang phong cách Ý” ở Việt Nam.