Chính vì vậy, mà ngay cả khi giữ vai trò làm quản lý anh vẫn tham gia thực hiện những đề tài lớn, đồng thời đảm nhiệm vai trò là người “truyền lửa” nghề cho những phóng viên ảnh trẻ.

 Nhà báo Hoàng Hà tác nghiệp tại Quảng trường Thời đại, New York, Mỹ. Ảnh NVCC

Nhà báo Hoàng Hà tác nghiệp tại Quảng trường Thời đại, New York, Mỹ. Ảnh NVCC

Làm thế nào để vừa đào tạo, vừa truyền lửa cho các phóng viên ảnh trẻ là điều không hề đơn giản. Nhà báo Hoàng Hà nói, làm công tác quản lý đầu tiên mình phải làm mẫu được cho anh em, từ kỹ năng nghề nghiệp đến thái độ với công việc. Ngoài ra, những việc khó mình phải là người đảm nhiệm trước, qua đó làm gương để truyền nghề cũng như truyền lại lửa nghề.

“Tôi cho rằng, làm phóng viên ảnh khá đặc thù, nhất là làm sếp ban ảnh mà chỉ biết ngồi đút chân gầm bàn thì rất khó truyền lửa lại cho đàn em, nhất là các bạn trẻ mới vào nghề chưa biết quá khứ của cấp trên mình từng lao động như thế nào. Do vậy tôi thường phải làm mẫu các loại bài khó, hoặc dấn thân tác nghiệp bão lũ, sự cố… mỗi khi cần thiết có thể minh chứng sống, đưa đường chỉ lối cho các em”, anh Hà nói.

Từ ông chủ kinh doanh 4 tiệm ảnh đến nhà báo kinh nghiệm

Ít người biết từ nhỏ, nhà báo Nguyễn Hoàng Hà (bút danh Hoàng Hà) đã có năng khiếu về hội họa và đã không ít lần được tham dự những cuộc thi vẽ. Lớn lên trong một gia đình có nhiều người làm nghề hội hoạ, thiết kế, nhiếp ảnh nên gen mỹ thuật đã ngấm vào anh từ thủa thiếu thời. Nhà báo Hoàng Hà từng cắp bảng màu, bút vẽ đến nhà hoạ sĩ Phạm Viết Song để luyện môn vẽ tĩnh vật.

Vốn thích được đi đây đó, tìm hiểu nhiều điều hay trên thế giới, anh đã thi và học khoa Quốc tế (Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội). Dù không được học và đào tạo đúng chuyên môn báo chí mình mơ ước nhưng suốt những năm học đại học, anh luôn nuôi ước mơ chinh phục chiếc máy ảnh của mình. Cho đến nay, nhờ nghề báo anh đã đặt chân đến đủ 5 châu với gần 30 quốc gia trên thế giới.

Nhà báo Hoàng Hà cho biết: “Năm 1994 tôi được mẹ mua cho một chiếc máy ảnh chụp phim của Trung Quốc trị giá 1 triệu đồng. Có chiếc máy trong tay, tôi bắt đầu tập chụp những bức ảnh đầu tiên và theo học về nhiếp ảnh để phục vụ niềm đam mê. Sau đó, tôi xin làm việc tại một hiệu ảnh, đó cũng là dấu mốc quan trọng khiến bản thân tôi theo đuổi nhiếp ảnh”.

Vừa theo học đại học, vừa làm thêm đồng thời theo đuổi đam mê qua các khóa học nhiếp ảnh ngắn hạn, đặc biệt từ thầy Đinh Đăng Định - cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Học xong đại học, anh lại không theo nghiệp báo mà quyết định mở các cửa hàng kinh doanh nhiếp ảnh. Anh nhớ lại: “Tôi mở đến 4 studio ảnh nhỏ tại Hà Nội. Tuy nhiên, trong số đó chỉ duy nhất có một cửa hàng làm ăn tốt. Sau này, khi tuyến đường mà mình thuê mặt bằng giải tỏa, phải đi thuê chỗ khác cũng là lúc tôi thấy mình không còn duyên với việc làm ông chủ”.

“Từ trước tôi vẫn ấp ủ làm phóng viên ảnh nhưng chưa có cơ hội. Đến năm 2006 một người bạn đang làm ở báo Vnexpress.net nói rằng báo đang tuyển phóng viên ảnh. Lúc đó, tôi thấy rằng cơ hội đã đến. Đang kinh doanh dở, tôi bỏ hết và nộp hồ sơ đi làm nghề báo, may mắn tôi được nhận”, anh Hà hồi tưởng.

Trưởng ban ảnh Zing.vn kể điều khó khăn nhất thời gian đầu khi làm phóng viên là có sự khác biệt rất nhiều so với những gì trước kia anh làm nghề chụp ảnh. Tư duy, góc nhìn về ảnh báo chí gần như là con số 0. “May mắn là tôi được vào học và làm tại tờ báo số 1 Việt Nam về tính chuyên nghiệp, sự chuẩn mực. Ở VnExpress.vn cũng như Zing.vn sau này đều là những nơi có môi trường đào tạo bài bản, nhiều nhà báo giỏi nên tôi tiến bộ nhanh, đồng thời tôi cũng được lãnh đạo tạo điều kiện cho học các khóa học ngắn hạn của các tổ chức quốc tế đào tạo về ảnh báo chí. Với tôi, VnExpress.vn như người cha người mẹ nuôi dạy mình nên người, còn Zing như người vợ của mình vậy”, anh Hà bày tỏ.

Suốt gần 10 năm làm phóng viên ảnh tại tờ báo này, nhà báo Hoàng Hà được bạn bè, đồng nghiệp cũng như rất nhiều người đánh giá cao về tay nghề, cách nhìn, cách tư duy về ảnh báo chí. Không chỉ thế, với những gì anh để lại suốt gần 10 năm là những bài ảnh đặc sắc, mang đậm tính tư duy báo chí.

Tuy nhiên, khi chúng tôi mở lời ngưỡng mộ thì anh lại tỏ ra e ngại bởi các tên nhiều người ngưỡng mộ đặt cho là “vua chùm ảnh đất Bắc”. Anh Hà cho biết, ngày nay còn xuất hiện rất nhiều “vua chùm” khác mà mọi người ít để ý.

Sự tận tụy làm nên một phóng viên ảnh

Năm 2013, nhà báo Hoàng Hà chuyển sang đầu quân cho Báo điện tử Tri Thức Trực Tuyến (Zing.vn) với vai trò là Trưởng ban Ảnh. Suốt 6 năm qua, anh vừa là người chịu trách nhiệm chính đối với tòa soạn về việc đảm bảo chất lượng cho hàng trăm tác phẩm ảnh báo chí mỗi ngày. Không chỉ thế, anh còn là người “truyền lửa” cho những phóng viên đã và đang theo nhiếp ảnh tại tòa soạn cũng như các cơ quan báo chí khác. Anh cũng thường xuyên nhận lời mời của các giảng viên khoa báo chí vào truyền đạt kinh nghiệm tác nghiệp cho sinh viên.

Theo chia sẻ của nhà báo Hoàng Hà, cái cốt lõi nhất của một người làm phóng viên ảnh tốt là sự tận tụy bởi theo kinh nghiệm của anh điều này không phải ai cũng có. Anh Hà chia sẻ: “Tôi không đồng tình với việc một phóng viên ảnh thức dậy sau 7h30 - 8h sáng rồi uể oải ngáp ngủ không chịu rời khỏi giường. Tôi không lấy mình ra làm tham chiếu cho các em nhưng cho rằng về phẩm chất, năng lực ít nhất các bạn trẻ cũng phải làm được 7-8 phần cần có của một phóng viên ảnh hoàn hảo. Một phóng viên ảnh báo điện tử thời kỳ cạnh tranh tốc độ đưa tin từng phút, muốn có nhiều đề tài hay để thu hút bạn đọc đòi hỏi phải luôn dậy sớm để tìm hiểu đề tài, phát hiện đề tài, chủ động báo cáo và sẵn sàng lao vào hiện trường, bất kể ngày đêm”.

“Tôi từng có nhiều thời gian làm việc triền miên từ ngày sang đêm khuya đến suốt tuần, ngủ rất ít vì nhiều việc nhưng có nguyên tắc không bao giờ kêu than mệt mỏi vì nghề. Tôi rất không hài lòng với cách làm việc thiếu chuyên nghiệp của một số phóng viên lười động não tìm và phát hiện đề tài, trông chờ vào cấp trên giao việc, khi có đề tài khó thì hay báo bận việc gia đình, đến địa điểm làm việc muộn, tác phong đủng đỉnh. Điều này, đồng nghĩa với việc họ chưa thật sự lo lắng, toàn tâm với công việc của mình”, nhà báo Hoàng Hà thẳng thắn.

Theo nhà báo Hoàng Hà, một phóng viên ảnh cần hội tụ nhiều tiêu chí. Trong đó ưu tiên những bạn hội tụ những yếu tố như không vướng bận gia đình, không đặt nặng vấn đề giờ giấc, sẵn sàng lên đường tác nghiệp bất kể ngày đêm, xa gần. Tuy nhiên, trẻ cũng đi đôi với việc mình phải đào tạo từ đầu bởi họ thiếu kinh nghiệm.

Kết thúc cuộc trò chuyện, nhà báo Hoàng Hà cũng nhấn mạnh, muốn biết một phóng viên ảnh báo chí thành công hay không hãy nhìn vào sản phẩm của họ trên chính tờ báo họ làm. Nhà báo Hoàng Hà chia sẻ: “Tôi rất quý trọng những phóng viên ảnh hàng ngày âm thầm cống hiến cho nghề, cho toà soạn thay vì người nói nhiều hơn làm”.

Tôi rất quý trọng những phóng viên ảnh hàng ngày âm thầm cống hiến cho nghề, cho toà soạn thay vì người nói nhiều hơn làm”.

Nhà báo Hoàng Hà

 
Nguồn: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/nguoi-truyen-lua-nghe-cho-nhung-phong-vien-anh-20190619121919872.htm

Theo báo Gia đình & xã hội