Báo Gia đình & Xã hội đã có loạt bài viết ghi nhận về sự thay đổi của đoạn thượng lưu sông Tô Lịch, nơi được đặt thí điểm máy xử lý ô nhiễm bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản.

Theo đó, sau khoảng 1 tuần đặt máy xử lý ô nhiễm bằng công nghệ Nano, đã cho kết quả khá tích cực là nước trong dần, váng nổi trên mặt nước dần mất đi và đặc biệt, mùi hôi thối bốc lên từ dòng sông đã giảm.

 Có thể do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, những tồn tại trước đó của đoạn thượng lưu sông Tô Lịch này lại vẫn nguyên hiện trạng, sau khoảng một tháng áp dụng công nghệ xử lý.

Có thể do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, những tồn tại trước đó của đoạn thượng lưu sông Tô Lịch này lại vẫn nguyên hiện trạng, sau khoảng một tháng áp dụng công nghệ xử lý.

Tuy nhiên, sau khoảng một tháng xử lý bằng công nghệ Nano, có thể do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, những tồn tại trước đó của đoạn thượng lưu sông này lại trở về hiện trạng ô nhiễm, nước sông trơ đáy, đen đục, váng đặc trên bề mặt nước và bốc mùi hôi thối.

Hiện trạng này cũng khiến không ít người dân sinh sống trong khu vực hoài nghi về tính hiệu quả bền vững của những chiếc máy tý hon được khẳng định có thể xử lý khoảng 150.000 khối nước thải/ngày đêm.

Trước những hoài nghi của người dân, trong buổi chia sẻ với Báo Gia đình & Xã hội, GS.TS Vũ Trọng Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNN thẳng thắn: “Để làm được những bất cập về ô nhiễm sông Tô Lịch hiện nay, cần phải có đầu tư thích đáng như đầu tư một nhà máy xử lý nước thải công nghiệp, sinh hoạt”.

 GS.TS Vũ Trọng Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNN chia sẻ với PV Báo Gia đình & Xã hội.

GS.TS Vũ Trọng Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNN chia sẻ với PV Báo Gia đình & Xã hội.

Nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNN lý giải: “Trong môi trường có nước, không khí, đất thì môi trường nước đang bị ô nhiễm nặng, bởi sự ô nhiễm nguồn nước hiện nay rất đa dạng.

Có 2 hướng triển khai dự án làm sạch sông Tô Lịch. Thứ nhất là đưa nước sông Hồng vào để lọc thải. Dự án thứ hai là đưa những chất hút mùi để xử lý nhưng sau tất cả định hướng thì sông Tô Lịch bây giờ vẫn bị ô nhiễm bởi nguồn nước thải dân sinh của các dòng ven lề xả thải vào.

Nhà nước biết và dự kiến làm đường xả thải riêng nhưng vấn đề hiện nay trong khâu xử lý là nếu nước thải sinh hoạt như nước ăn uống, giặt giũ, vệ sinh thì dễ xử lý, nhưng trong nước thải này lẫn nước dịch vụ có dầu mỡ như nước rửa xe, rửa máy, nước thải công nghiệp, bệnh viện… (gọi chung là nước thải công nghiệp) thì cần phải xử lý trước khi hoà với nguồn thải sinh hoạt để đổ ra sông Tô Lịch.

Tôi biết, một nhà máy xử lý những chất nước thải công nghiêp, một kỳ xử lý thôi cũng tiêu tốn đến hàng triệu đô la. Thế thì nhà máy xử lý nước thải của chúng ta rất khó để có thể đủ tiềm lực cho việc xử lý như vậy. Cho nên, tôi cho rằng, rất khó để xử lý vấn đề nước thải của sông Tô Lịch nếu không được đầu tư thích đáng”.

 Hiện trạng ô nhiễm tại đoạn sông đặt thí điểm máy xử lý ô nhiễm.

Hiện trạng ô nhiễm tại đoạn sông đặt thí điểm máy xử lý ô nhiễm.

Nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho hay, trong thời gian giữ công tác tại Trường Đại học Thủy Lợi và giảng dạy tại phân hiệu TP.HCM (năm 1978), bản thân ông đã chứng kiến dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè biến đổi từng ngày. Vì vậy, ông mong muốn là để cải tạo dòng sông Tô Lịch cần học hỏi mô hình xử lý ô nhiễm kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TP.HCM).

“Khi TP.HCM quyết tâm giải quyết kênh này làm tiêu điểm thì phải đi từ những bước nào? Đó là phải gom tách biệt đường thải dân sinh và công nghiệp đưa vào nhà máy xử lý. Về việc gom đường thải này thì sông Tô Lịch cũng phải dự kiến, tính toán gom đường thải là đường thải trên bờ, trong khi hai bên bờ Tô Lịch khá hẹp thì cũng không lo, vì bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè còn hẹp hơn nhiều. Có định hướng, tính toán được như vậy thì dòng sông Tô Lịch mới trở về đúng nghĩa với câu nói mà tôi từng ngưỡng mộ là “Sông Tô nước chảy trong ngần/ Con thuyền buồm trắng bơi gần bơi xa”, GS.TS Vũ Trọng Hồng nhấn mạnh.

Theo ông Hồng, trước đây, kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè được biết đến là một dòng kênh thơ mộng bậc nhất Sài Gòn với dòng nước trong xanh, tung tăng cá lội.

Nhưng từ những năm 70 của thế kỷ trước trở về sau, do quá trình đô thị hóa đã làm cho dòng kênh bị ô nhiễm nghiêm trọng. Toàn bộ dòng kênh gần như đã biến thành dòng kênh chết, nước đen ngòm, hôi thối làm mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân.

Song với quyết tâm cải tạo của chính quyền TP.HCM, hiện nay, kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè trở thành niềm tự hào của nhân dân thành phố mang tên Bác.

Trao đổi với PV, ông Chử Mạnh Hùng, Phó chủ tịch UBND phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy) cho rằng, mong mỏi của người dân về cải tạo sông Tô Lịch cũng là nỗi niềm chung của chính quyền cơ sở.

“Tuy nhiên, trên thực tế, tốc độ phát triển đô thị, việc kè sông đến nay đã tốt hơn rất nhiều so với những năm trước, song để đảm bảo việc không bị ô nhiễm thì đương nhiên phường Nghĩa Đô mong muốn là Nhà nước cùng các đơn vị liên quan có một giải pháp tích cực về vấn đề thoát nước của thành phố nói chung, cũng như sông Tô Lịch, sông Nhuệ nói riêng. Tức là đi vào câu chuyện tách rời hệ thống xả thải của thành phố và giải quyết gốc rễ vấn đề mang tính hiệu quả, bền vững. Ví dụ điển hình hiện nay là hệ thống thoát nước của TP.HCM được đầu tư bài bản và hiệu quả đem lại tính bền vững, giải quyết vấn đề ngập nước ở đằng gốc”, ông Chử Mạnh Hùng cho hay.

Nguồn: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/nguyen-thu-truong-bo-nnptnt-cai-tao-song-to-lich-can-hoc-hoi-mo-hinh-kenh-nhieu-loc-thi-nghe-20190614003147362.htm

Theo báo Gia đình & xã hội