Rõ ràng là có hoa quả Trung Quốc trong thị trường hoa quả nhập khẩu
Đầu năm 2015, thị trường hoa quả nhập khẩu gặp biến động lớn với lệnh cấm nhập khẩu hoa quả từ Úc vì dịch ruồi đục. Từ trước tới nay, các loại hoa quả của Úc vẫn luôn được các công ty kinh doanh hoa quả nhập khẩu và người tiêu dùng đánh giá cao vì chất lượng tuyệt hảo và nguồn cung dồi dào, phong phú.
Kể từ sau lệnh cấm, tuy vẫn có một vài đơn vị bán hoa quả Úc theo đường "xách tay", đường "hàng không" nhưng số lượng khá ít, nguồn gốc xuất xứ đáng ngờ nên không được người tiêu dùng chú trọng. Bởi thay đổi này cùng một vài lùm xùm trước đó về lượng cam, táo nhập khẩu giá rẻ đến đáng ngạc nhiên trong các siêu thị đã dấy lên nghi vấn giữa sự nhập nhằng, đánh tráo giữa hoa quả Trung Quốc và hoa quả ngoại.
Theo số liệu của Cục bảo vệ thực vật, tính đến tháng 7/2014, Việt Nam đã nhập khẩu 38.584 tấn táo tươi từ nhiều nước thông qua cảng Sài Gòn, cảng Hải Phòng, sân bay Nội Bài, sân bay Tân Sơn Nhất và đường biên giới giáp Trung Quốc.
Trong đó, lượng táo nhập khẩu từ Mỹ, Úc, New Zealand là 16.086 tấn (chiếm 41,7%), lượng táo nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm đa số với 22.498 tấn (chiếm 58,3%). Ngoài ra, còn một lượng táo nhỏ được nhập khẩu từ Canada và các nước EU.
Ngoài mặt hàng táo được tiêu thụ lượng lớn mỗi năm, Việt Nam còn nhập khẩu các loại hoa quả khác như: nho, cherry, việt quất, kiwi… từ thị trường Mỹ, New Zealand. Ví dụ như nho, Mỹ là nguồn chính cung cấp nho cho Việt Nam, chiếm tới 80% thị trường, nho Trung Quốc 20%.
Vậy là đích xác có một số lượng không nhỏ hoa quả Trung Quốc được nhập khẩu chính ngạch vào Việt Nam và một số lượng lớn hoa quả Trung Quốc vẫn tiếp tục trà trộn, nhập lậu vào Việt Nam đang nhập nhèm giữa với số lượng hoa quả "ngoại nhập".
Bài viết liên quan: Vì sao người Việt chuộng hoa quả nhập khẩu
Để an toàn, người tiêu dùng vẫn phải tự tin vào chính mình
Ông Hoàng Mạnh Hưng, Phó giám đốc Công ty TNHH Hoàng Minh (Hà Nội), đơn vị nhập khẩu và phân phối nhiều loại hoa quả của New Zealand, Mỹ, Canada... thừa nhận, thị trường hoa quả nhập khẩu đang nhiễu loạn, do có nhiều đơn vị kinh doanh, với rất nhiều loại hoa quả, mà bản thân người tiêu dùng cũng không thể kiểm chứng, chỉ mua bằng niềm tin và sự giới thiệu của chính các cửa hàng kinh doanh.
Theo ông Hưng, thực tế, nếu nhập khẩu chính ngạch và có giấy tờ kiểm dịch của các cơ quan chủ quản, giá của các loại hoa quả ngoại không rẻ. Đơn cử, cam vàng Australia giá 180.000-250.000 đồng/kg, nho Mỹ không hạt 250.000-350.000 đồng/kg, cherry Australia 450.000-550.000 đồng/kg, tùy loại to, nhỏ. Trong khi đó, nhiều điểm công bố giá bán rẻ giật mình, thì người tiêu dùng cũng nên thận trọng.
Các loại hoa quả nhập khẩu tuân theo quy định đều được kiểm tra chất lượng. Tuy nhiên, điều đáng nói là khi hàng đến cửa khẩu các đơn vị sẽ lấy mẫu kiểm tra, sau đó mới được đem đi kiểm định. Tuy nhiên, thời gian kiểm định phải mất nhiều ngày mới ra kết quả.
Trong quá trình mẫu kiểm nghiệm đang được xử lý ở phòng kiểm nghiệm, số hàng trên đã được đưa vào trong nước tiêu thụ. Nếu lô hàng trước kiểm nghiệm phát hiện mặt hàng nào có vấn đề, những lô hàng sau phải để lại không được qua cửa khẩu.
Trình tự như vậy thì nếu phát hiện ra được vấn đề thì cũng có có khá nhiều sản phẩm có vấn đề đã được tiêu thụ rồi mà không biết bao nhiêu người tiêu dùng đã "ăn" phải những vấn đề về chất lượng ấy. Với nhiều vấn đề còn mắc mứu ở nhiều khâu như vậy thì người tiêu dùng chỉ biết tin vào chính mình khi mua hàng, lại phải tự là người tiêu dùng thông mình mà thôi.
Để hạn chế rủi ro khi thị trường cung cấp còn nhập nhằng về nguồn gốc hoa quả nhập khẩu, người tiêu dùng có thể kiểm tra tem trên mỗi sản phẩm. Tem do các doanh nghiệp xuất khẩu nước ngoài bán cho Việt Nam phần lớn đều là tem nylon, có độ trong và dai, rất khó làm giả, bởi chi phí in ấn cao. Ngược lại, với các mẫu hoa quả tươi có dán tem giấy, thì rất nên dè chừng, bởi nhiều đơn vị kinh doanh có thể tự in và dán lên sản phẩm để tạo lòng tin với người tiêu dùng.
Ngoài ra các loại hoa quả nhập khẩu nên được mua ở các cửa hàng có uy tín, có giấy phép đàng hoàng, giá cả chắc chắn phải cao chứ không được ham hàng rẻ. Bởi các cụ nói "của rẻ là của ôi" cũng chưa bao giờ sai.