Bởi tên gì mà dân vẫn cảm thấy bị bắt chẹt cũng là vô nghĩa mà thôi.
Tháng 6 năm ngoái, sau những cuộc tranh luận gay gắt liên miên và sự bức xúc của người dân, cử tri, cái tên “trạm thu giá” được đưa lên diễn đàn Quốc hội.
Hôm ấy, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nói thế này: “Chúng tôi đang rà soát để thay đổi tên gọi trạm BOT cho đúng với bản chất”. Và ông “thành thật xin nhận trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân” trước những yếu kém của ngành.
Sau giải trình của Bộ trưởng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu rằng: Tên gọi “trạm thu giá” không cần trình Chính phủ, sẽ mất nhiều thời gian, chỉ cần đưa về đúng tên gọi cũ là “trạm thu phí”.
Vậy là “sau một đêm”, “trạm thu giá” biến mất để trả lại tên cũ “trạm thu giá”, cũng nhanh như hồi các “trạm thu phí” được thay bằng “trạm thu giá”.
Cần phải kể thêm là trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ ngày 2/6 trước đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã báo cáo về vấn đề dư luận quan tâm là tên gọi của các trạm thu phí giao thông BOT. Theo đó, Bộ GTVT “xin được nghiên cứu tiếp để đưa ra tên gọi phù hợp”.
Nghiên cứu mãi, nghiên cứu mãi, cuối cùng hôm qua, trong Dự thảo Thông tư về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ, để thay thế cho Thông tư 49/2016 về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ, một cái tên mới lại xuất hiện: Trạm thu tiền.
Trạm thu phí, trạm thu giá, hay trạm thu tiền thì bản chất vẫn là thu. Và vấn đề ở chỗ người dân có đồng thuận với hình thức xã hội hóa hạ tầng giao thông - lẽ ra rất đáng khuyến khích, để đồng ý trả tiền hay không. Chứ không phải là chuyện cái tên thế nào “cho phù hợp”.
Loay hoay mãi với cái tên, dường như Bộ quên mất rằng BOT vẫn chưa hề thôi nóng.
Cũng hôm qua, người dân tiếp tục “vây” trạm BOT đường Hòa Lạc - Hòa Bình để phản đối và đề nghị miễn giảm thêm phí. Lưu ý: Câu chuyện này kéo dài suốt từ ngày trạm này tổ chức thu phí.
Điều làm người dân bức xúc là những tỉnh nghèo có tới 3 trạm thu chỉ trên một quãng đường 60km như ở Bình Phước hay 4 trạm với 100km quốc lộ như ở Bình Định.
Điều khiến dân thiếu tin tưởng là tình trạng gian lận, dấu doanh thu hàng chục triệu mỗi này như ở BOT Bến Thủy và Bến Thủy 2. Và câu chuyện dân “vây trạm” là ở việc nó “sai vị trí”, ở chuyện “thảm một đoạn đường rồi chặn thu toàn tuyến”.
Nếu Bộ GTVT xử lý rốt ráo, thỏa đáng và minh bạch, nếu bộ có thể giải tỏa những bức xúc đó cho dân thì đâu cần phải loay hoay mãi chuyện cái tên, để rồi cái tên nào cũng trở thành đề tài đàm tiếu.
Anh Đào