15 ngày phong tỏa không có nghĩa 15 ngày không phải làm việc, không có nghĩa chỉ ngồi im chờ đợi đến ngày được xóa lệnh, bác sỹ Hùng cũng như bao y, bác sỹ khác trong BV Bạch Mai vẫn ngày đêm cứu chữa hàng nghìn bệnh nhân lưu trú tại BV Bạch Mai.
Lời tòa soạn: Là bác sỹ của khoa cấp cứu BV Bạch Mai, bác sỹ Ngô Đức Hùng được mọi người biết đến nhiều thông qua cuốn sách “Để yên cho bác sỹ được hiền” mà anh là tác giả. Với lối viết dí dỏm, đa chiều pha chút “chua ngoa” cùng với hệ thống kiến thức nền trong y học, anh luôn có sẵn một lượng fan hâm mộ có lẽ không ít.
Có những câu chuyện với những bác sỹ ở tuyến đầu như anh Hùng tưởng như đã chai sạn, nhưng không phải. Nỗi đau, sự bất lực và vẫn nghẹn đắng ở trái tim mỗi lần chấp nhận buông tay để bệnh nhân ra đi… Có những nỗi niềm mà chỉ trong thời gian phong tỏa mới cảm nhận hết.
16 bệnh nhân nặng “mỗi người một vẻ”
Trò chuyện với bác sỹ Hùng, vẫn giọng nhỏ nhẹ, “hiền như ma sơ” ấy, anh cho biết, đã hết lệnh phong tỏa ở BV, nhưng vẫn còn thực hiện theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Anh kể, ngày thứ 2 sau khi có lệnh phong tỏa BV Bạch Mai, 4 bác sĩ ở lại làm việc xuyên đêm với 16 bệnh nhân nặng, viêm phổi, áp xe gan, viêm tụy cấp, xơ gan mạn, dị dạng mạch não vỡ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính... Mỗi người 1 vẻ.
Trong những người bệnh này, bác sỹ Hùng cho biết hầu hết phải thở máy. Quần quật cả ngày, quay cuồng với chỉnh thuốc và làm thủ thuật. Tạm xong với một ca bệnh đã là 36 tiếng sau.
Và trong những ngày đó, điện thoại bị gọi cháy máy, các tuyến xin chuyển bệnh nhân nặng và khó lên, rồi xin tư vấn chuyên môn. Không những thế, những bác sỹ ở đây còn kiêm luôn việc trấn an người nhà bệnh nhân. Bác sỹ, y tá còn ở đây giờ phút nào sẽ cố gắng hỗ trợ đến cùng. Khó khăn cần thông cảm và chia sẻ, chả ai muốn vậy. Những khuôn mặt với khẩu trang N95 kéo bầm tai, hết làm công việc của bác sỹ điều trị lại đến công việc của người thân để động viên, an ủi. Phờ phạc. Rã rượi. Có điều đáng mừng, tại những nơi nguy cơ cao như này, xét nghiệm của nhân viên đều âm tính.
“Mệt không, mệt chứ. Cố được không, cố được. Nghề đã chọn mình. Ai cũng có nhiều trăn trở, chỉ biết động viên nhau cố lên thôi. Mong rằng các tuyến được an toàn”, anh Hùng cho biết.
Những khoảnh khắc mà bất cứ bác sỹ nào không thể quên. Ảnh tư liệu |
Có bệnh nhân đã buông tay đầu hàng số phận
Thế rồi, trong số 16 bệnh nhân nặng ấy, 4 người không chờ đợi được nữa... Bỏ qua tất cả những cố gắng, những vất vả và kiệt sức của nhân viên y tế.
Sau 1 thời gian dài ăn ngủ tại BV trông bệnh, những người nhà khoẻ mạnh nhất đã mệt mỏi, và khi BV bị phong toả, họ phải đi cách li nơi khác. Thay thế bằng những người nhà khác. Mỗi bệnh nhân nặng chỉ có duy nhất 1 người nhà ở lại.
Đối diện với chuyện sinh tử của bệnh nhân, đội ngũ nhân viên y tế cũng nặng nề nhiều lắm. Tử vong không phải chuyện hiếm khi xảy ra ở những căn phòng cấp cứu. Bác sỹ Hùng trầm lặng: “Bệnh nhân từ bỏ đầu tiên là một cô gái trẻ. Gọi người nhà bệnh nhân, có nghĩa là bác sỹ sẽ phải thông báo tình trạng để người nhà chuẩn bị tinh thần. Khi nghe bác sĩ giải thích tình trạng của em gái mình, cô gái (người nhà bệnh nhân) gầy yếu túm chặt cái khăn trong tay đến nhợt nhạt, cắm chặt môi không nói. Cô là người yếu nhất trong gia đình, nhưng là người duy nhất còn đủ khoẻ mạnh để ở lại chăm em hôn mê do biến chứng chảy máu sau đẻ. Vừa nghe giải thích, cô vừa nhìn vào em qua ô cửa kính”.
Thế rồi bệnh nhân tử vong, lúc mất cũng chẳng có ai ở bên. Mất rồi nhưng vẫn phải chờ, chờ để xin phép, chờ để làm thủ tục cho người nhà đến nhận xác, rồi chờ xét nghiệm Covid-19... Tất cả đều chờ và phải chờ. Biết như thế là khiến người ta đau đớn hơn nhiều lắm, biết làm vậy sẽ khiến người nhà mệt mỏi hơn nhiều lắm. Nhưng vẫn phải làm tròn để bảo vệ những người còn lại.
Rồi bệnh nhân được đưa vào nhà xác. Cô chị ở lại phòng chờ cùng những người nhà bệnh nhân khác, hàng ngày ngồi thu mình vào 1 góc trong ánh sáng đèn nhờ nhờ, run rẩy. Nhưng không khóc.
Rồi lần lượt, ba bệnh nhân nặng khác tiếp tục đầu hàng số phận, buông tay trước những hồi sức, những ép tim, những truyền máu… của nhân viên y tế. Người nhà của những bệnh nhân ấy, lại tiếp tục ở viện 1 mình với cái xác của người thân. Và lại chờ đợi.
Anh xót xa: “Có lẽ trong cuộc đời mình, đây là lần đầu tiên chứng kiến về cuộc đời của những người bệnh xấu số, cái chết đã được lường trước nhưng lại rơi vào đúng thời điểm tất cả đang bối rối vì dịch bệnh. Hình ảnh này chắc chắn sẽ không bao giờ xảy ra nữa, nhưng không biết nó sẽ còn ám ảnh bác sĩ cho đến bao giờ”.
Cũng là 1 đời người, mong họ ra đi thanh thản. Tất cả đã cố gắng hết sức rồi.
(Còn nữa)