Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) tạo ra nhiều cơ hội hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (vốn chiếm đa số trong các doanh nghiệp Việt) khi gỡ bỏ các rào cản về thuế và rào cản khác cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường châu Âu.
Với doanh nghiệp, cơ hội mà EVFTA đem lại cũng chính là thách thức. (Ảnh minh họa)
Ngày 30/7, tại TP. HCM, Bộ Công thương phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Phòng Thương mại châu Âu và một số hiệp hội tổ chức Diễn đàn thương mại Việt Nam - EU năm 2019. Diễn đàn lần này tập trung thảo luận các cơ hội và thách thức mà doanh nghiệp cần biết xung quanh Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) vừa được ký kết vào tháng 6/2019.
Theo Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, từ trước đến nay, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và EU, trong đó có hợp tác thương mại đã phát triển qua các giai đoạn, nhưng khi có EVFTA thì cơ hội hợp tác giữa hai bên nhiều hơn, bền vững hơn. Châu Âu hiện là thị trường thứ 3 về xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam và đứng thứ 5 về vốn FDI đầu tư vào Việt Nam, chỉ sau các nước Đông Á.
EVFTA đặc biệt tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (vốn chiếm đa số trong các doanh nghiệp Việt) khi gỡ bỏ các rào cản về thuế và rào cản khác cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường châu Âu. Đồng thời EVFTA cũng đưa ra những yêu cầu, tiêu chuẩn cụ thể về hàng hóa để doanh nghiệp nhỏ và vừa căn cứ vào đó mà thực hiện. Điều này các doanh nghiệp lớn đã thực hiện từ lâu nên không chịu tác động nhiều.
Với doanh nghiệp, cơ hội mà EVFTA đem lại cũng chính là thách thức. Tức là, nhất thiết doanh nghiệp phải chuẩn hóa quy trình sản xuất, thực hiện các quy định về lao động, đáp ứng tiêu chuẩn hàng hóa xuất vào thị trường châu Âu. Trong đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông sản thực phẩm phải nỗ lực nhiều nhất vì thực tế hàng hóa trong lĩnh vực này chưa tạo được uy tín ở thị trường châu Âu.
Hiệp định EVFTA có hơn 1.000 trang và doanh nghiệp Việt cần tiếp cận như thế nào để có thể tận dụng được ngay khi hiệp định có hiệu lực là vấn đề rất quan trọng. Theo đó cách lựa chọn hiệu quả nhất hiện nay là doanh nghiệp cần chủ động nắm nội dung tổng thể qua các cổng thông tin, phổ biến của chuyên gia, của các hiệp hội, sau đó đi sâu vào các chương, các điều khoản đặc thù…
Bà Nguyễn Sơn Trà, Phó trưởng phòng WTO và Đàm phán thương mại, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương Việt Nam cho biết, doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trong việc nắm vững các cam kết của Việt Nam và EU trong khuôn khổ Hiệp định EVFTA này.
“Doanh nghiệp cũng cần thay đổi tư duy kinh doanh, lấy sức ép cạnh tranh làm động lực để đổi mới, cải tiến sản phẩm chất lượng của mình để có thể đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của EU đưa ra đối với hàng hóa nhập khẩu”, bà Trà nhấn mạnh.
Nguồn: https://congluan.vn/nhieu-co-hoi-cho-cac-doanh-nghiep-nho-va-vua-tiep-can-thi-truong-eu-post65875.html