Theo đó hiện với sự điều chỉnh kịp thời trong chiến lược phòng chống dịch, mở cửa nền kinh tế của Chính phủ, bước vào quý IV, tình hình đã có nhiều cải thiện, sản xuất kinh doanh cả nước đang trên đà phục hồi.
Chính phủ cũng đang tích cực chuẩn bị một chương trình tổng thể phục hồi và phát triển nền kinh tế, trong đó tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ mới cho doanh nghiệp. Các biện pháp đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, cải cách thể chế, thủ tục hành chính cũng được đẩy mạnh, kế hoạch mở đường bay quốc tế đã được tính toán, tạo điều kiện cho chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, chiến lược tiêm chủng vaccine và áp dụng hộ chiếu, giấy thông hành vaccine dự kiến sẽ mang lại các cơ hội mới cho thị trường và cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp FDI.
Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng Ban Nghiên cứu Tổng hợp Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương (CIEM) bổ sung thêm, hiện Việt Nam đang có rất nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước, đây là cơ hội cho cả nhà đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước. Với việc có FTA với 59 đối tác, hàng hoá của Việt Nam xuất khẩu sang nước ngoài sẽ gặp ít rủi ro, rào cản, chi phí hơn về thuế quan và các loại thuế phí khác, giúp nhà đầu tư đến Việt Nam tiếp cận được nhiều thị trường với ưu đãi hấp dẫn.
Ngoài ra, quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ, từ góc độ của nhà đầu tư, điều này sẽ giúp môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn. Chính phủ cũng đẩy mạnh chuyển đổi số, tương thích với quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, mở ra cơ hội về thương mại không giấy tờ.
Tuy nhiên Việt Nam cần củng cố hơn nữa niềm tin cho nhà đầu tư và thể hiện mức độ quyết liệt khi thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế. Đặc biết, việc bảo đảm nguồn cung lao động đủ, sớm là yếu tố quan trọng, cần nâng cao vai trò của chính quyền trong việc tạo điều kiện cho người lao động yên tâm quay lại sản xuất. Đồng thời có những ý tưởng mới trong việc cải cách môi trường đầu tư - kinh doanh, tạo niềm tin trong quan hệ liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước.
Việt Nam cũng có thể học hỏi một số tư duy mới về xúc tiến đầu tư trên thế giới đẩy mạnh chuyển đổi số, từ đó tạo ra các nền tảng trực tuyến để kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài.
Ngoài ra, xu hướng đầu tư năm 2021 nổi lên đó là xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực y tế, các lĩnh vực liên quan thông qua nền tảng số. Việc tham quan địa điểm đầu tư diễn ra trên nền tảng ảo nhiều hơn, đòi hỏi phải truyền hình ảnh thời gian thực cho nhà đầu tư thông qua các công nghệ tiên tiến.
Nguồn: https://congly.vn/nhieu-co-hoi-cho-nha-dau-tu-nuoc-ngoai-tai-viet-nam-201128.html