6 tháng đầu năm, nhiều ngành hàng nông sản xuất khẩu chủ lực sụt giảm về giá trị. (Ảnh TL) 6 tháng đầu năm, nhiều ngành hàng nông sản xuất khẩu chủ lực sụt giảm về giá trị. 

Cụ thể, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 6 năm 2019 ước đạt 625 nghìn tấn với giá trị đạt 275 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 3,39 triệu tấn và 1,46 tỷ USD, giảm 2,8% về khối lượng và giảm 19% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

Nhìn chung, những tháng đầu năm 2019 xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp khó khăn về thị trường, đặc biệt là tại các thị trường lớn, truyền thống như Trung Quốc, Indonesia, Bangladesh. Trong dự báo tháng 6 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng gạo năm 2018 - 2019 ước đạt 499,1 triệu tấn, tăng nhẹ so với mức 494,9 triệu tấn của năm 2017 - 2018. Do đó, dự báo giá gạo thế giới trong thời gian tới vẫn tiếp tục giảm so với cùng kì năm ngoái.

Giá xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn bình quân tháng 6/2019 của Việt Nam đạt 386,3 USD/tấn, giảm 2,91% so với cùng kì năm 2018. Trong đó, giá xuất khẩu bình quân tinh bột sắn giảm nhẹ, đạt 425 USD/tấn, giảm 1,7% so với tháng trước nhưng giảm 15,2% so với cùng kì năm 2018.

Khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 6/2019 ước đạt 131 nghìn tấn với giá trị đạt 51 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 1,2 triệu tấn và 460 triệu USD, giảm 19% về khối lượng và giảm 15,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.Giá xuất khẩu sản và các sản phẩm từ sắn tiếp tục giữ xu hướng giảm do nhu cầu của thị trường chính là Trung Quốc tiếp tục chững lại.

Trong thời gian tới, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của Trung Quốc cũng đang trong mùa thấp điểm nên xuất khẩu tinh bột sắn dự đoán sẽ vẫn trầm lắng. Trái lại, nhu cầu tiêu thụ sắn lát của Trung Quốc được dự đoán có thể tăng trở lại sau khi Trung Quốc tăng thuế nhập khẩu lên 25% với gói hàng hóa trị giá 60 tỷ USD của Mỹ khiến nguồn cung cồn nhập khẩu giảm. Tuy nhiên, để giảm áp lực thuế quan đối với xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ, Trung Quốc đang áp dụng chính sách giảm giá đồng nhân dân tệ, gây bất lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn qua kênh biên mậu.

Xuất khẩu cà phê tháng 6/2019 ước đạt 165 nghìn tấn với giá trị đạt 274 triệu USD, lỹ kế xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 943 nghìn tấn và 1,6 tỷ USD, giảm 9,2% về khối lượng và giảm 19,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Đức và Mỹ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2019 với thị phần lần lượt là 13,2% và 9,8%.

Dự báo, giá cà phê thế giới và trong nước trong ngắn hạn sẽ giảm do dự báo thị trường cà phê toàn cầu tiếp tục dư thừa nguồn cung. Theo tổ chức Cà phê Thế giới (ICO), xuất khẩu cà phê toàn cầu trong 6 tháng đầu niên vụ 2018-2019 đạt gần 3,8 triệu tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cà phê arabica chiếm 2,5 triệu tấn, tăng 7,1% và robusta đạt 1,3 triệu tấn, giảm 0,9%.

Trong tháng 6/2019, khối lượng điều nhân Việt Nam xuất ước đạt 41 nghìn tấn với giá trị 291 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu hạt điều 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 197 nghìn tấn và 1,5 tỷ USD, tăng 13,1% về khối lượng nhưng giảm 11,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

Nguồn: https://congluan.vn/nhieu-nganh-hang-nong-san-xuat-khau-chu-luc-sut-giam-ve-gia-tri-post64812.html

Theo Báo Công Luận Online