Nho rừng là cách gọi tên của trái giác, trái nhỏ li ti màu xanh mọc thành chùm càng lớn, trái càng có màu xanh đậm đà và bóng bẩy. Trái chín lại có màu đen thẫm, bên trong tím lịm như mực mồng tơi, tựa như trái nho chín, nhưng kích cỡ nhỏ hơn, có lẽ vì thế mà người bình dân Tây Nam bộ gọi nó là "nho rừng".

Trong số các loại dây leo mọc hoang khắp những vạt rừng lá dừa nước, vườn tràm, bờ ao,... ít có loài nào mọc khỏe như loài giác.

Giác bị chặt hoặc tàn lụi trong mùa nắng sẽ đâm chồi mơn mởn sau mưa. Hễ còn một khúc rễ ngắn là giác có thể sinh tồn. Trái giác tròn, hơi dẹp, nhỏ và dính nhau thành từng chùm. Khi còn non, trái nhỏ như hạt đậu xanh.

Loại quả này đang có phổ biến tại Lào Cai, được bán 40.000 đồng/kg tại các chợ. Trên mạng Internet, nho rừng cũng được nhiều người chào bán, với giá 50.000 đồng/kg.

Anh Trường, một người đang bán loại quả này trên chợ mạng, cho biết, tại Lào Cai, cây nho mọc tự nhiên ở bìa rừng, đến mùa, người dân sẽ thu hái về bán lại cho các điểm thu mua. Theo anh Trường, quả này có thể dùng tráng miệng, ngâm rượu, làm rượu vang hoặc kho cá, nấu canh chua bằng quả xanh rất ngon.

Do đặc thù quả chín mọng, khó bảo quản (thường để được 2-3 ngày) nên anh chỉ nhận đơn hàng gần. "Có một số khách ở Vinh (Nghệ An), Đà Lạt (Lâm Đồng), Đà Nẵng đặt mua, nhưng tôi từ chối, vì nho vận chuyển xa rất dễ bị hỏng và lên men", anh Trường cho hay.

Với giá thành khá rẻ, trái ngon và nhiều công dụng trong nấu ăn nên "nho rừng" đang được nhiều bà nội trợ ưu ái tìm mua. 


Theo Bùi Nguyễn/Đô Thị Mới