Các cây nến xanh xuất hiện cho thấy bên mua đang có sự trở lại.
Các cây nến xanh xuất hiện cho thấy bên mua đang có sự trở lại.

Mở cửa phiên giao dịch sáng nay (15/2), tâm lý thận trọng của nhà đầu tư tiếp diễn, VN-Index tiếp tục giao dịch trong sắc đỏ đầu phiên với sự sụt giảm của nhiều cổ phiếu nhóm Large Cap. Bên bán chiếm ưu thế trong rổ VN30 với 12 mã giảm, 6 mã tăng và 8 mã đứng giá. Giảm mạnh nhất rổ là các cổ phiếu NVL, BCM, STB và VRE. Ở chiều ngược lại, HPG, MWG, GVR là những mã tăng giá mạnh nhất.

Các ông lớn trong ngành bất động sản đang giao dịch tiêu cực. Trong đó, VHM, BCM hay VRE đều giao dịch trong sắc đỏ.

Trong ngành công nghệ thông tin, cổ phiếu CTR hiện đang giảm hơn 2%, ông lớn FPT hiện sắc đỏ nhẹ là nguyên nhân chính kéo chỉ số nhòm này giảm ở những phút đầu giao dịch.

Ngành ngân hàng lại đang giao dịch phân hóa. Trong khi các cổ phiếu như BID, VPB, MBB và SSB đang tăng giá tốt, thì CTG, TCB, ACB lại giảm nhẹ xuống dưới tham chiếu.

Thế nhưng chỉ nửa tiếng sau, sắc xanh dần bao phủ. Số mã tăng thời điểm giữa phiên là 517 mã và số mã giảm là 127 mã. PDR đã có một phiên bứt phát ngoạn mục khi liên tiếp có các lệnh mua vào, có thời điểm tăng hơn 5,2% cao nhất trong rổ VN30.

VPB và ACB là 2 mã ảnh hưởng tích cực nhất đến đà tăng của VN30-Index khi lần lượt góp gần 2 điểm. Theo sau là TCB với mức đóng góp gần 1.6 điểm. Bộ đôi VIC và VHM lại gây thất vọng khi tổng cộng lấy đi hơn 1.8 điểm của chỉ số. Nhóm ngành xây dựng giao dịch lạc quan với nhiều mã tăng hết biên độ như LCG, HHV, FCN, VCG... Ngoài ra, C4G tăng hơn 7%, HBC, L14 tăng hơn 6%, PC1 và CII tăng hơn 4%...

Ngành ngân hàng chuyển biến tích cực hơn khi hầu hết các mã đều hiện sắc xanh. TPB tăng hơn 3%, VPB, ACB, SHB, TCB tăng hơn 2%... So với đầu phiên, lực mua đang áp đảo hơn.

Các chỉ số thị trường có phiên giao dịch tích cực. Các cây nến xanh xuất hiện cho thấy bên mua đang có sự trở lại. HNX-Index hình thành mẫu hình nến White Marubozu. Điều này chứng tỏ bên mua đang chiếm ưu thế. Chỉ báo Stochastic Oscillator cho tín hiệu mua trong vùng quá bán (oversold) nên rủi ro sẽ được giảm thiểu trong ngắn hạn.

Chốt phiên giao dịch sáng nay, VN-Index tăng 9,49 điểm (0,91%) về mốc 1.048,13 điểm, VN30 tăng 9,35 điểm (0.90 %) lên 1,044 28 điểm. HNX-Index tăng 3,85 điểm (1,88%) lên 208.71 điểm, UPCoM tăng 1.28 điểm (1.15%) lên 79.22 điểm. Trên sàn HOSE, tỷ lệ số cổ phiếu tăng giá chiếm ưu thế, nhất là nhóm ngành xây dựng xuất hiện xanh tím. Rổ VN30 ghi nhận 24 mã tăng, 5 mã giảm, trong đó mã bất động sản NVL có lúc chạm sàn. PDR liên tiếp có các lệnh mua vào. Hết phiên buổi sáng PDR khớp lệnh gần 4 triệu cổ phiếu, tăng 3,8%.

Nhận định về việc thông tin gần 710 triệu cổ phiếu FLC bị hủy niêm yết từ ngày 20/2 có ảnh hưởng nhiều đến thị trường chứng khoán và tâm lý nhà đầu tư hay không, chuyên gia chứng khoán Hoàng Việt Cường cho rằng, khi cổ phiếu FLC bị hủy niêm yết, cổ đông sẽ chịu thiệt hại lớn, do rất khó chuyển số cổ phiếu đang có thành tiền mặt. Nhưng thị trường có lẽ không ảnh hưởng nhiều vì mã FLC đã bị đình chỉ giao dịch từ tháng 9/2022. Từ đó đến nay, nhà đầu tư đã có thời gian chuẩn bị tâm lý, nên khi thông tin hủy niêm yết được công bố thì cũng không còn ảnh hưởng nhiều đến thị trường, dù khó tránh khỏi xáo trộn ban đầu.

Ngoài ra, việc hủy niêm yết không có nghĩa là các cổ đông đang sở hữu cổ phiếu FLC mất trắng. Nhà đầu tư cần bình tĩnh, phối hợp với doanh nghiệp để có phương án xử lý tốt nhất. Mã FLC sẽ không được niêm yết và giao dịch trên HoSE nhưng nếu đáp ứng đủ các điều kiện, cổ phiếu FLC sẽ được đăng ký giao dịch trên sàn UPCOM để duy trì thanh khoản. Trường hợp cổ phiếu FLC được giao dịch trên UPCOM, nhà đầu tư có thể làm thủ tục giao dịch cổ phiếu như bình thường.

Từ ngày 20/2, gần 710 triệu cổ phiếu FLC sẽ bị loại khỏi sàn HoSE. Theo HoSE, việc hủy niêm yết cổ phiếu FLC do tổ chức niêm yết vi phạm nghiệm trong nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác mà Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.

Chiều 14/2, FLC Group có kiến nghị cơ quan quản lý xem xét lại việc hủy niêm yết cổ phiếu FLC, trong đó cần thiết xem xét đến các lý do khách quan cũng như hoàn cảnh bất khả kháng của doanh nghiệp trong việc thực hiện các nghĩa vụ công bố thông tin.

FLC Group cho biết, thời gian gần đây, Tập đoàn và các đơn vị thành viên phải đối mặt với nhiều nguy cơ, khó khăn trong quá trình hoạt động do bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các thông tin, cũng như các vấn đề phát sinh liên quan đến việc một số cựu lãnh đạo bị tạm giam để điều tra.

Một trong những ảnh hưởng nghiêm trọng từ sự việc nêu trên là trong thời gian dài, Tập đoàn FLC không thể tìm kiếm được công ty kiểm toán chấp thuận kiểm toán cho báo cáo tài chính của FLC.

Theo FLC, sau rất nhiều nỗ lực, ngày 20/9/2022, FLC đã chính thức ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ kiểm toán với Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY. Theo đó, UHY sẽ là đơn vị cung cấp dịch vụ kiểm toán các báo cáo tài chính năm 2021 của FLC. Nhưng do nhiều lý do khách quan, đến thời điểm hiện tại, FLC vẫn chưa nhận được kết quả kiểm toán của UHY.

Xác định việc chưa có báo cáo kiểm toán xuất phát từ các nguyên nhân bất khả kháng không thể khắc phục được trong thời gian ngắn, FLC đã tiếp tục có văn bản kiến nghị mới nhất gửi cơ quan quản lý.

Theo Phapluatxahoi.kinhtedothi.vn

Nguồn: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/nhom-xay-dung-xanh-tim-sac-xanh-chiem-uu-the-323022.html