PV: Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, tính đến ngày 7/9, tăng trưởng tín dụng toàn ngành mới đạt 7,75%. Với đà tăng hiện tại, theo chuyên gia, chặng đường hoàn thành mục tiêu dư nợ tín dụng 15% cho cả năm nay liệu có dễ dàng? Con số 15% có khả năng đạt được?
PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân: Với kế hoạch tăng trưởng tín dụng 15% đưa ra năm nay thì hệ thống ngân hàng sẽ phải bơm ra nền kinh tế hơn 2 triệu tỷ đồng. Thế nhưng, trong 8 tháng qua, lượng vốn đưa ra thị trường chưa đến 900.000 tỷ đồng, bình quân mỗi tháng 112.500 tỷ đồng. Như vậy, lượng vốn còn lại hệ thống phải đẩy ra trong 4 tháng cuối năm lên tới 1,135 triệu tỷ đồng, bình quân mỗi tháng khoảng 283.700 tỷ đồng. Mức tăng trưởng này gấp đôi so với những tháng đầu năm nên đây là một thách thức không hề nhỏ đối với ngành ngân hàng.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ ngày càng cải thiện khi về cuối năm. Bởi nhu cầu tín dụng càng về cuối năm càng cao do thị trường bất động sản đang có dấu hiệu ấm lên, và đây là một trong những kênh hút vốn tín dụng rất lớn của nền kinh tế.
Ngoài ra, việc FED giảm lãi suất cũng tạo nên yếu tố tâm lý tốt hơn, giúp người dân toàn cầu mạnh dạn hơn trong chi tiêu, tiêu dùng. Điều này có thể thúc đẩy tổng cầu thế giới tăng và hỗ trợ tốt cho việc xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, do động thái giảm lãi suất của FED chỉ mới bắt đầu nên chưa có nhiều tác động ở thời điểm hiện tại. Do đó, thị trường vẫn cần thêm thời gian để truyền dẫn chính sách.
Bên cạnh 2 yếu tố trên thì Việt Nam vừa trải qua cơn bão lịch sử ở miền Bắc, thiệt hại ước tính rất lớn sẽ khiến người dân cũng như doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để tái thiết, khắc phục thiệt hại sau bão lũ.
Tuy nhiên, nhu cầu tín dụng tăng không đồng nghĩa với tăng trưởng tín dụng tăng, bởi cung - cầu tín dụng có gặp được nhau hay không lại là một bài toán khó. Trên thực tế, không ít trường hợp người cần vay thì không tiếp cận được vốn vay do không đủ điều kiện vay vốn, còn người muốn cho vay thì lại không thể cho vay. Do đó, con số 15% có đạt được hay không còn tùy thuộc vào việc chúng ta giải bài toán cung - cầu tín dụng gặp nhau trong thời gian tới như thế nào.
PV: Như chia sẻ của ông, cung - cầu tín dụng không gặp nhau là một trong những nguyên nhân khiến mức tăng trưởng tín dụng chậm từ đầu năm đến nay?
PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân: Đúng vậy, nhiều khách hàng có nhu cầu vay vốn nhưng không thể tiếp cận được nguồn vốn cho thấy cung và cầu tín dụng hiện nay chưa gặp nhau. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng chậm trong 9 tháng đầu năm.
Ngoài nguyên nhân này, việc tăng trưởng tín dụng chậm còn xuất phát từ nền kinh tế hồi phục tuyến tính chứ không hồi phục theo hình chữ V. Lý do là vẫn còn nhiều yếu tố chưa tốt của kinh tế toàn cầu và trong nước kìm hãm sự phục hồi của kinh tế Việt Nam giai đoạn vừa qua. Chính vì vậy, nhu cầu tín dụng vẫn ở mức tương đối.
Đặc biệt, dòng vốn tín dụng trong những quý đầu năm chủ yếu chảy vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh - nơi mà không cần quá nhiều vốn để tạo ra 1 đồng tăng trưởng - cũng là nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng chậm. Tuy nhiên, đây lại là một yếu tố tích cực. Bởi dù tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với kỳ vọng nhưng chất lượng tín dụng được đánh giá là tốt hơn mọi năm khi chảy vào nền kinh tế thực. Và dù tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với những năm trước nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn phục hồi như dự báo.
PV: Ở nửa đầu năm, nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, giảm lãi suất là một trong những giải pháp được NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện. Liệu rằng giải pháp này có tiếp tục được triển khai trong những tháng cuối năm 2024? Khuyến nghị của ông về chính sách tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới?
PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân: Với việc FED đã giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm và có xu hướng đảo chiều chính sách tiền tệ như hiện nay sẽ giúp cho Việt Nam có nhiều dư địa hơn trong việc ổn định vĩ mô cũng như duy trì chính sách lãi suất thấp để hỗ trợ phục hồi kinh tế trong thời gian tới. Và xu hướng này nhiều khả năng sẽ tiếp tục kéo dài cho đến năm sau. Trừ khi có tác động từ áp lực lạm phát cũng như tình hình kinh tế thế giới xấu đi hay các bất ổn địa chính trị toàn cầu tiếp tục gia tăng ngoài tầm kiểm soát.
Như đã nói, tăng trưởng tín dụng dù thấp hơn so với kỳ vọng nhưng chất lượng tín dụng đang tốt hơn. Thế nên, chúng ta không nên quá quan trọng việc tập trung thúc đẩy tăng trưởng tín dụng về lượng, mà phải tập trung về chất. Tức phải uốn nắn dòng vốn tín dụng tiếp tục chảy vào các kênh sản xuất kinh doanh và xuất khẩu, nhằm mang lại sự tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế.
Còn nếu thúc đẩy tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá, với thời kỳ tiền rẻ tiếp tục được duy trì như hiện tại, dòng vốn rất dễ chảy vào các kênh mang tính chất đầu cơ. Điều này vẫn sẽ giúp kinh tế tăng trưởng nhưng nó lại tiếp tục theo chu kỳ của mô hình kinh tế cũ. Đó là dòng vốn chảy vào các kênh đầu cơ sẽ dẫn đến bong bóng, và sự đổ vỡ bong bóng sẽ tiếp tục tạo nên khủng hoảng như một kịch bản của chu kỳ kinh tế từ trước đến nay.
Doanh nghiệp bất động sản thời gian qua không còn nhiều tài sản để thế chấp, phần lớn tài sản đã đem đi thế chấp ở thời kỳ trước và giờ nằm trong nợ xấu ngân hàng. Nếu muốn tiếp tục vay vốn thì thứ nhất là doanh nghiệp không chứng minh được dòng tiền trả nợ và thứ hai là không đủ tài sản đảm bảo để vay vốn.
Thậm chí, các tài sản thế chấp lại bị giảm giá trị do thị trường địa ốc xấu đi càng khiến khả năng vay vốn của doanh nghiệp bất động sản thu hẹp hơn. Kèm với đó là các khoản nợ trái phiếu trễ hạn, sắp đến hạn cũng tạo ra một khó khăn không hề nhỏ cho các doanh nghiệp này ở thời điểm hiện tại. Chính vì vậy, rất ít doanh nghiệp bất động sản có thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng trong 9 tháng đầu năm.
PV: Dòng vốn tín dụng hạn chế chảy vào bất động sản là một tín hiệu tích cực, tuy nhiên, không phải tất cả các doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động sản đều mang tính đầu cơ. Vậy giải pháp nào để giải quyết bài toán dòng vốn cho những đối tượng này?
PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân: Vốn tín dụng là vốn ngắn hạn, còn thị trường bất động sản luôn cần nguồn vốn lớn trung và dài hạn. Vậy nên, vốn tín dụng không thể là dòng vốn chính của thị trường này.
Thay vào đó, phải vực dậy thị trường trái phiếu và đưa thị trường này trở thành một kênh huy động vốn trung và dài hạn hữu hiệu cho nền kinh tế, giúp giảm bớt áp lực cho hệ thống ngân hàng thương mại cũng như hỗ trợ nguồn vốn ổn định hơn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản vốn cần nguồn vốn lớn với lãi suất cố định trong một thời gian dài.
Bên cạnh đó, cần có các giải pháp để hỗ trợ "phá băng" thị trường bất động sản hiện tại, giúp nó phát triển một cách bền vững và an toàn hơn. Hạn chế dòng vốn đầu cơ, thay vào đó tập trung vào các thị trường có nhu cầu thực, đặc biệt là các phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp.
PV: Ông có dự báo như thế nào về khả năng hồi phục của thị trường bất động sản thời gian tới?
PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân: Với việc duy trì chính sách tiền tệ như hiện tại kèm với các biện pháp giúp phục hồi thị trường của Chính phủ và các cơ quan chức năng, tôi cho rằng thị trường sẽ bắt đầu hồi phục mạnh vào cuối năm nay và sẽ có những khởi sắc rõ hơn trong năm 2025.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: https://reatimes.vn/pgsts-nguyen-huu-huan-nhu-cau-tin-dung-cang-ve-cuoi-nam-cang-cao-do-thi-truong-bat-dong-san-dang-co-dau-hieu-am-len-202240928162324197.htm