Triệt phá băng nhóm tín dụng đen lớn nhất cả nước, tra tấn người như thời trung cổ
Vụ việc bắt đầu từ ngày 19/7, một bệnh nhân 19 tuổi, quê Bắc Giang được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa rồi tử vong. Nạn nhân tử vong là Nguyễn Văn Minh, nhân viên của "Công ty Nam Long".
Theo cơ quan điều tra, anh Minh có nhiệm vụ đi thu tiền nợ mà khách hàng vay. Do Minh không nộp tiền thu nợ và còn cầm cố chiếc xe máy của công ty này rồi bỏ trốn, Giám đốc công ty liền chỉ đạo tra tấn anh đến mức phải nhập viện và tử vong.
Từ vụ việc của Nguyễn Văn Minh, Công an tỉnh Thanh Hoá đã lần tìm và lôi ra ánh sáng tổ chức tín dụng đen hoạt động dưới tên "Công ty Nam Long". Đường dây cho vay nặng lãi với lãi suất “cắt cổ” lên đến trên 300%/năm, tức là vay một triệu trả lãi chục nghìn một ngày cũng đã lộ diện.
Người vay tiền của công Nam Long phải ký hợp đồng "lãi đứng" với mức lãi 15-30%/ngày, tương đương với 1043 %/năm. Dưới vỏ bọc là Công ty tư vấn đầu tư xây dựng Thành Nam, Công ty Nam Long đã mở tới 26 chi nhánh phụ trách cả 63 tỉnh, thành.
Một khi đã đồng ý vay, khách hàng sẽ phải chi trả thêm nhiều khoản khác. Trường hợp nào chậm trả nợ sẽ bị đe dọa, hành hung, thậm chí là cưỡng chế thu hồi nợ bằng tài sản, vật nuôi có giá trị gấp nhiều lần số tiền còn thiếu.
Với nhân viên, công ty này lập hệ thống các văn bản quy định nội bộ, quy chế kỷ luật hà khắc như phạt 50-100 triệu đồng nếu phá hợp đồng; tự chặt ngón tay nếu vi phạm quy chế; sẵn sàng chấp nhận nguy cơ bản thân và gia đình bị bắt cóc, đe dọa, hành hung.
Chính quy chế kỷ luật này là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của anh Nguyễn Văn Minh. Hành vi này được người cầm đầu - cho rằng đó là “cách dạy dỗ làm người”.
Sau khi biết về những hình thức tra tấn nhân viên của công ty Nam Long, mọi người thường dùng những từ ngữ như sau để miêu tả: “Quá kinh khủng, quá man rợ - hơn cả thời trung cổ”.
Đến khi bị cơ quan điều tra khởi tố, có khoảng 200 bị hại đã chuyển tiền vào trên 30 tài khoản của tổ chức tội phạm này và tổng số tiền giao dịch lên tới trên 510 tỷ đồng.
Hàng loạt vụ việc liên quan đến tín dụng đen khác khiến nhiều người lo ngại
Nạn tín dụng đen, cho vay nặng lãi gây nhiều bất ổn xã hội, gây nhiều hệ lụy như gia đình chia lìa, tha phương, thậm chí có người phải tự tử. Việc bất chấp pháp luật, trả thù manh động của những kẻ cầm đầu cho vay nặng lãi khiến cuộc sống của nhiều cộng đồng dân cư bất an.
Trong khi giải quyết tranh chấp như siết nợ, đòi nợ thuê, một số trường hợp đã có hành vi vi phạm pháp như cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, thậm chí giết người, cướp tài sản gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, xã hội.
Hẳn nhiều người vẫn nhớ tới sự việc gây rúng động dư luận như vụ Đồng Cao Cường, trú tại Bùi Thị Xuân, Hà Nội cùng đồng bọn dùng súng bắn chết chị Nguyễn Thị L. ở phố Xã Đàn (Kim Liên, Hà Nội) chỉ vì mâu thuẫn trong vay nợ tiền.
Xuất phát từ mâu thuẫn giữa vay nợ và đòi nợ, Nguyễn Văn Sơn (thôn Thanh Mai, xã Quảng Thành, TP.Thanh Hóa) đã rút súng bắn chết Hoàng Ngọc H. (thôn Yên Thành, xã Quảng Thành, TP.Thanh Hóa), sau đó tự sát.
Một trường hợp gây xôn xao dư luận ở Tuyên Quang, do nợ gần 500 triệu đồng tiền vay lãi suất cao, không có khả năng chi trả, lại bị siết nợ nhiều lần, nên Trần Văn Hà, trú tại xã Kiến Thiết, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) và Đặng Hữu Hạnh, trú tại Gò Công Đông, Tiền Giang đã nảy sinh ý định cướp tiệm vàng để trả nợ.
Hà và Hạnh đã dùng súng tự chế, đi xe máy đến cửa hàng vàng Tuấn Anh 2 dùng dao đâm chết chủ tiệm vàng để cướp nhưng chưa chiếm đoạt được tài sản thì bị người dân truy hô, bắt giữ.
Để tránh trả nợ, có con nợ đã tìm cách giết chủ nợ, điển hình là trường hợp của đối tượng Nguyễn Quang Hiệp, trú tại xã Trường Yên (Hoa Lư, Ninh Bình) là giáo viên, cùng vợ là Hoàng Thị Lư có vay 660 triệu đồng, lãi suất là 3.000 đồng cho 1 triệu đồng/ngày của bà Nguyễn Thị Mai.
Đến kỳ trả nợ, bà Mai liên tục thúc ép, do không có tiền trả nợ vợ chồng Hiệp - Lư đã hẹn bà Mai đến phòng trọ lấy tiền. Sau đó Hiệp dùng 1 chiếc chày bằng nhôm đập vào đầu bà Mai khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.
Theo thống kê trong 4 năm từ 2015 - 2018, toàn quốc đã xảy ra 7.624 vụ phạm tội liên quan đến tín dụng đen, trong đó có 56 vụ giết người, 389 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 836 vụ cưỡng đoạt tài sản, 1809 vụ lừa đảo, 3581 vụ lạm dụng tín nhiệm, 165 vụ hủy hoại tài sản.
Trước thực trạng hoạt động cho vay nặng lãi, tín dụng đen, đòi nợ thuê theo hình thức “xã hội đen” khiến nhiều người dân hoang mang, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp các ngành, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, nhất là các quy định về giao dịch, vay mượn, huy động sử dụng vốn an toàn cũng như phương thức, thủ đoạn tội phạm liên quan đến hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê.