PGS.TS Lê Hoàng chia vui cùng bệnh nhân Hằng

PGS.TS Lê Hoàng chia vui cùng bệnh nhân Hằng

Làm mẹ ở độ tuổi “bà ngoại”

PGS.TS Lê Hoàng - nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh - Hà Nội (IVFTA) được nhiều người biết đến là một bác sỹ chuyên môn giỏi và “mát tay” trong việc “tìm con” cho những người hiếm muộn. Đa phần các bệnh nhân tìm đến với ông là những ca khó, bệnh nhân lớn tuổi.

Có con không chỉ là niềm hạnh phúc mà với nhiều vợ chồng, đó còn là kỳ tích như trường hợp vợ chồng chị Trương Thị Hải Hằng (SN 1965, ở Hải Dương) mà đến giờ PGS.TS Lê Hoàng vẫn nhớ mãi.

Có một cậu con trai tuấn tú vừa tốt nghiệp một trường đại học có tiếng ở Hà Nội nhưng sau một tai nạn giao thông, vợ chồng chị Hằng đã mất đi đứa con duy nhất của mình. Suốt một thời gian dài sống trong nỗi đau, nhìn những đứa trẻ vui đùa, tiếng cười của trẻ thơ, anh chị càng hụt hẫng. Ở tuổi 53, chị Hằng khát khao có thêm một đứa con. Thế nhưng, khi tuổi đã cao, muốn có thai và sinh nở lại vô cùng khó khăn. Người mẹ, người cha ấy đã quyết định tìm đến PGS.TS Lê Hoàng giúp mình làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

Nhớ lại trường hợp của chị Hằng, PGS.TS Lê Hoàng cho hay: “Ngày đầu tiên chị Hằng đến Trung tâm, sau khi hoàn tất các xét nghiệm cần thiết cho thấy chị mắc vô sinh thứ phát do tuổi cao, dự trữ buồng trứng rất thấp (AMH = 0,01) vì đã bước vào giai đoạn mãn kinh. Đây là một ca rất khó bởi người mẹ đã lớn tuổi, tỷ lệ thành công thấp và chưa kể nếu có thai cũng đối mặt với nhiều nguy cơ của phụ nữ lớn tuổi khi mang thai. Nhưng trước mong mỏi có con cùng hoàn cảnh éo le đó nên tôi quyết tâm thực hiện IVF cho vợ chồng chị”.

Hành trình “tìm con” với vợ chồng chị Hằng cả là một quãng đường dài đầy thử thách. Có những lúc vợ chồng chị định buông xuôi, nhưng khi được bác sỹ hỗ trợ tâm lý, anh chị vững tin hơn. Ngay lần đầu tiên chuyển phôi đã thành công, nhưng rồi chị lại sẩy. Làm lại lần 2, lần 3 và tới lần chuyển phôi thứ 4 thì may mắn đã đến, chị mang thai đôi. Niềm vui ấy không chỉ của riêng vợ chồng chị Hằng mà còn là của cả Trung tâm. Ngày 24/8/2018, khát khao được làm cha làm mẹ của anh chị đã trở thành sự thật khi đón hai con song sinh (một trai, một gái) khỏe mạnh chào đời ở Bệnh viện đa khoa Tâm Anh. Con trai 2,6kg, con gái 2,3kg.

“Ở Việt Nam không hiếm sản phụ lớn tuổi tìm đến phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm để sinh con. Nhưng hiếm có sản phụ nào lớn tuổi, sức khỏe thể chất và tinh thần kiệt quệ thực hiện IVF thành công mà “mẹ tròn, con vuông”, thai đôi “đủ nếp, đủ tẻ” như trường hợp chị Hằng”, PGS.TS Lê Hoàng chia sẻ. Hạnh phúc ấy không chỉ của riêng gia đình chị Hằng mà còn là cả một kỳ tích được dệt lên từ những bàn tay tài hoa trong ngành vô sinh hiếm muộn. Giờ đây, trong căn nhà của anh chị lại luôn rộn ràng tiếng “ê, a” của hai thiên thần xinh xắn.

Tìm đến Việt Nam để được làm mẹ

Không chỉ là những bệnh nhân ở trong nước, PGS.TS Lê Hoàng cũng đã đem lại niềm hạnh phúc cho nhiều cặp vợ chồng ở nước ngoài. Vợ chồng chị Mina, quốc tịch Canada (tên đã được thay đổi theo yêu cầu của bác sỹ - PV) là một ví dụ.

Ở tuổi 34, sau khi đi khắp nơi chữa bệnh vô sinh, chị Mina không tin rằng mình lại có cơ hội làm mẹ nhờ những chuyên gia giỏi ở một đất nước nhỏ bé xa xôi. Theo chia sẻ của PGS.TS Lê Hoàng, chị đã từng thực hiện IUI (bơm tinh trùng vào tử cung), làm IVF tại Canada nhưng thất bại. Chi phí điều trị lại quá đắt đỏ, 3.000 - 5.000 USD một lần. Chị kể, ở quê hương chị có rất nhiều cặp vợ chồng là Việt kiều điều trị vô sinh hiếm muộn tại Việt Nam đã thành công và chi phí cũng rẻ. Nhờ những người bạn giàu thiện chí ấy, vợ chồng chị đã đến Việt Nam và tìm PGS.TS Lê Hoàng.

PGS.TS Lê Hoàng là người tận tay chọc trứng chuyển phôi cho chị Mina và thành công ngay lần đầu tiên. Khi biết được mình sắp được làm mẹ, chị quá đỗi vui mừng và quyết định ở lại bệnh viện theo dõi để đảm bảo thai nhi được phát triển bình thường, khỏe mạnh. Những đau đớn suốt quãng thời gian dài nhiều năm chật vật “tìm con” và ngày tháng lặn lội về bệnh viện để tiêm kích trứng, chọc hút trứng, chuyển phôi tươi bỗng tan biến, nhường chỗ cho niềm vui vô bờ khi có một sinh linh nhỏ bé lớn lên từng ngày trong bụng.

Một trường hợp khác là một phụ nữ người Đức đã bước vào tuổi 43. Ở Đức thường được miễn phí thụ tinh trong ống nghiệm 4 lần nhưng sau 4 lần thực hiện, chị vẫn không thành công. Tìm hiểu được biết ở Việt Nam tỷ lệ thành công cao, chị đã tìm đến PGS.TS Lê Hoàng. Trong vòng hai tuần ở Việt Nam, các bác sỹ tiến hành kích trứng cho chị rồi chị lại phải bay về Đức. Sau hai lần thực hiện, chị đã có thai. Hiện tại anh chị rất hạnh phúc khi thai nhi đã được hơn 7 tuần tuổi.

PGS.TS Lê Hoàng không giấu nổi niềm tự hào: “Tới giờ đã có nhiều bệnh nhân nước ngoài ở Việt Nam và những bệnh nhân ở các nước tìm đến chúng tôi. Họ đến từ Nga, Pháp, Đức, Nhật…. Điều đó cho thấy họ đã tin tưởng vào ngành hỗ trợ sinh sản của Việt Nam. Tôi hy vọng trong tương lai không xa, với tỷ lệ thành công cao, dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt và chi phí thấp hơn nhiều so với các nước thì IVF Việt Nam sẽ trở thành điểm đến của các cặp vợ chồng hiếm muộn từ khắp mọi châu lục”.

Đến giờ, PGS.TS Lê Hoàng cũng không thể kể hết những ca mình hỗ trợ sinh sản và “đỡ đầu” cho bao trẻ, mang lại hạnh phúc cho không biết bao nhiêu cặp vợ chồng. Chỉ biết rằng, mỗi ngày của ông bắt đầu từ 6h sáng đến 22h đêm. Tất bật, bộn bề nhiều việc, từ lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đào tạo, lãnh đạo và cả trực tiếp khám chữa bệnh cho sản phụ đến hỗ trợ sinh sản, nhưng chỉ nghe thấy người bệnh báo tin “2 vạch” là mọi mệt mỏi của ông tan biến, như thể chính mình sắp được làm bố.

Trải qua 20 năm từ ca thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam năm 1998, phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm đã giúp nhiều cặp vợ chồng hạnh phúc đến hàng triệu gia đình và là phương pháp hỗ trợ sinh sản nhanh, tỷ lệ thành công cao nhất hiện nay.

Kỹ thuật chữa vô sinh của Việt Nam đã bắt kịp thế giới

PGS.TS Lê Hoàng chia sẻ, với sự tiến bộ của y học hiện đại, các cặp vợ chồng có thể lựa chọn nhiều phương pháp điều trị khác nhau. Mỗi phương pháp có một nhóm bệnh riêng và mỗi bệnh có phương pháp đặc trưng để điều trị. Thụ tinh ống nghiệm được coi là biện pháp cuối cùng cao nhất trong điều trị vô sinh sau khi sử dụng các biện pháp khác không mang lại hiệu quả. Dù rằng đi sau thế giới nhưng IVF ở Việt Nam phát triển vượt bậc.

Nhiều kỹ thuật mới nhất trên thế giới đã được thực hiện ở Việt Nam. Chi phí một ca IVF khoảng 60-80 triệu đồng trong một chu kỳ. So với nhiều nước, chi phí thực hiện ở nước ta tương đối rẻ. Tỷ lệ thụ tinh ống nghiệm thành công trên thế giới khoảng 40-45%. Tại Việt Nam, tỷ lệ thành công cao, trung bình 50 - 60%.

Phương Thuận

Theo Giadinh.net.vn