Đánh tráo khái niệm

Trên báo Công lý, ông Lê Quang Được, Giám đốc Công ty Việt Úc cho rằng: “Một số đối thủ cạnh tranh đã cố tình chụp ảnh sản phẩm giả (được làm thủ công, có bốn nếp gấp chạy dọc bao bì) để bêu xấu sản phẩm Baby Care. Chúng tôi đã gửi các sản phẩm tương tự mà cơ quan Công an TP.HCM tịch thu được khi bắt giữ các vụ hàng giả, hàng nhái kém chất lượng gửi đến các cơ quan báo chí”.

Tuy nhiên, những mẫu Sản phẩm làm giả là Babycare chứ không phải Wondercare. Theo khảo sát của Phóng viên, hiện nay rất nhiều sản phẩm WonderCare đang bán tại các siêu thị lớn, đại lý vẫn còn ghi “Made in PRC”.

Mặt khác, trước năm 2013, Việt Úc cũng phải làm thủ công, có bốn nếp gấp chạy dọc bao bì. Chỉ khi gia công tại nhà máy Kleen-Pak thì mới không còn nếp gấp này. Những mẫu bán ra thị trường của Việt Úc theo quy định sẽ phải lưu mẫu và cơ quan chức năng hoàn toàn có thể kiểm chức.

Sản phẩm WonderCare mua tại siêu thị Sapo mart- Giảng Võ- Hà Nội có chữ Made in PRC 

Mặt khác, Công ty Việt Úc nêu trong công văn, suốt 12 năm Công ty này đăng ký bảo hộ thương hiệu BabyCare. Trong khi đó, Công ty không thể giải thích được việc nhãn hiệu Babycare viết rời 2 dòng bị từ chối bảo hộ thương hiệu vào năm 2009?

Theo quy định, việc đăng ký bản quyền tác giả không đồng nghĩa với việc được phép sử dụng tên BabyCare làm nhãn hiệu. Trong thực tế, công ty cũng thừa nhận quy định doanh nghiệp không được phép đặt tên sản phẩm là Baby Care để tránh gây hiểu lầm.

Sản xuất trong nước hay nhập khẩu?

Ngoài ra, công luận quan tâm đến việc nhượng quyền thương hiệu giữa Richwell và Công ty Việt Úc. Nhượng quyền thương hiệu có nghĩa nhãn hiệu được sở hữu bởi Richwell chứ không phải của Việt Úc. Trong khi tất cả các nhãn hiệu đều do Công ty Việt Úc đăng ký và sở hữu. Tại sao có chuyện ngược đời này?

Tại sao theo hình thức nhượng quyền mà các nhãn hiệu Babicare, Babycare lại đều được Việt Úc đăng ký bản quyền tác giả và xin bảo hộ nhãn hiệu?

Mặt khác, Công ty Việt Úc còn quảng cáo rằng sản phẩm của mình sản xuất và gia công tại Việt Nam và xuất khẩu sang thị trường Úc. Có nghĩa là Công ty Việt Úc đăng ký mã vạch Úc và sản xuất ở VN là không sai. Vậy, toàn bộ sản phẩm Việt Úc bán tại thị trường Viêt Nam được hiểu là hàng nhập khẩu hay hàng nội địa?

Thực chất về công ty 3 triệu USD của Công ty Việt Úc

Tại sao gia công trong nước, xuất khẩu ra nước ngoài lại ghi nhãn phụ là nhập khẩu? Có lý do gì để 1 công ty sản xuất tại VN lại đưa sản phẩm mình vào siêu thị với danh nghĩa hàng xuất khẩu?

Từ năm 2013 Công ty Việt Úc mới công bố có nhà máy tại KCN Tân Bình. Vậy trước đó, Công ty Việt Úc sản xuất ở đâu? Có phù hợp với các tiêu chuẩn để xuất khẩu sang các thị trường khó tính như công ty tuyên bố là xuất khẩu sang đó?

Công ty Việt Úc “nhận vơ” nhà máy Kleen-Pak là của mình?

Năm 2013 Công ty Việt Úc công bố nhà máy 3 triệu USD tại KCN Tân Bình (Địa chỉ Lô II-6 cụm 4 đường CN 12, KCN Tân Bình, P. Tây Thạnh, Q. Tân Phú).

Trên bao bì, nhãn phụ các khăn ướt của Công ty Việt Úc đến tận thời điểm tháng 5/2015 vẫn sản xuất tại Lô II-6 cụm 4 đường CN 12, KCN Tân Bình, P. Tây Thạnh, Q. Tân Phú. Trên báo chí và trên website của công ty cũng đều thể hiện điều này.

Bất ngờ trong công văn này lại khẳng định có thêm nhà máy tại Bình Dương là hoàn toàn mâu thuẫn.

Trong công văn dẫn trên một số báo, Công ty Việt Úc nêu: Nhà máy sản xuất khăn ướt ở Bình Dương là của mình song cuối công văn lại nêu rõ: “Nhà máy sản xuất khăn ướt thứ 2 hợp tác với Kleen-Pak (Singapore) tại KCN TP Bình Dương được UBND tỉnh Bình Dương cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 8-4-2014 và hoạt động vào tháng 7-2014, là nhà máy sản xuất khăn ướt đầu tiên tại Việt Nam đạt chuẩn GMP”.

Nhà máy Kleen-Pak không có % vốn nào của Việt Nam, được Công ty Việt Úc công bố là nhà máy thứ 2 của mình

Công ty lên tiếng đó là nhà máy thứ 2 của mình, trong khi theo hồ sơ chúng tôi nắm được từ cơ quan thuế, đó là Công ty TNHH Kleen-Pak industries Việt Nam, có vốn 100% của nước ngoài, Công ty Việt Úc không sở hữu % nào ở công ty này. Kleen-Pak chỉ gia công khăn ướt cho Công ty Việt Úc.

Một lần nữa, Công ty Việt Úc tiếp tục tung thông tin thiếu trung thực tới khách hàng, người tiêu dùng.

Long Nguyễn/ Theo Ngày nay online