Thứ nhất: 3 trường hợp được miễn lệ phí cấp, đổi thẻ căn cước công dân
Từ ngày 16/10, Thông tư 59/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp thẻ căn cước công dân (CCCD) có hiệu lực thi hành.
Theo đó, khi thực hiện việc cấp, đổi thẻ CCCD, người dân được miễn nộp lệ phí trong các trường hợp: Đổi thẻ CCCD khi Nhà nước quy định thay đổi địa giới hành chính.
Đổi, cấp lại thẻ CCCD cho công dân là cha, mẹ, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của liệt sĩ; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; con dưới 18 tuổi của thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; công dân thường trú tại các xã biên giới; công dân thường trú tại các huyện đảo; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; công dân thuộc hộ nghèo theo quy định của pháp luật.
Đổi, cấp lại thẻ CCCD cho công dân dưới 18 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa.
Các trường hợp không phải nộp lệ phí gồm: công dân từ đủ 14 tuổi trở lên làm thủ tục cấp thẻ CCCD lần đầu; đổi thẻ CCCD theo quy định tại Điều 21 và điểm a, khoản 3, Điều 32 Luật CCCD; đổi thẻ CCCD khi có sai sót về thông tin trên thẻ CCCD do lỗi của cơ quan quản lý CCCD.
Thứ hai: 4 nguyên tắc phải tuân thủ khi sử dụng phụ gia thực phẩm
Đây là nội dung tại Thông tư 24/2019/TT-BYT về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm (PGTP), được ban hành ngày 30/8/2019. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 16/10.
Theo đó, việc sử dụng PGTP phải tuân thủ 4 nguyên tắc cơ bản sau: phải bảo đảm PGTP được phép sử dụng và đúng đối tượng thực phẩm; không vượt quá mức sử dụng tối đa đối với một loại thực phẩm hoặc nhóm thực phẩm; hạn chế đến mức thấp nhất lượng PGTP cần thiết để đạt được hiệu quả kỹ thuật mong muốn.
Chỉ được sử dụng PGTP nếu việc sử dụng này đạt được hiệu quả mong muốn, nhưng không có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, không lừa dối người tiêu dùng và chỉ để đáp ứng một hoặc nhiều chức năng của PGTP. PGTP phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, an toàn thực phẩm theo các văn bản được quy định. Ngoài việc PGTP có trong thực phẩm do được sử dụng trong quá trình sản xuất thực phẩm.
PGTP còn có thể có trong thực phẩm do được mang vào từ các nguyên liệu hoặc thành phần để sản xuất thực phẩm đã có chứa PGTP và phải tuân thủ quy định tại Điều 9 Thông tư này.
Thứ ba: 12 trường hợp phải giảm tốc độ khi lái xe từ ngày 15/10/2019
Thông tư 31/2019/TT-BGTVT về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ được ban hành ngày 29/8/2019.
Theo đó, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ để có thể dừng lại một cách an toàn trong 12 trường hợp được quy định tại Điều 5 Thông tư này như: Có báo hiệu cảnh báo nguy hiểm hoặc có chướng ngại vật trên đường. Chuyển hướng xe chạy hoặc tầm nhìn bị hạn chế.
Qua nơi đường bộ giao nhau cùng mức; nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt; đường vòng; đường có địa hình quanh co, đèo dốc; đoạn đường có mặt đường hẹp, không êm thuận.
Qua cầu, cống hẹp; đi qua đập tràn, đường ngầm, hầm chui; khi lên gần đỉnh dốc, khi xuống dốc. Qua khu vực có trường học, bệnh viện, bến xe, công trình công cộng tập trung nhiều người; khu vực đông dân cư, nhà máy, công sở tập trung bên đường; khu vực đang thi công trên đường bộ; hiện trường xảy ra tai nạn giao thông. Khi có người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường...
Thông tư 31/2019/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 15/10/2019.
Thứ tư: 6 biện pháp xử lý rủi ro tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Đây là nội dung trọng tâm tại Thông tư 57/2019/TT-BTC hướng dẫn cơ chế xử lý rủi ro của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo đó, khi rơi vào các trường hợp rủi ro về tín dụng theo quy định, doanh nghiệp nhỏ và vừa được xem xét áp dụng các biện pháp xử lý rủi ro bao gồm: cơ cấu nợ (điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ); khoanh nợ; xử lý tài sản bảo đảm; bán nợ; xóa nợ lãi; xóa nợ gốc.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10.