1. Mèn mém
Mèn mén là món ăn thay cơm, được làm từ bột ngô tẻ, chế biến qua nhiều công đoạn rồi đem hấp chín. Muốn mèn mén ngon thì đồ là khâu quan trọng nhất. Người ta thường đồ lại hai lần để ngô chín kỹ và không bị dính vào nhau.
Thời gian chế biến mèn mén mất từ 2-3 giờ nên mỗi ngày phụ nữ Mông phải dậy từ lúc 4-5 giờ sáng. Đến khoảng 7-8 giờ sáng cùng ngày, cả nhà mới ăn sáng, sau đó lên nương đem mèn mén theo để trưa ăn tiếp.
Khi ăn mèn mén thường kèm theo tô canh rau cải hoặc đậu chúa (xáo lẩu). Mèn mén khi ăn có vị bùi và thơm ngon. thường ăn với canh dưa rau cải, canh gà nấu gừng, thịt trao gác bếp...
2. Thịt trâu, lợn gác bếp
Vùng cao nổi tiếng với thịt trâu, thịt lợn gác bếp vì có thể bảo quản rất lâu. Đây là món ăn du khách nào cũng muốn thử khi tới đây hoặc mua về làm quà cho người thân.
Thịt trâu, lợn gác bếp có hương vị rất đặc biệt, dễ ăn và thơm ngon với những thớ dài, đem ướp cùng các gia vị của núi rừng như ớt, gừng, đặc biệt là không thể thiếu được mắc khén.
Khi ăn bạn cảm nhận được vị ngọt của thịt và hương vị rất đặc trưng, càng ăn càng thấy thích.
3. Thịt chuột La Chí
Nếu như nhiều người kinh sợ món ăn từ thịt chuột thì người La Chí ở Hà Giang coi là món ăn dân dã, có mặt trong mỗi bữa ăn hàng ngày, được chế biến thành nhiều món ngon như chuột treo gác bếp, nướng, xào....
Khi đến mùa lúa chín, chuột ăn thóc trên nương nên rất béo. Đàn ông thường đặt bẫy, đào hang bắt chuột. Chuột mang về được xiên từ đầu xuống bằng một qua tre nhọn rồi đem thui đến khi vàng ruộm. Sau đó người ta mổ bụng, làm sạch, thêm gia vị, mắm muối và các loại thảo quả cùng các gia vị của núi rừng.
Sau đó thịt được nướng trên những que nướng trên bếp củi cho đến khi tỏa mùi thơm nức. Cắn miếng thịt chuột, cảm nhận vị ngọt, thơm ngon mà bất cứ kẻ sành ăn nào cũng phải xuýt xoa.
4. Rêu nướng
Nhiều người ngạc nhiên khi nhắc đến món rêu nướng nhưng với những người dân vùng cao đây lại là đặc sản ngon trứ danh mà không phải du khách nào cũng dễ dàng thưởng thức. Rêu là món ăn của người dân tộc Tày trên vùng Hà Giang, được những người dân đi lấy ở dưới suối, đem về rửa lại.
Rêu mọc trên núi đá nên rất sạch và trở thành một món ăn rất lạ miệng. Người ta chỉ việc lấy rêu rồi rửa qua nước, vò hết nhớt rồi cho lên bếp nướng. Để món rêu được đậm đà, ngày nay người ta cho thêm chút gia vị. Rêu nướng ăn có vị lạ và bạn không thể nhầm lẫn được với các vị khác, ăn rất ngon bổ, có tác dụng lưu thông khí huyết, giải độc, giải nhiệt.
5. Cháo ấu tẩu
Không dễ ăn vì mùi vị lạ nhưng nếu đã thưởng thức bạn không thể nào quên được mùi vị của món ăn đã trở nên nổi tiếng ở vùng đất này.
Cháo được nấu từ một loại củ ấu tẩu ở miền núi, nấu cùng gạo nương, một món ăn rất tốt cho sức khỏe. Trước khi nấu cháo, của ấu tẩu phải được ngâm trong nước vo gạo một đêm, rồi ninh cùng gạo cho mềm và bở, cùng với ninh chân giò.
Khi nồi cháo bắc ra sánh đặc, mịn và thơm. Khi ăn thêm chút ớt, tiêu, hành rau mùi và một quả trứng gà. Khi đưa lên lưỡi, bạn sẽ cảm nhận chút đăng đắng ở đầu lưỡi nhưng càng ăn càng thấy ngọt khiến bạn muốn ăn mãi không thôi.
Sau khi lang thang khắp Hà Giang, bạn hãy thưởng thức món cháo về đêm, vừa ấm bụng trong tiết trời se lạnh mùa này, vừa cảm nhận hương vị của núi rừng.
7. Phở Tráng Kìm
Chợ Tráng Kìm nằm cách trung tâm thị trấn Tam Sơn, huyện Quản Bạ khoảng hơn 10 km. Nơi đây có món phở trứ danh mà dân lái xe đường dài vẫn truyền tai nhau, cố đi đến đây thật sớm để thưởng thức.
Sợi phở dày, cắt lát khá thô và dai nhưng kết hợp với thịt gà đồi chắc miếng rất ngon. Đặc biệt, tất cả sẽ được phủ một màu vàng bắt mắt từ bột nghệ.
Bạn có thể ăn phở ở các quán khu vực trung tâm thôn Tráng Kìm nhưng nếu tại phiên chợ, họp mỗi thứ 5 hàng tuần sẽ thú vị hơn rất nhiều.
8. Thắng cố và rượu ngô
Lên cao nguyên đá không ăn thắng cố, uống chén rượu ngô thì đâu thấu hết cái đặc trưng của người và đất miền núi cao? Bát thắng cố to ụ với lẫn lộn ruột gan lòng mề. Thắng cố chuẩn phải làm từ ngựa hoặc bò, nấu không gia vị nên khi ăn sẽ được kèm bát muối.
Uống chén rượu ngô, nóng cháy họng rồi lại thêm miếng thắng cố đậm vị và ngọt nước, ngồi lắng nghe những người đàn ông trò chuyện sẽ khiến cho bữa sáng của bạn thêm kỷ niệm đẹp.
9. Bánh cuốn
Không chỉ khách du lịch mà người dân ở đây cũng thường xuyên chọn bánh cuốn để ăn sáng hay thậm chí là ăn trưa trong những buổi chợ phiên. Có những cô, cậu cứ tới mùa này mà lên Hà Giang là ghé quán bánh ở phố cổ Đồng Văn. Ăn nhiều, thành nghiền luôn món này.
Thoạt nhìn bánh cuốn nơi đây không có gì khác nhiều so với bánh miền xuôi, nhưng khi thưởng thức rồi, mới thấy thật lạ. Cũng là bột gạo hấp tráng mỏng, nhưng bánh trắng mịn, mỏng, mềm và rất thơm. Làm bánh tưởng chừng đơn giản song cũng đòi hỏi sự nhanh nhẹn, khéo léo của người đầu bếp.
Các thao tác nhịp nhàng của đôi bàn tay, từ lấy gáo bột láng đều trên mặt vải, đậy nắp chờ một chút cho bột chín tới, rồi giỡ nắp vung, tiếp theo dùng chiếc đũa cả hớt bánh ra mâm rồi cho thịt mộc nhĩ băm nhỏ làm nhân, cuối cùng cuộn bánh lại.
Đối với bánh cuốn trứng, khi bánh vừa chín, chỉ cần đập thêm quả trứng gà rồi đậy vung để một lúc, sau đó mới cho thêm nhân mộc nhĩ thịt băm để trứng vừa chín lòng đào mà bánh vẫn đảm bảo độ mềm, mịn và không nát. Cứ thế, hàng chục rồi đến hàng trăm chiếc bánh ra lò nhanh chóng phục vụ thực khách.
Nước chấm bánh cuốn thường được gọi là nước canh/nước dùng, đựng trong một chiếc bát tô có miếng chả thơm, hành lá mùi tàu thái nhỏ. Nước dùng đậm đà, ngọt lừ từ xương hầm, dậy thơm hành mùi khó cưỡng.
Bánh vừa ra lò, bạn có thể xắt từng miếng chấm nước dùng hoặc thả cả chiếc bánh vào ăn ngay trong bát để cảm nhận tổng hòa vị dẻo thơm của bánh với chả, nước chấm béo ngậy. Một chút tiêu, ớt, dấm chua sẽ làm tròn vị, mùi vị khó quên của vùng cao nguyên đá.
10. Xôi ngũ sắc
Gạo nếp được đồ với các loại lá cây rừng để tạo nên 5 màu đặc trưng cho trời đất. Một món ăn rực rỡ sắc màu và nóng hổi, vừa thổi vừa ăn, lại có hương vị riêng cho mỗi màu. Ai đó ngang qua chõ xôi ngũ sắc mà bước chân lại không lưu luyến dừng lại. Thật là một món ăn vừa đẹp mắt lại vừa ngon miệng.
11. Bánh tam giác mạch chiên
Được làm từ bột gạo nếp trộn lẫn cùng bột tam giac mạch và cả lá gai giã. Bánh được nhào mịn và dẻo rồi nặn thành hình tròn và chiên trong chảo mỡ ngập bánh. Bánh vừa có vị dẻo của gạo nếp, lại có mùi vị đặc trưng của tam giác mạch.
12. Thắng dền
Là một đặc sản của vùng cao nguyên đá, thoáng nhìn thắng dền giống với món bánh trôi tàu của người dưới xuôi nhưng có những nét rất riêng. Cảm giác xì xụp bát thắng dền với vị ngọt cay của đường, của gừng và miếng bột gạo mềm mềm, sần sật rất thú vị.
Những viên bánh thắng dền chỉ làm to hơn ngón tay cái một chút, được thả trong bát có hỗn hợp nước đường ngọt ngậy với nước cốt dừa và gừng. Chúng tạo lên một hương vị ngọt, béo và cay cay. Trong mỗi bát thắng dền còn được cho thêm những viên lạc hay vừng đã rang chín, giòn giòn mà thơm phức, trông hấp dẫn hơn nhiều.
13. Lạp xường gác bếp
Lạp xường gác bếp thơm thơm mùi thịt và khói bếp quyện vào, có thể dùng để rán, hấp nhắm kèm với rượu hoặc chế biến cùng nhiều món ăn khác tùy khẩu vị.
Nhân lạp xưởng được dùng loại thịt nửa nạc nửa mỡ rửa sạch rồi lọc bỏ lớp bì, thái thành miếng nhỏ sau mang ướp muối, đường, bột ngọt, rượu, nước gừng, và một số gia vị đặc trưng của vùng Hà Giang.
Khi ăn lạp xường để nguyên cả khúc đem chiên cho chín sau mang thái lát, Khi ăn chấm với mắm gừng hoặc tương ớt thêm chút rau thơm gia vị tùy theo khẩu vị hoặc cách bày món ăn của mỗi người, mỗi vùng.
Khi thưởng thức lạp xường Hà Giang ngâm nga ta thấy có mùi của nắng vùng cao, có hương lửa của rừng thoang thoảng mùi gừng, mắc mật, mắc khén hương vị của núi.
14. Cơm Lam Bắc Mê
Hà Giang là một vùng phì nhiêu với những loại gạo nếp thơm ngon nổi tiếng thì cơm lam Bắc Mê đang dần trở thành một đặc sản đặc trưng của đồng bào dân tộc Tày nơi đây.
Nguyên liệu là gạo nếp được đãi ngâm kỹ, nước nấu thường là những mạch nước ngầm trong cùng cho vào cho ống tre rồi bịt lá chuối . .
Gạo nếp vo sạch, rắc thêm chút muối, trộn đều, cho gạo vào ống tre, lượng nước đổ xâm xấp so với mặt gạo. Miệng ống được nút bằng lá dong tươi hoặc lá chuối khô và nướng lên Ống tre có gạo ấy được hơ trên ngọn lửa hoặc trên đống than hồng, vừa hơ vừa xoay tròn từ từ cho nhiệt tác dụng đều lên xung quanh vỏ ống.
Trước khi ăn, người ta dùng dao chẻ bỏ lớp vỏ màu xanh ngoài cùng của ống tre, sau đó tước nốt lớp vỏ trắng trong cùng, cơm lam định hình ở dạng ống đặc, được bao quanh bởi một vỏ lụa mỏng màu trắng ngà của ruột ống tre.
Cơm lam có thể ăn không hoặc chấm muối vừng hay ăn cùng cá suối nướng sẽ trổ nên thơm, bùi hơn.
15. Phở chua
Phở chua Hà Giang thực chất được lan sang Hà Giang từ Trung Quốc, mà người ta vẫn hay gọi là “Lường Pàn” nghĩa là “Phở mát”. Món ăn này có vị chua chua, lạ miệng ăn rất mát nên được nhiều người yêu thích vào mùa hè.
Ngày xưa, phở chua hay được người dân tộc sử dụng trong các đám cỗ của gia đình và thường thì không thể thiếu. Nhưng bây giờ, phở chua không chỉ là món ăn cỗ trong gia đình mà chúng đã phổ biến được nhiều người lựa chọn là món điểm tâm. Những du khách tới Hà Giang, nghỉ chân ven đường cũng không quên lựa chọn cho mình bát phở chua để thoả cơn đói.
Công thức làm phở chua Hà Giang không quá khó, nếu ai muốn tự tay mình nấu được bát phở chua thì có thể tham khảo công thức. Nguyên liệu của món phở chua bao gồm: thịt lợn rán (xá xíu), vịt quay, lạc đã chao dầu, lạp xường hoặc xúc xích tự chế.
Ngoài ra còn có rau ăn kèm gồm: rau húng thơm, tỏi tươi, đu đủ hoặc dưa chuột nạo. Nguyên liệu chính là bánh phở yêu cầu phải là bánh phở tươi được tráng mềm không dùng bánh phở khô.