Siêu trăng khổng lồ giữa lòng Hà Nội

Từ thời điểm này, dù Trung thu nửa tháng trời nữa mới đến nhưng giới trẻ Hà Thành đã lũ lượt đến Royal City để check in siêu trăng.

Siêu trăng khiến mọi người thích thú vì nó giống y như thật, có kích thước siêu khủng và trên tất cả là vào cửa miễn phí, được đặt tại quảng trường Vincom Mega Mall Royal City. 

Được trang trí xung quanh ông trăng là hơn 500 ngọn đèn lấp lánh như những ngôi sao trên dải ngân hà. Đặc biệt, những ngọn đèn này liên tục đổi màu theo điệu nhạc.

Trong những ngày cuối tuần trước trung thu, tại đây còn có “sân chơi cung trăng” với các chương trình hoạt náo và những món quà đầy đáng yêu từ các chú thỏ dành riêng cho các bé trong khi bố mẹ có thể tranh thủ mua sắm từ A-Z với cả loại chương trình ưu đãi hấp dẫn mùa trăng.  

Phố Hàng Mã

Được gọi là phố Trung thu quen thuộc và nổi tiếng nhất năm nào cũng đến đây tận hưởng không khí Trung thu.

 Con phố nhỏ nằm trong 36 phố phường nổi tiếng của Hà Nội, luôn chen chúc người đông đúc từ trước 1 tháng Trung thu. Có những người lại ghé vội qua sắm chiếc đèn cho trẻ nhỏ và có những người chỉ cần đến để cảm nhận không khí háo hức khi mùa Trung thu về.

Con phố dài bày bán đèn lồng, đồ chơi trung thu, mặt nạ... lấp lánh màu sắc. Phố Hàng Mã trở thành một nét đẹp của tết Trung thu Hà Thành hàng năm.

Hoàng thành Thăng Long

Nếu bạn yêu thích những nét Trung thu xưa mang hương vị hoài cổ thì Hoàng thành Thăng Long là sự lựa chọn tuyệt vời nhất.

 Chương trình dự kiến diễn ra từ ngày 28/9 đến 4/10, Trung thu ở Hoàng thành Thăng Long mang đậm nét truyền thống, đặc biệt giúp mọi người tìm hiểu về Trung thu xưa qua tư liệu của nhà nghiên cứu người Pháp Henri Oger và Bảo tàng Albert Kahn, Cộng hòa Pháp.

Nơi đây tái hiện không gian trưng bày đồ chơi Trung thu đầu thế kỷ XX được phục dựng qua nhiều tranh vẽ và những tư liệu quý giá. Cùng với đó là trải nghiệm nhiều hoạt động và trò chơi dân gian như múa sư tử, múa rối nước, múa rối cạn,v.v…

Người xem có thể cùng bồi và tô vẽ mặt nạ, làm bánh trung thu, làm đèn ông sao, đèn kéo quân, đèn ông sư, đèn con thỏ, nặn tò he, tiến sĩ giấy và ông đánh gậy trông trăng, làm đồ gốm (vuốt, nặn, vẽ các hình con giống).

Bên cạnh đó, những trò chơi truyền thống, dân gian cũng được tái hiện sinh động như Đi cầu tre gánh lúa (gánh lúa qua cầu), bập bênh, ném vòng, ngựa gỗ, bao bố, kéo co, chơi chuyền, pháo đất, ô ăn quan, bịt mắt đánh trống.

Quảng trường Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình

Diễn ra trước Trung thu 3 ngày, từ ngày 1-10/10 dương lịch, tại đây sẽ diễn ra Liên hoan du lịch - Hội chợ triển lãm thương mại nghề truyền thống quận Nam Từ Liêm - Hà Nội năm 2017.

Hội chợ có 250 gian hàng, chia thành 4 khu: Khu gian hàng triển lãm làng nghề và doanh nghiệp thuộc quận Nam Từ Liêm; Khu gian hàng đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ; Khu gian hàng thương mại tổng hợp; Khu gian hàng dịch vụ ẩm thực.

Ngoài việc thăm thú hội chợ, các hoạt động ở đây cũng rất nổi bật như Hoạt cảnh làm cốm, làm bún; Hội thi Kéo lửa thổi cơm thi; Nghi lễ rước Cốm, Bún; Hoạt động trưng bày, triển lãm, giới thiệu nghề truyền thống; Liên hoan văn hóa dân gian: trình diễn ca trù, chầu văn, chèo, cải lương và một số điệu múa dân gian; Trải nghiệm một số công đoạn làm sản phẩm thủ công truyền thống; Tổ chức các trò chơi dân gian: kéo co, đập niêu đất, nhảy bao bố, bịt mắt bắt dê…

Đặc biệt là tối ngày 4/10 (15/8 âm lịch): Tổ chức chương trình văn nghệ “Đêm hội trăng rằm”.

Với các bạn trẻ, có thể lựa chọn những hoạt động diễn ra ban đêm ở sân Mỹ Đình như thuê đèn trời gửi gắm ước mơ, đốt bấc rồi thả lên trời. Đây là một trong những trò chơi thu hút nhiều bạn trẻ, không phải chen chúc trong phố xá ồn ào, lại có thể chơi theo nhóm hoặc từng đôi yêu nhau lãng mạn.

Bảo tàng Dân tộc học

Vào đúng 9 giờ ngày 23/9, tại đây sẽ diễn ra chương trình tổng duyệt “Trải nghiệm làm đồ chơi Trung thu”. Bên cạnh đó, Bảo tàng vẫn duy trì tổ chức các hoạt động gắn với Tết Trung thu truyền thống như: múa lân sư, hướng dẫn làm bánh dẻo, cốm Vòng, cắt tỉa hoa quả, làm đồ chơi và chơi các trò chơi dân gian.

Tiếp đó, vào ngày 30/9 và 01/10/2017 (ngày 11&12/8 âm lịch), Bảo tàng sẽ tổ chức chương trình Trung thu 2017: Sắc màu văn hóa Đồng Tháp. Điểm nhấn của chương trình là giới thiệu đến khách tham quan những nét văn hóa của con người vùng sông nước Tháp Mười thông qua nhiều hoạt động ý nghĩa.

Đây là chương trình hiếm khi văn hóa Nam Bộ được giới thiệu tới những người dân Bắc, đặc biệt du khách sẽ được nếm thử những các sản vật của vùng đất “sen hồng” như: gỏi ngó sen, chả giò sen, cơm trộn sen, cơm vắt huyết rồng…

Theo An Nguyên/Reatimes