1. Chọn mua theo nhu cầu và mục đích sử dụng
Trước khi mua xe bạn cần tìm hiểu trước về loại phương tiện này, thực chất có hai loại xe đạp điện, một loại có bàn đạp, còn một loại không có bàn đạp, (loại này còn được gọi bằng tên khác là xe máy điện).
Xe đạp điện có tốc độ dao động từ 20-25km/h, chạy được khoảng 40km cho một lần sạc. Như vậy xe đạp điện phù hợp với đối tượng học sinh sinh viên.
Còn với xe máy điện có tốc độ tối đa khoảng 40km/h, thậm chí có loại còn có thể lên đến 65km/h. Chạy được khoảng 80km cho mỗi lần sạc vì vậy người đi làm cũng có thể lựa chọn làm phương tiện đi lại tối ưu dành cho mình.
Nếu bạn di chuyển đường bằng và muốn thoải mái, hãy xem xét kĩ phần cấu tạo khung xe. Nếu bạn muốn leo đồi núi, hãy xem xét động cơ xe, loại 250 watt hoặc động cơ đặt giữa là hoàn hảo. Nếu bạn muốn đi đường xa, pin lớn hơn 400 watt/ giờ là tối quan trọng.
Hiểu biết nhu cầu cá nhân sẽ giúp bạn tập trung sự chú ý và chiếc xe đạp cần thiết cho mình.
2. Nên mua xe chạy pin hay ắc quy
Đối với xe đạp điện, pin được coi là bộ phận quan trọng nhất, là "trái tim" của cả chiếc xe. Pin tốt quyết định phần lớn tới chất lượng của xe nên người mua thường quan tâm tới bộ phận này hàng đầu.
Chọn xe điện chạy ắc quy hay pin cũng là câu hỏi luôn được người tiêu dùng đặt ra khi mua xe?
Yếu tố đầu tiên bạn cần lưu ý là về trọng lượng, xe đạp điện chạy pin thường nhẹ hơn xe chạy ắc quy, có thể nhẹ hơn tới một nửa. Một quả pin dùng cho xe đạp điện nặng khoảng 6kg trong khi một bình ắc quy lại có trọng lượng tới 18- 20kg. Xe dùng bình ắc quy sẽ cần tới 8 giờ trở lên cho mỗi lần sạc trong khi pin chỉ cần từ 4 đến 6 giờ.
Ngược lại, so với pin, ắc quy có tuổi thọ cao hơn. Mỗi lần sạc, pin chỉ giúp cho chiếc xe điện di chuyển trong quãng đường 40 km. Tuổi thọ chỉ khoảng 300-400 lần sạc, tương ứng với tổng quãng được đi được rơi vào khoảng 14.000 km.
Hiện nay, công nghệ pin trên xe đạp điện đã cực kỳ phát triển khi ứng dụng pin Lithium cho quãng đường di chuyển lên tới 80 km chỉ với một lần sạc. Pin Lithium còn có thiết kế chắc chắc, tuyệt đối chống cháy nổ.
3. Chú ý tới tải trọng của xe
Người sử dụng xe đạp điện thường hay chở cả bạn bè, người thân phía sau nên một chiếc xe điện có tải trọng dưới 130 kg không nên có trong danh sách lựa chọn của bạn. Bởi lẽ tải trọng còn liên quan đến độ bền của khung xe và động cơ. Nếu liên tục chở quá tải, xe sẽ nhanh hỏng hơn.
4. Chú ý tới khả năng chống nước của xe
Thời tiết nóng ẩm như ở Việt Nam là kẻ thù số 1 của các thiết bị điện tử chứ không cứ gì xe điện. Bạn cần tìm một chiếc xe có kết cấu gầm càng cao càng tốt, hộp chứa pin hoặc ắc quy kín để tránh không cho nước vào khi đi trong trời mưa hay đường lầy lội.
Ngoài ra, xe đã đi ra đường, chắc chắn sẽ dính bụi bẩn nên việc thường xuyên rửa xe là điều không thể tránh khỏi. Cũng như lời gợi ý trên, bạn hãy chọn một chiếc xe có phần hộp điện và động cơ khép kín để chúng không bị dính nước kể cả khi rửa xe.
5. Chú ý về chế độ bảo hành và giá cả
Các dòng xe đạp điện hiện nay như Honda, Yamaha, Giant hoặc xuất xứ Đài Loan, Trung Quốc như Hkbike, Mocha ... đều có website bán hàng chính hãng và đại lý phân phối tại các tỉnh thành trên cả nước. Vì vậy bạn hãy nghiên cứu thật kỹ về các thông số kỹ thuật, mẫu mã và chế độ bảo hành của từng hãng để chọn lựa được chiếc xe ưng ý nhất.
Một số loại xe đạp điện dù mẫu mã đẹp nhưng chất lượng thì không hề đảm bảo. Ví dụ như ắc quy, pin sụt rất nhanh, thiết bị điều khiến điện tử không tự động điểu chỉnh được tốc độ cho phép, gây nguy hiểm cho người sử dụng. Thời hạn bảo hành các sản phẩm không cố định, thậm chí không có giấy bảo hành. Khi sản phẩm bị hỏng, người tiêu dung khó tìm được cơ sở bảo hành, mà chỉ có thể thay mới.
Bạn hãy cân nhắc kỹ lưỡng yếu tố bảo hành trước khi mua xe vì xe bền, sử dụng được lâu mới xứng đáng với số tiền mà bạn bỏ ra. Hãy ghi nhớ, giá cả đi đôi với chất lượng, vì thế hãy tham khảo giá xe của các hãng bán hàng có uy tín chứ không nên "tham rẻ" mà mua xe nhập khẩu từ Trung Quốc không có giấy tờ hoặc đại lý tại Việt Nam.