Thêm 11 dự án nhà ở xã hội được hưởng hỗ trợ
Theo đó, trên cơ sở báo cáo của các địa phương đến ngày 16/8/2022 và rà soát điều kiện theo quy định của Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, Bộ Xây dựng đã xác định thêm 11 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ bảo đảm đủ điều kiện được vay vốn hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước.
Cụ thể, các dự án này do UBND thành phố Hồ Chí Minh và UBND tỉnh Bình Định đề xuất với quy mô 7.904 căn hộ, tổng mức đầu tư 9.646 tỷ đồng và nhu cầu vay vốn theo đề xuất của các địa phương khoảng 4.345 tỷ đồng.
Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, tổng hợp và thông báo đến các Ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước bảo đảm đúng quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP và quy định pháp luật có liên quan.
Cụ thể, theo danh mục gửi kèm, có 7 dự án nhà ở xã hội, nhà ở dành cho công nhân đủ điều kiện vay vốn hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP có nhu cầu vay vốn gồm: Dự án nhà ở xã hội thuộc dự án Khu nhà ở phường Long Trường, thành phố Thủ Đức (quy mô 558 căn hộ, tổng mức đầu tư 522,1 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn theo đề xuất của UBND thành phố Hồ Chí Minh là 365,47 tỷ đồng); Dự án nhà ở xã hội Lý Thường Kiệt tại số 324 Lý Thường Kiệt, phường 14, quận 10 (quy mô 1.245 căn hộ, tổng mức đầu tư 1.561 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn theo đề xuất của UBND thành phố Hồ Chí Minh là 570 tỷ đồng);
Dự án nhà ở xã hội phục vụ cho công nhân thuê tại Cụm công nghiệp quận 2, phường Thạnh Mỹ Lợi, thành phố Thủ Đức (quy mô 1.040 căn hộ, tổng mức đầu tư 1.119,6 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn theo đề xuất của UBND thành phố Hồ Chí Minh là 700 tỷ đồng); Dự án Nhà ở xã hội Tân Đại Minh, phường Quang Trung, thành phố Quy Nhơn (quy mô 854 căn hộ, tổng mức đầu tư 769 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn theo đề xuất của UBND tỉnh Bình Định là 154 tỷ đồng); Dự án nhà ở xã hội Ecohome Nhơn Bình, phường Nhơn Bình, thành phố Quy Nhơn (quy mô 1.380 căn hộ, tổng mức đầu tư 1.402 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn theo đề xuất của UBND tỉnh Bình Định là 280 tỷ đồng);
Dự án Khu chung cư nhà ở xã hội An Phú Thịnh, Khu đô thị mới An Phú Thịnh, thành phố Quy Nhơn (quy mô 926 căn hộ, tổng mức đầu tư 682 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn theo đề xuất của UBND tỉnh Bình Định là 136 tỷ đồng); Dự án Khu chung cư nhà ở xã hội tại Khu đô thị Bắc sông Hà Thanh, phường Nhơn Bình, thành phố Quy Nhơn (quy mô 342 căn hộ, tổng mức đầu tư 364 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn theo đề xuất của UBND tỉnh Bình Định là 73 tỷ đồng).
Ngoài ra, có 4 dự án cải tạo chung cư cũ đủ điều kiện vay vốn hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP có nhu cầu vay vốn gồm: Dự án chung cư mới thay thế chung cư cũ tại số 23 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, quận 1 (từ 81 căn hộ được xây dựng mới lên thành 160 căn hộ, tổng mức đầu tư 696 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn theo đề xuất của UBND thành phố Hồ Chí Minh là 557 tỷ đồng); Dự án xây dựng mới chung cư cũ tại số 128 Hai Bà Trưng, phường Đa Cao, quận 1 (từ 97 căn hộ được xây dựng mới lên thành 146 căn hộ, tổng mức đầu tư 700,4 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn theo đề xuất của UBND thành phố Hồ Chí Minh là 500 tỷ đồng);
Dự án xây dựng mới chung cư cũ tại số 350 đường Hoàng Văn Thụ, phường 4, quận Tân Bình (từ 157 căn hộ được xây dựng mới lên thành 500 căn hộ, tổng mức đầu tư 830 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn theo đề xuất của UBND thành phố Hồ Chí Minh là 610 tỷ đồng); Dự án khu chung cư Trần Bình Trọng, số 145A đường Trần Hưng Đạo, thành phố Quy Nhơn (từ 94 căn hộ được xây dựng mới lên thành 753 căn hộ, tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn theo đề xuất của UBND tỉnh Bình Định là 400 tỷ đồng).
Trước đó, qua rà soát hồ sơ của 41 địa phương gửi báo cáo đề xuất 240 dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tổng hợp danh mục dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ (đợt 1) với 4 dự án.
Các dự án đợt 1 được Bộ Xây dựng xét duyệt, do ủy ban nhân dân các tỉnh Lào Cai, Hòa Bình, Tây Ninh, Tiền Giang chịu trách nhiệm về hồ sơ pháp lý và đề xuất nhu cầu vay vốn với quy mô 6.426 căn hộ, tổng mức đầu tư 4.665 tỷ đồng và nhu cầu vay vốn theo đề xuất của các địa phương khoảng 1.751 tỷ đồng.
Nhà ở xã hội có thế chấp để vay vốn kinh doanh không?
Căn cứ theo khoản 4 Điều 19 Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển quản lý nhà ở xã hội quy định về việc chuyển nhượng nhà ở xã hội như sau:
Người mua, thuê mua nhà ở xã hội không được phép thế chấp (trừ trường hợp thế chấp với ngân hàng để vay tiền mua, thuê mua chính căn hộ đó) và không được chuyển nhượng nhà ở dưới mọi hình thức trong thời gian tối thiểu là 5 năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua, thuê mua nhà ở theo hợp đồng đã ký với bên bán, bên cho thuê mua; chỉ được phép bán lại, thế chấp hoặc cho thuê sau khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Như vậy, căn cứ vào quy định trên, chủ sở hữu nhà ở xã hội không được chuyển nhượng nhà dưới mọi hình thức trong thời hạn tối thiểu là 5 năm, và chỉ được phép bán lại, thế chấp hoặc cho thuê sau khi đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Trình tự, thủ tục bán lại nhà ở xã hội được thực hiện tương tự như đối với bán nhà ở giữa cá nhân với cá nhân, nhưng bên bán phải nộp lại tiền sử dụng đất và thuế thu nhập cá nhân cho Nhà nước. Tiền sử dụng đất phải nộp khi bán lại nhà ở xã hội được tính như sau:
Thứ nhất, trường hợp người mua, thuê mua nhà ở xã hội bán lại nhà ở xã hội là căn hộ chung cư thì phải nộp tiền sử dụng đất.
Tiền sử dụng đất phải nộp = 50% x S x Giá đất x Hệ số phân bổ tiền sử dụng đất cho căn hộ.
Trong đó: S là diện tích căn hộ chung cư cần được xác định tiền sử dụng đất phải nộp. Giá đất được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 19. Hệ số phân bổ của căn hộ chung cư được xác định theo quy định tại Điều 8 Thông tư 139/2016/TT-BTC.
Thứ hai, trường hợp người mua, thuê mua nhà ở xã hội bán lại nhà ở xã hội là nhà ở thấp tầng liền kề thì bên bán nhà ở xã hội phải nộp 100% tiền sử dụng đất.
Tiền sử dụng đất được xác định theo giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại Bảng giá đất x hệ số điều chỉnh giá đất tại thời điểm người mua, thuê mua bán lại nhà ở xã hội x diện tích đất ở của nhà ở xã hội.
10 đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội
10 đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội và hình thức hỗ trợ tương ứng đối với mỗi nhóm đối tượng được quy định cụ thể tại Luật Nhà ở 2014.
Theo đó, 10 nhóm đối tượng sau đây nếu đáp ứng điều kiện theo quy định thì được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, gồm:
(1) Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng;
(2) Hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn;
(3) Hộ gia đình tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu;
(4) Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị;
(5) Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp;
(6) Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân;
(7) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;
(8) Các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ theo quy định tại khoản 5 Điều 81 của Luật Nhà ở;
(9) Học sinh, sinh viên các học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề; học sinh trường dân tộc nội trú công lập được sử dụng nhà ở trong thời gian học tập;
(10) Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở.
Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/nhung-du-an-nha-o-xa-hoi-nao-duoc-vay-von-ho-tro-lai-suat-2-70194.html