1. Người "nặng vía" xông đất

Theo phong tục người Việt Nam, người đến xông đất đầu năm rất quan trọng. Tục xông đất đầu năm quan niệm người đầu tiên bước vào nhà trong ngày mùng một Tết sẽ đem lại may mắn, hay xui xẻo cho gia đình ấy cả năm.

Những điều kiêng kỵ trong ngày Tết chớ nên phạm phải - ảnh 2
Vì vậy, người xông đất thường được chọn trước, và cần hội đủ các điều kiện như khỏe mạnh, tính tình nhu hòa, hiếu thuận, đặc biệt là đang ăn nên làm ra… để xông đất.

Sáng mùng một Tết nếu người không được chọn mà cứ tự nhiên đến thì gia chủ sẽ không vui, sự tiếp đón cũng bớt niềm nở, chu đáo. Do đó, những người 'nặng vía', xung tuổi với gia chủ không nên đến xông nhà ngày đầu năm.

2. Đi chúc Tết sáng mồng Một

Người Việt Nam thường tránh đi chúc Tết sáng đầu năm vì không muốn xông đất nhà người khác. Với người Việt Nam người xông đất rất quan trọng, ảnh hưởng đến cả gia đình trong một năm. Ngày mồng một Tết người Việt Nam thường chỉ đi thăm họ hàng, người thân.

3. Chúc Tết người đang nằm ngủ

Ngày xưa đất tuy rộng nhưng không phải gia đình nào cũng có nhà to để phân ra thành phòng ngủ, phòng ăn, phòng khách. Vì thế không hiếm trường hợp, khách đến nhà chúc Tết vào sáng mùng một, thấy vẫn có người nằm ngủ do phải thức khuya vào tối giao thừa.

Đã đến nhà người ta thì phải xởi lởi mà chúc Tết, thế nhưng họ không chúc người đang nằm ngủ đó. Nếu không, lời chúc tốt đẹp lại bị xem như lời trù ẻo, muốn cho người ta phải nằm li bì trên giường bệnh. Vì thế, nếu có lòng, khách phải đợi đến khi người đó ngủ dậy mới nói ra lời chúc với họ.

4. Về nhà ngoại vào ngày mùng 1, 4, 5 Tết

Theo tục lệ xưa, con gái và con rể chỉ được về nhà ngoại chúc Tết vào mùng 2 hoặc mùng 3, kiêng các ngày mùng 1, mùng 4 và mùng 5.

Nguyên nhân là ngày mùng 1 – ngày quan trọng nhất, họ có nghĩa vụ phải tỏ lòng hiếu đễ với bố mẹ, tổ tiên họ nội. Ngoài ra còn có quan niệm rằng phải về nhà vợ vào những ngày kể trên thì mới đem lại vận may cho gia đình bên ngoại. 

5. Quét nhà đầu năm

Dân gian cho rằng, nếu quét nhà trong 3 ngày đầu năm thì cả năm gia đình sẽ nghèo túng, khánh kiệt, thần tài sẽ đi mất, tiền bạc không đến được với gia đình và hiển nhiên nó mang lại điềm xấu, không may mắn.

Vì có tục kiêng quét nhà đổ rác 3 ngày Tết, sợ rằng sẽ quét hết tiền bạc, vận đỏ ra khỏi nhà, nên ngày 30 Tết, dù bận rộn đến đâu mọi người cũng phải dọn dẹp nhà cửa, không vứt rác bừa bãi.

Ở Nam Bộ, sau khi quét dọn người ta thường cất hết chổi, nếu trong ngày Tết bị mất chổi có nghĩa là năm đó nhà sẽ bị trộm vào vét sạch của cải. Ở nông thôn, ngày Tết nhà nào cũng rắc vôi bột ở bốn góc vườn, rồi vẽ mũi tên hướng ra cổng để xua đuổi ma quỷ.

6. Giặt quần áo vào mùng 1, mùng 2

Theo tín ngưỡng dân gian, hai ngày đầu năm là ngày sinh của thủy thần nên cần kiêng giặt quần áo để không mạo phạm đến thần, dẫn đến gặp xui xẻo. Thực ra, người xưa chẳng có nhiều quần áo để giặt, và ngày Tết là dịp nghỉ ngơi, tiết trời lạnh, việc ngừng giặt hai ngày cũng chẳng mấy ảnh hưởng đến họ.

7. Mở tủ vào mùng 1

Dù là loại tủ gì, kể cả tủ quần áo, cũng không nên mở vào ngày mùng 1 Tết, bởi việc này sẽ làm thất thoát tiền tài và vận may suốt cả năm. Vì thế, người xưa thường chuẩn bị sẵn quần áo cần mặc, treo ra ngoài trước giao thừa.

8. Ăn đuôi cá

Ở miền Bắc có một số nơi cầu may năm mới bằng việc ăn cá chép – loài cá vượt vũ môn hóa rồng. Nếu ăn cá chép trong ba ngày đầu năm mới thì trong năm đó sẽ được hanh thông trong chuyện học hành, thăng tiến.

Tuy nhiên, nhằm tăng sự may mắn, người ta tránh ăn phần đuôi, để luôn có dư thừa, tích lũy của cải trong năm mới, chứ không chỉ đủ ăn đủ mặc.

9. Mặc quần áo màu trắng, đen

Theo quan niệm của người xưa, mùa xuân phải rực rỡ sắc màu thể hiện sức sống vạn vật và con đàn cháu đống nên đầu năm thì phải mặc trang phục màu sắc sặc sỡ( hồng, đỏ, vàng, xanh…), tạo nên sự hứng khởi tươi vui. Chính vì vậy các màu tẻ nhạt u trầm thường kiêng, đặc biệt hai màu trắng và đen là màu của tang lễ, chết chóc, bị kiêng triệt để.

10. Ăn dở, bỏ thừa cả năm mất mùa, đói khát

Dù món ăn ngày Tết thế nào, cũng tránh ăn nhè, nhả bã, bỏ phí, nếu không cả năm sẽ bị mất mùa, đói khát… Đặc biệt tránh để thừa cơm, gạo khiến sau này lấy phải người chồng/vợ bị rỗ nặng. Tránh chống đũa vào bát gây sự chậm trễ trong công việc, thua lỗ khi buôn bán và nếu làm nghề nấu ăn thì rất ít khách.

Để chữa lại việc bỏ dở ăn uống, ở các lần sau người ta thường ăn cam, dưa, xoài, đu đủ… nhờ có màu đỏ hồng, vị ngọt thơm sẽ mang lại sự may mắn và thành công… Trẻ con thường được khuyên không ăn chân gà tránh viết xấu như gà bới, văn phong cẩu thả, lại hay gây lộn.

11. Làm vỡ các đồ vật

Ông bà ta quan niệm, từ vỡ, bể là những từ tạo nên sự chia cắt, đứt lìa từ những vật dụng trong nhà cho đến các mối quan hệ trong gia đình và xã hội.

Đó thật sự là những điều không tốt và không ai mong muốn xảy ra trong đầu năm mới. Do đó, người già thường khuyên con cháu trong những ngày này phải cẩn thận, không được đánh vỡ bát đĩa, ấm chén…sẽ khiến gia đình chia rẽ ,bất hòa.

12. Dùng vật nhọn, sắc cắt đứt lương duyên

Đầu xuân, tránh dùng các vật nhọn và kỵ các vật sắc chĩa vào nhà bởi nó có sát khí, có thể cắt đứt lương duyên, vận hội, tuổi thọ của gia chủ. Để khắc phục, mọi người thường cất bớt dao kéo đi, chỉ chừa lại cái cần dùng. Và treo gương bát quái nhằm hóa giải hung tính, hay dán bùa phù, đặt hình tứ linh trấn địa, trừ tà, thu hút khí lành.


 Mồng 1 tết không nên quét nhà.

13. Cúng quan đương niên trong nhà

Lúc giao thừa, người Việt thường có lễ cúng tiễn quan quân nhà trời coi việc năm cũ và đón quan quân coi việc năm mới đi thị sát trần gian.

Việc này phải làm ở ngoài sân chứ không được làm trong nhà, bởi các ngài rất vội, không có thời gian ghé vào. Lễ dành cho việc cúng này thường gọn nhẹ: con gà luộc (hoặc thịt lợn luộc), hương, hoa, bình rượu nhỏ… và phải đợi tàn hương mới được đem vào nhà.

14. Ngồi hoặc đứng trước cửa

Việc đứng hay ngồi án ngữ trước cửa chính trong dịp năm mới không chỉ vô duyên mà còn được coi là hành động gây phương hại đến vượng khí gia đình. Luồng khí tốt lành của năm mới trên đường vào nhà sẽ bị chặn lại, hao tán đi, khiến gia đình đó không được may mắn, thành công, hạnh phúc.

15. Đi chúc Tết khi đang có thai

Không chỉ những người có tang mới kiêng đi chúc Tết, người Việt xưa còn tránh làm việc này khi đang có thai. Thật ra ngay cả thời hiện đại, nhiều phụ nữ cũng kiêng hoặc được dặn phải kiêng đến nhà người khác trong dịp đầu năm. Bởi theo quan niệm dân gian, bà chửa đem lại xui xẻo, đó là chưa kể đứa bé trong bụng sau này cũng thành kẻ ăn nói vô duyên.

Mà đâu chỉ riêng ngày Tết, vào những ngày thường, không ít người hiện nay vẫn từ bỏ việc quan trọng định làm trong ngày nếu “ra ngõ gặp gái chửa”, hoặc có cố làm thì trong bụng vẫn dự cảm thất bại, dẫn đến không an lòng và hậu quả là việc không thành.

16. Khóc lóc, buồn tủi, bực tức

Điều này thật dễ hiểu, vì đây là những hành động không hay mà bất cứ ai cũng không muốn làm vào dịp Tết. Nhưng nếu bất đắc dĩ phải rơi vào hoàn cảnh không vui, chúng ta nên cố gắng kìm chế để hưởng thụ một năm mới trọn vẹn niềm vui bên người thân, bạn bè, gia đình.

Và đặc biệt trong ngày Tết nếu ai khóc, buồn bã và bực tức thì cả năm sẽ phải khóc, có nhiều chuyện buồn, lo lắng, suy nghĩ. Vì thế người ta kiêng kị điều này để tránh gặp phải xui xẻo cả năm.

17. Xuất hành ngày mùng 5

Ngày mồng Năm là ngày nguyệt kị, người Việt thường không xuất hành đầu năm vào ngày này. Dân gian có câu “mùng năm, mười bốn, hai ba; đi chơi còn lỗ nữa là đi buôn”, người Việt tin rằng mùng 5 không thích hợp cho các cuộc du xuân lấy lộc.

18. Cho nước, lửa

Thật không may cho nhà ai mùng 1 Tết có người đến nhà xin lửa, xin nước. Ngày mùng 1 Tết người ta rất kị người khác đến xin lửa nhà mình, vì quan niệm lửa có màu đỏ, màu mang lại may mắn đầu năm mới. Cho lửa là cho đi cái đỏ, cái may mắn trong năm mới sẽ khiến gia đình không giữ được tiền bạc, trong nhà sẽ gặp nhiều điều xui rủi, ra đường hay gặp tai vạ.

Ngoài ra, cũng kiêng cho nước đầu năm vì nước vốn được ví như nguồn tài lộc trong câu chúc: “Tiền vào như nước”. Thường thì trước khi bước sang năm mới, ở nông thôn nhà nào cũng lo đổ đầy nước vào bể, vào chum hoặc vại. Từ trong tâm thức người ta tin rằng, năm mới đến sẽ đem theo của cải nhiều như nước.

Chẳng thế mà sáng mùng 1 Tết, rất nhiều nhà thời xưa hay thuê người gánh nước đến. Họ được mừng tuổi đôi ba hào, thế là cả chủ nhà lẫn người gánh thuê đều hả hê vì sẽ có một năm mới may mắn tốt lành.

19. Vay mượn, trả nợ ngày đầu năm

Chỉ trong hoàn cảnh túng thiếu hoặc cấp bách, người ta mới nghĩ đến chuyện vay mượn tiền bạc hoặc đồ dùng của người khác. Và đây là vấn đề khá tế nhị mà người Việt luôn quan tâm, chú ý để tránh mất lòng nhau.

Người xưa dạy, không nên vay hoặc cho tiền bạc, đồ đạc vào những ngày đầu năm mới vì sẽ khiến gia đình rơi vào cảnh túng thiếu cả năm. Điều kiêng kị này xuất phát từ quan niệm ngày đầu xuân con người mở cửa để đón lộc vào nhà, còn nếu cho mượn hoặc trả giống như “dâng” tài lộc vào tay khác.

Trong gia đình, ông bà, cha mẹ thường răn dạy con cháu trong dịp tết không nên vay tiền hay mượn đồ đạc của người khác, để tránh cho cả năm sẽ rơi vào cảnh túng thiếu, nợ nần, không may mắn trong công việc, làm ăn

20. Tặng quà cấm kỵ

7 món quà tuyệt đối không nên biếu, tặng trong ngày tết: đồng hồ, dao, kéo, cá mực, cà phê, hạt tiêu, hay mèo… là những món quà tuyệt đối không nên tặng trong ngày Tết.

21. Gặp phụ nữ, người vía dữ

Theo quan niệm dân gian, ra đường gặp gái hay người dữ vía là điều không may, đặc biệt là vào ngày mùng 1 đầu tháng.Đối với những người có việc phải đi làm ăn xa hay người kinh doanh, buôn bán, họ rất kỵ ra đường gặp đàn bà hay người vía dữ. Họ quan niệm, gặp gái và người vía dữ đầu tháng sẽ khiến việc buôn bán cả tháng đó không thuận lợi.Để xua đuổi sự xúi quẩy này, nhiều người thường đi vào lại nhà sau khi gặp gái. Thậm chí, có người phải hẹn gặp một người có tính cách cởi mở, hay gặp may vào đầu tháng khi ra ngoài ngõ.

22. Quan hệ nam nữ

Trong ngày Tết, mùng 1, ngày rằm, người phương Đông có quan niệm kiêng khem, tránh việc gần gũi nam nữ. Bởi lẽ, theo quan niệm cổ xưa, việc quan hệ nam nữ vào những ngày này sẽ dẫn đến những điều vận hạn đen đủi, không may mắn, thậm chí là đại hạn.

23. Đi thăm phụ nữ đẻ

Những người làm ăn, buôn bán cho rằng họ đi thăm bà đẻ thì vận may trong công việc làm ăn của họ sẽ biến mất nhanh chóng nên thường họ chờ cho đứa bé đầy tháng và chọn dịp cuối tháng mới đến thăm. Các tài xế cũng rất kiêng kỵ đi thăm gái đẻ, bởi họ quan niệm sẽ gặp nhiều vận hạn, xui rủi, làm ăn thất bát, tai nạn...

Đối với những người có bầu: Các cụ cho rằng, nếu bà bầu đi thăm bà đẻ thì con sẽ ganh nhau (em bé của bà đẻ và em bé trong bụng của bà bầu), đến lúc bà bầu đẻ con ra nó sẽ bị sài đẹn (ốm đau quặt kẹo).Ngoài ra người ta còn kiêng nói những lời mang ý nghĩa xui xẻo, kiêng đi chúc tết khi trong nhà đang có tang, kiêng xuất hành ngày mùng 5…

Trên đây là những thông tin mang tính chất tham khảo, hi vọng mỗi gia đình sẽ đón một cái Tết đầy đầm ấm yêu thương. 

Theo Duy Phan tổng hợp/Reatimes