Đây là Thông tư quy định danh mục phế liệu tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu có hiệu lực từ ngày 20/12/2018 đến hết năm 2019.

Những loại phế liệu nào sẽ bị ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất? - Ảnh 1Nhiều loại phế liệu phải ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu.

Theo đó, Danh mục phế liệu tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu gồm: thạch cao, thạch cao khan, thạch cao plaster đã hoặc chưa nhuộm màu; Xỉ hạt từ công nghiệp luyện sắt hoặc thép; Xỉ, xỉ luyện kim, vụn xỉ và các phế thải từ công nghiệp luyện sắt hoặc thép; Xỉ, tro và cặn có chứa kim loại, asen hoặc các hợp chất của chúng; Các nguyên tố hóa học đã được kích tạp dùng trong điện tử, ở dạng đĩa, tấm mỏng hoặc các dạng tương tự, các hợp chất hóa học đã được kích tạp dùng trong điện tử; Giấy loại hoặc bìa loại thu hồi; Tơ tằm phế liệu; Phế liệu lông cừu; Lông cừu hoặc lông động vật loại mịn hoặc thô tái chế; Phế liệu bông; Phế liệu từ sợi nhân tạo.

Ngoài ra, danh mục cũng nêu các loại vải vụn, mẫu dây xe, chão điện, thừng và dây cáp đã qua sử dụng; Thủy tinh vụn và thủy tinh phế liệu; Phế liệu và mảnh vụn sắt, đồng, niken, nhôm, vụn kẽm, thiếc, vonfram, molypden, magie, titan… đều không được phép kinh doanh tạm nhập, tái xuất trong vòng năm tới.

Thông tư nêu rõ, Danh mục phế liệu không áp dụng đối với trường hợp kinh doanh chuyển khẩu theo hình thức hàng hóa được vận chuyển thẳng từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu, không qua cửa khẩu Việt Nam. Và với những lô hàng phế liệu đã làm thủ tục hải quan tạm nhập, chuyển khẩu trước ngày Thông tư có hiệu lực (20/12), được tiếp tục thực hiện tái xuất, chuyển khẩu theo quy định tại Nghị định 69/2018 của Chính phủ.

Theo baodansinh.vn