Thành Huế có tới mấy chục loại chè với nhiều màu sắc và hương vị khác nhau. Mỗi loại chè có một hương vị đặc biệt riêng. Mỗi loại chè lại được chế biến rất cầu kỳ, tinh tế. Ngày hè oi bức mà được thử một bát chè này thì còn gì tuyệt vời hơn.
Chè bột lọc bọc thịt quay
Thật lạ là thịt lợn quay lại được dùng như một nguyên liệu nấu chè. Món chè mới nghe đã thấy tò mò và muốn ăn, gợi cho ta cảm giác thích thú muốn thưởng thức. Chỉ trong một bát chè có đủ cả vị mặn, ngọt, bùi… vô cùng hấp dẫn.
Hình như cái chất, cái vị của nó phảng phất bóng dáng đỏng đảnh đáng yêu của các cô gái miền sông Hương núi Ngự và thể hiện đầy đủ nét thất thường của thời tiết Huế
Chè bột lọc được viên thành hình tròn nhỏ vừa miệng ăn, làm bằng bột năng. Bên trong viên chè là những miếng thịt heo quay, cắt vuông bằng quân xúc xắc nhỏ (có cả bì lợn, cả thịt) bọc ngoài là màng bột nếp, rồi cho vào nước đường đun thành chè.
Khi luộc chín, viên bột từ màu trắng đục thành màu trắng trong, ăn với nước đường và đây là món chè luôn được ăn nguội hay nóng ấm chứ không bao giờ ăn lạnh.
Chè chuối khoai môn
Để nấu món chè khoai môn đặc biệt đúng vị Huế thì nguyên liệu cũng phải chọn thật kỹ, đó là nước cốt dừa tươi tự làm, chuối sứ chín , bột báng, đậu xanh đãi vỏ, khoai môn già vừa phải bên trong có màu trắng đục, vân tím thì củ nhiều bột, dẻo ngon, đường cát, bột vani và đậu phộng rang.
Múc chén chè ra chén, cho một ít đậu phộng rang lên trên là có thể thưởng thức. Chè chuối khoai môn dùng nóng ngon hơn lạnh.
Miếng khoai môn bùi, béo đi cùng miếng chuối mềm, thơm trong vị ngọt béo của nước cốt dừa, cùng vị thanh thanh của đậu xanh, giòn béo của đậu phộng, tất cả như một bản hòa ca reo vang.
Chè khoai tía
Những củ khoai tím có thể cho ra đời những cốc chè vô cùng đặc biệt, rất thích hợp cho giải nhiệt ngày nắng nóng. Cách nấu món chè này rất đơn giản, không khác mấy với chè đậu xanh đánh nhuyễn nhưng mùi vị thì đậm đà, thoáng chút hương gừng thơm nồng.
Cái khéo léo của người nấu chè là cân đo nguyên liệu sao cho hòa hợp. Thậm chí, thêm đường sao cho vừa nhưng không để mất đi mùi thơm của nước dừa cũng là cả nghệ thuật của người dân nơi đây.
Món này rất nhiều vị khách ưa thích vì màu sắc và hương vị. Chè có vị thơm và ngọt thanh, vừa ăn vừa nhớ lại những tà áo dài tím biếc cả chiều sông Thương thì chén chè càng đậm hơn trong lòng thực khách.
Chè kê xứ Huế
Loại chè này thường được nấu vào ngày rằm tháng 5 để cúng gia tiên. Một món chè hoàn toàn mới lạ của đất Huế mộng mơ, chè nhưng lại ăn kèm bánh đa nướng.
Món chè kê được nấu cũng rất công phu. Kê được nấu kết hợp với đậu xanh và đường vàng. Vị dẻo của kê, vị bùi của đậu và vị ngọt vừa phải của đường, ăn cùng bánh tráng rất hấp dẫn.
Chè bắp ngô cồn Hến
Một lần đến xứ này không ăn cơm hến và chè bắp cồn Hến thì thật chưa phải đã đến Cố đô. Chè bắp ngô cồn hến đặc biệt từ khâu chọn nguyên liệu khi bắp phải là thứ gieo trồng ngay ở bãi phù sa quanh cồn.
Người ta lấy bắp non về nạo thành bột mịn, nấu với đường hoa mai. Cùi bắp không vất bỏ mà được luộc lọc lấy chất nước ngọt, nấu chung với bắp đã bào mịn đến độ chín rền.
Bưng chén chè trên tay, nhìn sắc màu vàng mơ tươi sáng của hạt bắp cồn, nhìn ngàn cờ bắp đang lay ngọn lá lao xao ngoài triền sông, cùng bạn bè vui đùa trò chuyện, lại thưởng thức vị thơm dẻo ngọt quyến rũ, ăn một lại muốn hai.
Nấu chè bắp là bí quyết riêng của người cồn Hến nên chè ở đây có phong vị riêng mà nơi khác nấu không thể có được.Ly chè vừa có vị thơm bùi, béo ngọt của bắp non, vừa có vị ngọt man mát của đường, khiến ăn mấy ly không chán.
Chè đậu ngự
Nếu khi xưa món chè này được dùng trong cung đình, thì ngày nay nó thường được người Huế dùng trong những dịp đặc biệt hoặc chiêu đãi khách.
Về hình thức, món chè đậu ngự có thể sẽ khiến nhiều thực khách thấy hơi bất ngờ vì nó quá thanh cảnh, thậm chí có thể được cho là giản dị.
Ấy vậy mà sự giản dị đó sẽ là sự thanh nhã đến tuyệt vời, với những hạt đậu trắng nõn cùng nước chè trong veo và mùi thơm nhẹ nhàng phảng phất.
Khi nếm thử qua, thực khách mới thấy trong sự thanh nhã ấy là đỉnh cao của nghệ thuật ẩm thực Huế bởi hương vị thanh khiết đến lạ lùng, đượm chút quyền quý và đài các mà chẳng dễ gì giải thích được.
Có lẽ điểm đặc biệt ấy chính là bí quyết của riêng người Huế khiến cho món chè này được lưu truyền đến bao đời sau.