Phân biệt các loại ong 

Ở Việt Nam có nhiều loại ong có thể gây độc tố chết người như ong vò vẽ, ong đất, ong bầu, ong mật và một số ong ở các vùng rừng núi.

Ong vò vẽ

Ong vò vẽ là loại ong có sọc vàng đen xen kẽ, thường làm tổ trong bụi cây, trên cành cây hoặc trên mái nhà. Loài ong này thường chỉ đốt người khi tổ của chúng bị phá hoặc bị đe dọa. Ong vò vẽ cái có kim đốt gắn với túi nọc độc. Khi đốt, kim của chúng có thể rút ra và chích nhiều lần cho đến khi hết nọc độc.

Ong đất

Ong đất có thân màu đen, chấm vàng, thường làm tổ ở bụi cây, trong đống cây mục hoặc dưới mặt đất. Ong có kích thước to, khi đốt không để lại ngòi. Một con ong đất có thể đốt nhiều mũi.

Ong bầu

Ong bầu chỉ đốt 1 lần duy nhất

Ong bầu chỉ đốt 1 lần duy nhất và bị chết sau khi đốt.

Ong bầu có hình dạng to tròn, có lông, bay chậm và phát ra tiếng ồn. Ngòi châm của loài ong này có ngạnh, khi đốt, ngòi độc cắm vào vật bị đốt và ong bị chết. Mỗi con chỉ đốt 1 lần.

Ong mật

Ong mật ngòi có hình răng cưa. Khi đốt người, ngòi cắm vào da, bị đứt và ở lại trong da.

Tác hại của việc bị ong đốt 

Khi bị ong đốt, nếu không được cấp cứu kịp thời, nạn nhân có thể tử vong ngay trong 30 phút đầu tiên. Nguy cơ tử vong không tùy thuộc vào lượng nọc độc và phản ứng của cơ thể.

Nọc độc của ong có chứa nhiều chất cực độc như melittin, apamine, phospholipase A2, phospholipases B, chất làm vỡ dưỡng bào, hyaluronidase, histamine, dopamine,... Trong đó, thành phần chủ yếu là melittin và phospholipase A2.

Trong các chất trên, chất làm vỡ dưỡng bào, hyaluronidase và histamine gây giãn mạch, tăng thoát dịch, làm cho chỗ đốt sưng, phù nề. Dopamin là các chất khiến cho nhịp tim đập nhanh khi nhiễm độc. Melittin là chất khiến người bị đốt có cảm giác đau, nguy hiểm hơn, đây là yếu tố gây ra tan máu và rối loạn đông máu.

Bị ong đốt có khả năng đe dọa tới mạng sống con người.

Bị ong đốt có khả năng đe dọa tới mạng sống con người.

 

Apamin là một chất thành phần có khả năng làm làm tê liệt hoạt động của hệ thần kinh và hoạt động cơ, thậm chí gây liệt cơ hô hấp, liệt thần kinh và tử vong. Hai thành phần apamin và melittin trong nọc độc ong được xem là độc nhất và gây nguy hiểm đến tính mạng.

Nguyên nhân bị ong đốt 

Loài ong thường không tự nhiên tấn công con người trừ khi chúng cảm thấy bị đe dọa. Thông thường những người bị ong đốt thường do: 

- Chọc phá tổ ong: Các loài ong sẽ tấn công người khi con người có những hành động như ném, dùng que chọc quấy chúng.

- Không mặc đồ bảo hộ khi lấy mật ong, nuôi ong: Khi có sơ suất hoặc không mặc đồ bảo hộ, những người nuôi ong và lấy mật ong rất dễ bị ong tấn công.

- Mặc quần áo màu sặc sỡ, xịt nước hoa, dùng mỹ phẩm khi đi vào rừng hay đi dã ngoại rất dễ thu hút đàn ong.

Cách phòng tránh ong đốt 

- Căn dặn trẻ em tuyệt đối không đến gần, trêu ghẹo, ném, chọc phá tổ ong.

- Thường xuyên vệ sinh, phát quang bụi rậm quanh nhà để tránh ong làm tổ.

Người nuôi ong lấy mật cần có quần áo bảo hộ đầy đủ và kỹ càng.

Người nuôi ong lấy mật cần có quần áo bảo hộ đầy đủ và kỹ càng.

- Những người nuôi ong, lấy mật ong nhất thiết phải có trang phục bảo hộ.

- Tránh mặc quần áo sặc sỡ, sử dụng nước hoa, mỹ phẩm khi đi vào rừng hay đi dã ngoại.

- Khi bị ong tấn công, cần nhanh chóng trùm kín mặt và các phần da bị hở. Nếu có ao nước mà biết bơi lặn xuống nước để tránh bị ong tấn công. Có thể dùng nùi rơm hoặc giẻ tẩm dầu đốt có nhiều khói để xua tổ ong đi nơi khác.

Khánh Nguyễn (tổng hợp)/ Theo Ngay Nay Online