Được biết đến là một trong những hãng sữa nổi tiếng thế giới, nhưng đây không phải lần đầu tiên sữa của Abbott bị tố kém chất lượng tại Việt Nam. Điều đáng nói là Công ty TNHH dinh dưỡng 3A - đơn vị trực tiếp độc quyền nhập khẩu phân phối luôn tìm cách im lặng trong hầu hết các vụ việc từ trước tới nay, để mặc mọi sự vụ dần chìm vào quên lãng, ảnh hưởng tới quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Những phản hồi "phát hãi" về sữa Abbott tại Việt Nam
Mới đây, ngày 9/3/2020, phản ánh tới báo chí, chị N.T.B.L (136 Hồ Tùng Mậu, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, chị mới mua 02 hộp sữa Similac Eye – Q3, loại 900 gr tại một đại lý bán sữa ở Yên Hoà - Cầu Giấy. Hai hộp sữa còn nguyên tem, mác; ngày sản xuất 24/5/2019, hạn sử dụng 24/5/2021.
Sữa bị vón cục cứng, to, có màu và mùi lạ khi vẫn còn hạn sử dụng
Sau khi sử dụng hết gần ½ hộp, chị L. phát hiện nửa hộp sữa còn lại có vấn đề về chất lượng. Sữa có dấu hiệu bị vón cục cứng, to, có màu và mùi lạ.
Trước đó, ngày 23/2/2016, anh Nguyễn Hữu Nam ngụ Bạch Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội có mua một hộp sữa PediaSure BA loại 1,6 kg. Khi anh Nam pha sữa cho con uống thì bất ngờ phát hiện trong cốc sữa có hạt vẩn đen nổi trên bề mặt. Anh nghĩ do cốc chưa rửa sạch nên đem cốc đi rửa và dùng nước sạch để pha lại thì vẫn có những hạt đen nhỏ li ti lẫn với bột sữa, khi pha thì nó nở ra và nổi lên - Pháp luật Plus đưa tin.
Khoảng 2 tháng sau, chị P.T cho biết, chị có mua 2 hộp sữa Ensure tại đại lý N.S ở Văn Miếu, khi về đến nhà, vì cẩn thận nên chị đã kiểm tra sữa trước khi cho con uống thì phát hiện sữa có hiện tượng mốc đen trong khi hạn sử dụng in trên hộp là tận tháng 2 năm 2017.
Không dừng lại ở đó, ngày 14/9/2015, chị Nguyễn Thị Bích Thủy (Quận Bình Tân, TP HCM) phản ánh trên báo Kiến thức để tố về chất lượng của sữa Grow School G-Power 6+ của Abbott có vấn đề. Trên sản phẩm có ghi rõ hạn sử dụng đến ngày 7/4/2017, nhưng khi sử dụng hết 2/3 hộp thì phát hiện sữa không tan hết mà nổi váng lên dù đã được pha bằng nước ấm. Tiếp tục khuấy đều sữa thì phát hiện có rất nhiều dị vật giống sâu nhỏ có chiều dài khoảng 5mm nổi lên.
Tương tự ngày 16/12/2013, chị Nguyễn Ngọc Vân (phường 8, Q.11, TP HCM) có mua một thùng sữa pha Abbott Grow dành cho trẻ 3 tuổi nhưng sau đó cũng phát hiện sữa có cục vón – theo VTC News.
Tháng 10/2012, báo Pháp luật Việt Nam đưa tin, ông Nguyễn Văn Linh (tổ 31, phường Hoàng Văn Thụ, TP Thái Nguyên) mua 2 hộp sữa Ensure Gold, trọng lượng 53,8g. Tuy nhiên, khi mở hộp sữa khách hàng này tá hỏa khi phát hiện có sinh vật lạ bò lổm ngổm trong sữa.
Sau đó 1 tháng, chị Nguyễn Bích Ngọc (ở số nhà 172, phố Kim Hoa, tổ 1, phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội) mua 5 lon sữa Ensure loại 237 ml và đã uống hết 3 lon. Tuy nhiên, đến ngày 20/12/2012, chị mở tiếp 2 lon thì phát hiện mùi rất khó chịu, kiểm tra thì thấy sữa vón cục... trong khi hạn sử dụng vẫn còn - theo Đời sống & Pháp luật.
Theo Gia đình Việt Nam, ngày 9/7/2012, chị Vũ Thị Hương (ở số 129 đường Phan Chu Trinh, phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) cho biết con chị sau khi uống sữa bột PediaSure BA (của Abbott, Hòa Kỳ) đã nôn ra sữa kết tủa như bã đậu nành.
Trước đó, chia sẻ với báo chí, TS.BS Trương Hồng Sơn, Phó Tổng thư ký Tổng Hội Y học Việt Nam - Viện Trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, cho biết: “Với các loại sữa bột dù là sữa dành cho bé hay người lớn thì khi xuất hiện các dấu hiệu lạ như sữa vón cục, màu sắc thay đổi bất thường, có mùi không thơm…thì nhiều khả năng sữa sẽ không sử dụng được nữa, vì có thể nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí còn đe dọa đến tính mạng.
Sử dụng sữa bị vón cục, rất dễ bị vi khuẩn xâm nhập, ví dụ như vi khuẩn Clostridium botulinum. Nếu bị nhiễm vi khuẩn này, trong vòng từ 6 – 8 tiếng sẽ có những biểu hiện mơ màng, táo bón, tiêu chảy, buồn nôn, với trẻ nhỏ sẽ kèm theo khó bú, khó nuốt, khóc yếu.
Hệ tiêu hoá của trẻ còn yếu, do vậy, nếu uống phải sữa đã bị thay chất lượng có thể sẽ bị rối loạn tiêu hoá, tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm, nôn mửa.. Những tình trạng này nếu không xử lý đúng cách sẽ gây mất nước và chất điện giải, và có thẻ dẫn đến các biến chứng khác như nhiễm trùng toàn thân gây nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não".
Ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng
Liên tiếp để xảy ra những sự việc đáng tiếc về chất lượng sản phẩm, tuy nhiên cho đến thời điểm này, đa phần Công ty dinh dưỡng 3A - đơn vị nhập khẩu phân phối sản phẩm sữa Abbott đều chọn phương án im lặng cho đến khi sự việc qua đi, điều này trực tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Căn cứ theo Điều 8, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định, người tiêu dùng có 8 quyền cơ bản sau đây:
1. Được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.
2. Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng.
3. Lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch và các nội dung thỏa thuận khi tham gia giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
4. Góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và nội dung khác liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
5. Tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
6. Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.
7. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
8. Được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.
Người tiêu dùng có thể khiếu nại theo các cách thức và tới các cơ quan, tổ chức sau:
1. Gọi điện đến tổng đài tư vấn, hỗ trợ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 1800.6838 (miễn phí cước cuộc gọi) để được hướng dẫn, tư vấn cho người tiêu dùng cách thức khiếu nại, giải quyết khiếu nại, ngoài ra tổng đài còn tư vấn chính sách và các quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và cạnh tranh ở Việt Nam; tư vấn cho người tiêu dùng cách thức tiêu dùng thông minh.
2. Khiếu nại trực tiếp đến tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ mà mình đã mua hoặc sử dụng.
3. Thông qua các Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng, các Văn phòng khiếu nại của người tiêu dùng ở địa phương để khiếu nại đến tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hoặc khiếu nại lên các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
4. Khởi kiện vụ việc ra cơ quan toà án có thẩm quyền để yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật trong trường hợp có đủ căn cứ xác đáng và tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh không giải quyết thỏa đáng quyền lợi hợp pháp của mình.
5. Khiếu nại trực tiếp lên các cơ quan quản lý nhà nước: Sở Thương mại hoặc Sở Công thương các tỉnh, thành phố; Cục Quản lý cạnh tranh; Các cơ quan chuyên ngành có liên quan (Cục Quản lý thị trường, Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm, Cục Xúc tiến thương mại…).
Một thương hiệu sữa được quảng cáo nhập khẩu từ nước ngoài, quy trình sản xuất đạt chuẩn châu Âu, kèm theo đó là giá thành cao hơn rất nhiều so với sữa nội địa. Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn khác, những sản phẩm sữa do Công ty dinh dưỡng 3A nhập khẩu lại liên tiếp bị tố không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như việc quản lý kém chất lượng, quy trình sản xuẩt sản phẩm không chặt chẽ. Phải chăng, công ty 3A đang “mượn danh” thương hiệu sữa nhập khẩu theo chuẩn công nghệ Châu Âu (Abbott) để tự cho mình quyền được im lặng và thể hiện thái độ không “cầu thị” đối với những người đang được cho là “thượng đế” của mình.