Trao nhầm trẻ sơ sinh là sự cố y khoa nghiêm trọng

Hình minh họa
Hình minh họa

Thông tư 43/2018/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn phòng ngừa sự cố y khoa trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, có hiệu lực từ ngày 1/3/2019.

Theo đó, Bộ Y tế vừa thống kê Danh mục sự cố y khoa nghiêm trọng, trong đó trao nhầm trẻ sơ sinh được xếp là sự cố nghiêm trọng liên quan đến quản lý người bệnh.

Sự cố nghiêm trọng liên quan đến chăm sóc tại cơ sở khám, chữa bệnh bao gồm các sự cố như: Sản phụ tử vong hoặc di chứng nghiêm trọng liên quan đến quá trình chuyển dạ, sinh con…

Khi phát hiện ra sự cố y khoa, nhân viên y tế có trách nhiệm xử lý ngay để đảm bảo an toàn cho người bệnh.

Môi giới con nuôi dưới 16 tuổi có thể bị xử lý hình sự

Theo Nghị quyết 02/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự, hành vi môi giới con nuôi dưới 16 tuổi thuộc các trường hợp sau sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội mua bán người dưới 16 tuổi:

- Biết mục đích của người nhận nuôi con nuôi dưới 16 tuổi là để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể, bán cho người khác hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác nhưng vẫn chuyển giao nạn nhân để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác.

- Lợi dụng việc cho nhận con nuôi để tiếp nhận con nuôi là người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể…

Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 15/3/2019.

Tập thể dục, thể thao 3 lần/tuần được coi là thường xuyên tập luyện

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư 01/2019/TT-BVHTTDL quy định về đánh giá phong trào thể dục, thể thao quần chúng.

Theo đó, Thông tư đề ra một số tiêu chí đáng chú ý như sau:

- Người tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên là người tập luyện mỗi tuần ít nhất 03 lần; mỗi lần tập luyện ít nhất 30 phút;

- Gia đình thể thao là hộ gia đình có tổng số thành viên tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên chiếm từ 50% trở lên tổng số thành viên trong gia đình…

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 5/3/2019.

Ngoài ra, trong tháng 03/2019, sẽ có nhiều quy định mới liên quan đến quản lý và bảo trì công trình đường thủy nội địa; danh mục bổ sung giống cây trồng được phép sản xuất ở Việt Nam; quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước…

Quy định mức tiền thưởng phòng chống tội phạm

Quyết định 04/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập, quản lý và sử dụng quỹ phòng chống tội phạm có hiệu lực từ ngày 10-3. Theo đó, quỹ phòng chống tội phạm trung ương được sử dụng để: Thưởng đột xuất bằng tiền cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống tội phạm và ma túy.

Mức tiền thưởng cụ thể cho từng trường hợp cá nhân, tập thể do Bộ trưởng Bộ Công an quyết định tối đa đối với cá nhân là 5 triệu đồng/người/lần khen thưởng và tối đa đối với tập thể là 20 triệu đồng/tập thể/lần khen thưởng; hỗ trợ tiền đền bù, trợ cấp đột xuất đối với gia đình và người trực tiếp tham gia phòng chống tội phạm và ma túy bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản. Mức chi thực hiện theo quy định tại Nghị định số 103/2002/NĐ-CP.

Người ký kết quả xét nghiệm phải có trình độ đại học trở lên

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Thông tư 49/2018/TT-BYT hướng dẫn hoạt động xét nghiệm trong khám bệnh, chữa bệnh, người ký kết quả xét nghiệm phải có trình độ đại học trở lên.

Cụ thể, trưởng khoa xét nghiệm sẽ là người trực tiếp ký kết quả xét nghiệm hoặc nếu phân công bác sỹ chuyên khoa, kỹ thuật viên xét nghiệm ký kết quả xét nghiệm thì người đó phải có trình độ đại học trở lên.

Ngoài ra, Thông tư yêu cầu các khoa, phòng, trung tâm hoạt động xét nghiệm cần đảm bảo an toàn xét nghiệm và vệ sinh lao động.

Đặc biệt các khoa, phòng, trung tâm xét nghiệm cần phối hợp với các khoa lâm sàng và khoa khám bệnh tổ chức công tác lấy, tiếp nhận mẫu bệnh phẩm, công tác thường trực xét nghiệm và phòng chống dịch liên tục 24 giờ/ngày.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/3/2019.

Sinh viên cao đẳng phải học 120 giờ môn Tiếng Anh

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 03/2019/TT-BLĐTBXH về chương trình học môn Tiếng Anh trong trường trung cấp, cao đẳng.

Theo đó, sinh viên cao đẳng phải học Tiếng Anh với thời gian là 120 giờ/khóa học; sinh viên cao đẳng khi tốt nghiệp phải đạt trình độ năng lực ngoại ngữ bậc 2/6 theo Khung năng lực ngoại ngữ.

Ngoài ra, Thông tư còn quy định 02 trường hợp được miễn học và thi Tiếng Anh gồm:

- Có chứng chỉ Tiếng Anh bậc 2 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;

- Có chứng chỉ Tiếng Anh tương đương cấp độ A2 trở lên theo Khung tham chiếu chung Châu Âu do các tổ chức nước ngoài cấp.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/3/2019.

K.N (th)

Theo Giadinh.net.vn