Bắt đầu từ ngày 1/1/2016, nhiều quy định mới về tăng lương bắt đầu có hiệu lực thi hành. Cụ thể:
Tăng lương tối thiểu vùng
Theo Nghị định 122/2015/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với doanh nghiệp từ ngày 1/1/2016 như sau:
- Vùng I: 3.500.000 đồng/tháng (tăng 400.000 đồng so với Nghị định 103/2014/NĐ-CP ).
- Vùng II: 3.100.000 đồng/tháng (tăng 350.000 đồng so với Nghị định 103).
- Vùng III: 2.700.000 đồng/tháng (tăng 300.000 đồng so với Nghị định 103).
- Vùng IV: 2.400.000 đồng/tháng (tăng 250.000 đồng so với Nghị định 103).
Vùng I bao gồm Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu. Vùng II bao gồm Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Khánh Hoà, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, An Giang, Cần Thơ, Cà Mau. Vùng III là các tỉnh, thành phố Hà Tây, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Huế, Bình Định, Gia Lai, Đắc Lắc, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận, ĐồngTháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu. Vùng IV là các tỉnh còn lại. |
Tăng lương cơ sở
Theo Nghị quyết 99/2015/QH13 ngày 11/11/2015 của Quốc hội, lương cơ sở sẽ chính thức tăng từ ngày 1/5/2016.
Cụ thể:
- Tăng mức lương cơ sở từ 1.150.000 đồng/tháng lên 1.210.000 đồng/tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, bảo đảm thu nhập của đối tượng có hệ số lương từ 2,34 trở xuống không giảm so với mức đang hưởng.
- Lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công, tiếp tục giữ mức đã tăng 8% như đã thực hiện năm 2015.
Tăng lương khác
Thực hiện điều chỉnh tiền lương đối với người có mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động dưới 2.000.000 đồng/tháng và trợ cấp đối với giáo viên mầm non có thời gian công tác trước năm 1995 để lương hưu của các đối tượng này đạt mức lương cơ sở.
Thời điểm thực hiện là từ ngày 1/1/2016.