Bị tố “ăn cắp” tiền
Chẳng lạ gì khi Vinaphone bị rất nhiều khách hàng tố trừ tiền ngẫu nhiên trong tài khoản dù thuê bao không thực hiện giao dịch nào.
Mới đây nhất là trường hợp của anh Nguyễn Văn Tùng (Hưng Yên) đã phản ánh trên báo Nông nghiệp về việc thuê bao của mình tự động thực hiện những cuộc gọi ma với cước một lần gọi là 2.727 đồng + VAT là hơn 3.000 đồng.
Đến khi gọi lên tổng đài thì được nhân viên cho biết, thuê bao của anh đã đăng ký 2 dịch vụ. và ngay sau đó cũng tự hủy dịch vụ thay anh.
“Tổng đài viên nói rằng mỗi ngày Vinaphone gửi hàng trăm tin nhắn quảng cáo kiểu như thế này cho khách hàng, Vinaphone không có trách nhiệm về việc này…” Anh Tùng vẫn đang rất bức xúc vì thực tế anh không hề soạn tin để đăng ký một dịch vụ nào cả.
Trường hợp của anh Phan Chinh cũng vậy. Anh phát hiện thuê bao của mình thực hiện những cuộc gọi ma và cước phí lên đến 1.818 đồng/cuộc gọi.
Điều đáng nói, khi dùng số máy khác để gọi vào số điện thoại kia thì được nhà mạng thông báo ““Số máy quý khách vừa gọi không đúng, xin vui lòng kiểm tra lại”. Vậy, ai đã thực hiện những cuộc gọi ma này từ thuê bao của khách hàng?
Cuộc gọi ma còn có thể dễ phát hiện nhưng những dịch vụ đăng ký tự động thì hầu như các khách hàng không hề chú ý. Chính vì vậy, dường như rất nhiều khách hàng đã bị "móc túi" mà chẳng hay biết.
Khách hàng có tên Lê Long Nghĩa đã phát hiện tài khoản của mình tự đông đăng ký dịch vụ của Gameloft từ tháng 10/2015 với cước phí 10.000 đồng/tuần. Đến khi anh phát hiện thì tài khoản đã bị trừ 1.300 ngàn đồng trong 130 tuần.
Điều đáng nói, khi phát hiện anh đã gọi lên tổng đài của Vinaphone nhưng cũng không được giải quyết thỏa đáng và dứt điểm.
Năm 2016, ca sĩ Phan Đình Tùng cũng đã ra mặt để “vạch mặt” chiêu trò trừ tiền của các nhà mạng khi hướng dẫn người hâm mộ cách kiểm tra thuê bao có đăng ký những dịch vụ “trời ơi đất hỡi” hay không.
Theo ca sĩ này thì hầu như thuê bao nào cũng bị nhà mạng cài cắm để dùng các dịch vụ một cách ngẫu nhiên và tất nhiên sẽ bị trừ tiền hàng tháng mà không hề hay biết.
Sau vụ việc này, rất nhiều thuê bao đã bức xúc và đại diện của nhà mạng cho rằng, do khách hàng click vào link ảo nên sẽ tự động đăng ký dịch vụ.
Liên tiếp “sập mạng”
Chuyện khách hàng của Vinaphone bỗng dưng bị khóa liên lạc xảy ra như “cơm bữa”.
Cụ thể, sáng 19/3 vừa qua, hàng loạt khách hàng ở TP.HCM đã la ó vì bỗng dưng gặp sự cố gián đoạn liên lạc dù họ không nợ cước và thanh toán tiền đầy đủ.
Nhà mạng cũng không hề thông báo về việc này và cho rằng do lỗi kỹ thuật trong quá trình nâng cấp hệ thống.
Trước đó, Vinaphone cũng đã phải công khai xin lỗi vì để sập hệ thống mạng trong nhiều giờ liền ở khu vực Cần Thơ và một số tỉnh miền Tây.
Mạng chậm như “rùa”, thu cước nhập nhèm
Không chỉ nhiều thuê bao điện thoại kêu ca mà những khách hàng sử dụng gói internet VNPT của Vinaphone cũng liên tục kêu ca về chất lượng dịch vụ đường truyền.
Rất nhiều khách hàng đã nổi đóa vì tốc độ “rùa bò” của mạng này trong khi các mạng khác khá ổn. Không chỉ từ đôi lần sự cố đứt cáp quang mà còn rất nhiều lần nhà mạng VNPT chập chờn.
Năm 2017, VNPT lại dính vào vụ lùm xùm khi thu phí dịch vụ Internet đến 2 lần. Dù ông H. (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết đã đóng tiền nên vì làm mất hóa đơn nên ông vẫn phải đóng lần nữa.
Trước đó, khách hàng cũng đã bị VNPT bất ngờ cắt dịch vụ không báo trước với lý do 'cháu đến thu tiền nhưng nhà chú không có ai ở nhà'.
Sau khi lời qua tiếng lại và ông H. khiếu nại nhiều lần, phía bên VNPT đã cho rằng do lỗi của nhân viên sơ suất dẫn đến sai sót này.