Mùa đông cần ăn nhiều rau củ quả. Ảnh: T.L
Mặc đủ ấm, tránh diện váy ngắn ra đường
Nhiều bạn trẻ chê bai nhau mặc nhiều lớp áo trông “quê” và không đẹp mắt. Nhiều phụ nữ vẫn diện váy ngắn, đi tất mỏng, phóng xe máy trong thời tiết giá lạnh, mưa gió, rét buốt – như thế không tốt cho sức khỏe, rất dễ cảm lạnh, cảm cúm, suy giảm hệ thống miễn dịch… Lạnh giá gây nhiều phản ứng cho cơ thể, thận tinh yếu đi, dễ sinh bệnh… nên cần có biện pháp giữ ấm cơ thể đúng cách, giữ tinh thần thoải mái và yên tĩnh để hạn chế thận tinh bị phát tiết và tiêu hao quá nhiều.
Những ngày mưa dầm, gió bấc, giá lạnh của mùa đông mọi người cần giữ ấm cơ thể. Diện thời trang vẫn chú ý giữ ấm đầu, cổ, tai, bụng, eo hông, chân, tay, bàn chân… - những nơi dễ nhiễm lạnh làm ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng khác.
Bổ sung dưỡng chất bằng ăn uống
Ngày đông tháng giá tránh ăn uống thất thường, ăn nhiều thực phẩm tính hàn, đồ đông lạnh vì như vậy hàn khí dễ thâm nhập, khiến nội tạng bị suy yếu, dễ tổn thương, rối loạn trao đổi chất, lâu ngày sinh ra các bệnh mãn tính khiến lúc nào cũng mệt mỏi, thiếu sức sống, nhiều bệnh vặt.
Quan trọng nhất là bổ dưỡng, ăn uống khoa học, đủ bữa, đủ dinh dưỡng bồi bổ lục phủ ngũ tạng, giữ ấm cơ thể. Nhiều thực phẩm có tác dụng làm ấm cơ thể, nhưng không quá lạm dụng các món quá cay, nóng vì gây nóng trong, làm mất cân bằng cơ thể, cản trợ hệ tiêu hóa. Tăng cường các thực phẩm ấm nóng, giàu năng lượng, ăn khi còn nóng để giữ ấm cơ thể, tăng nhiệt lượng, nâng cao sức chịu rét, bảo vệ hệ thống miễn dịch tốt hơn.
Phụ nữ yếu, khí huyết dễ hư hàn, dễ nhiễm bệnh hơn phái mạnh càng cần bồi bổ khí huyết bằng ăn uống.
Các món nâng cao sức chịu rét:
Thực phẩm có tác dụng bồi bổ như canh thịt dê nấu với địa hoàng - tăng cường sức khỏe cho thận, bổ cả âm dương.
Các món bổ thận (thịt cừu, dê hầm, nhúng tái, canh gà, thịt vịt, thịt bò…) để bổ sung dinh dưỡng, nhiệt lượng cho cơ thể.
Canh xương bò hầm câu kỉ tử và cà rốt – tốt cho mọi đối tượng.
Các món ăn có gia vị như gừng, tỏi... cũng giúp giữ ấm cơ thể rất tốt.
Các món bổ thận khác là:
Vỏ đỗ xanh, hoặc đậu xanh nấu nước uống thay trà.
Mộc nhĩ đen và mộc nhĩ trắng mỗi loại 15g, ngâm nở mềm, nấu ăn cho chút đường vào khi ăn.
Món cá diếc hồng trà: Hồng trà 15g, cá diếc 1 con. Sơ chế cá sạch, nhét hồng trà vào bụng cá, nêm gia vị, đổ nước hầm nhừ, ăn cá uống nước khi nóng.
Tăng cường ăn các thực phẩm như vừng đen, mộc nhĩ, gạo cẩm, đậu đen, quả óc chó, hẹ, tôm... để dưỡng thận, tăng cường khí huyết và thận tinh.
Trẻ em ngoài ăn đủ 4 nhóm (tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất), cần tăng cường dưỡng chất, hoa quả để bổ sung vitamin, nâng cao sức đề kháng.
Người già dễ bị đột quỵ, tăng huyết áp… cần kiểm soát huyết áp, tránh uống rượu bia, ăn thức ăn ít mỡ, ăn nhiều bữa/ ngày, thức ăn mềm, dễ tiêu (cháo, súp, sữa, bột dinh dưỡng), ăn nhiều rau quả tươi, uống các vitamin tổng hợp, đặc biệt là vitamin C để cung cấp đủ năng lượng, nhiệt lượng. Uống thêm các loại thuốc đông dược bổ thận (bổ cốt chỉ, nhục thung dung, nhục quế, tử hà xa, đỗ trọng, nhân sâm, sâm nhung phiến, hải mã bổ thận hoàn, tam thận hoàn…).
Người dân cần uống nhiều nước dưỡng thận để chất độc không tích tụ ở thận. Luôn cần uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh.
Hoạt động thể lực vừa phải, hạn chế vận động mạnh để bảo vệ nguyên khí
Thời tiết lạnh làm tiêu hao nguyên khí cơ thể, nếu hoạt động mạnh, hay luyện tập quá sức sẽ càng làm giảm sụt nguyên khí. “Nguyên khí” tốt thì ngoại tà khó thâm nhập, có đủ nguyên khí trong cơ thể là cách dưỡng sinh tự nhiên và tốt nhất. Nên nhờ bác sĩ chuyên môn tư vấn cách dưỡng sinh khoa học, các bài tập vừa sức, nhẹ nhàng hơn ngày thường (như yoga, đi bộ, đánh cầu…) để không bị tổn hao nguyên khí, giữ ấm, duy trì sức khỏe sự dẻo dai, tươi vui, yêu đời.
Vài cách dưỡng sinh đơn giản, hiệu quả:
Xoa xát eo lưng: Đặt 2 ngón tay vào vùng thắt lưng rồi xoa xát tới nóng lên để thông kinh lạc, hành khí hoạt huyết, khỏe lưng, bảo vệ thận hiệu quả.
Luôn mát xa bàn chân bằng cách dùng lòng bàn tay chà xát nhanh cho đến khi cảm thấy nóng là được. Mỗi buổi tối 100 lần, nhằm kích thích một số huyệt vị giảm bớt lạnh chân.
Ngoài ra cần nghỉ ngơi khoa học, duy trì thói quen ngủ sớm, dậy sớm để bảo vệ sức khỏe (tránh thức khuya khiến cơ thể mệt mỏi, lao lực, thận tinh bị ảnh hưởng…). Tránh táo bón, nhịn tiểu để bảo vệ thận. Tránh làm việc lao lực, điều tiết chuyện phòng the để hạn chế tổn thương khí huyết và tinh lực. Dùng thuốc Tây hay Đông y đều ảnh hưởng đến thận, cần theo y lệnh của bác sĩ.
Xử trí khi bị cảm lạnh
Khi dầm mưa, đi ngoài trời lạnh thấy ớn lạnh dọc xương sống, nhức đầu, mệt mỏi uể oải, sợ lạnh, đầy bụng, có khi đi tiêu phân lỏng, có sốt nhẹ, bủn rủn chân tay... là có thể đã bị cảm lạnh. Cần giải cảm như sau:
-1 củ gừng tươi 15-20g, rửa sạch, thái lát, đổ 100 ml nước đun sôi 20 phút, thêm đường và uống nóng.
- Đánh gió bằng gừng tươi giã nhỏ, trộn với tóc rối, bọc vào miếng vải thưa, đánh xuôi từ trên xuống (tránh các hạch bạch huyết ở mang tai, nách, háng, trong khuỷu tay, khoeo chân) sẽ nhanh giải cảm.
Nếu triệu chứng cảm lạnh không giảm, lại có nóng sốt cao, đau họng, nôn ói… cần đưa bệnh nhân tới bệnh viện sớm.
Lưu ý sau khi giải cảm cách nào thì cũng tránh ra gió kẻo khí lạnh xâm nhập rất không tốt. Cần chăm sóc tốt, ăn uống tốt để tăng sức đề kháng, giữ ấm cơ thể chống các biến chứng, nhiễm trùng cơ hội...
-Trẻ em cần được chăm sóc hơn, nhưng không nên kiêng khem quá kỹ cho trẻ.
Hoàng Xuân Đại (Nguyên Bác sĩ Học viện Quân y)