Năm 2020, ngành nông nghiệp Thủ đô đặt mục tiêu tăng trưởng trên 4,04%, góp phần vào tăng trưởng kinh tế chung của toàn TP. Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi ngành nông nghiệp phải có quyết tâm cao cùng những giải pháp đúng và trúng.

 Gặt lúa bằng máy ở Thạch Thất. Ảnh: Phương Nga

Lấy đà từ những điểm sáng

Do chịu tác động kép bởi dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thiên tai, cùng lúc dịch Covid-19 bùng phát đã khiến tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp Thủ đô trong quý I/2020 giảm 1,17% so với cùng kỳ. Tuy tăng trưởng âm song nhìn lại, ngành nông nghiệp Thủ đô vẫn có nhiều điểm sáng đáng ghi nhận. Trong đó nuôi trồng thủy sản tăng 7,3% so với cùng kỳ 2019. Hiện, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn TP là 22.400ha, sản lượng quý I/2020 đạt 27.000 tấn. Đặc biệt, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch cúm gia cầm nhưng thời điểm này, tổng đàn gia cầm của toàn TP đã đạt 35 triệu con, tăng 6 triệu con so với cùng kỳ 2019. Ngoài ra, đàn trâu hiện đạt 24.300 con, tăng 1,25%; đàn bò 130.000 con, tăng 0,78%... Đây được xem là những lợi thế để Hà Nội tập trung khai thác cho mục tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp.

Sở NN&PTNT Hà Nội đã xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng cho ngành. Cụ thể, kịch bản 1 phấn đấu giá trị sản xuất nông, lâm thủy sản tăng 4,12%; kịch bản 2 phấn đấu tăng 3,99%; kịch bản 3 đặt mục tiêu tăng 3,69%.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Trần Quang Khuyên cho biết, Ba Vì đặt mục tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp trong năm 2020 đạt trên 6%. Thời điểm này, hơn 6.519ha lúa và cây màu vụ Xuân trên địa bàn huyện sinh trưởng và phát triển tốt, hứa hẹn sẽ cho vụ mùa bội thu. Cũng đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn so với mức tăng trưởng chung của TP, huyện Ứng Hòa quyết tâm tăng trưởng nông nghiệp trên 9% trong năm 2020. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn, mục tiêu này huyện có căn cứ để hoàn thành. Bởi trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp huyện luôn tăng bình quân 5 - 6%. Năm nay, ngoài thế mạnh cây lúa, ngành chăn nuôi của huyện cũng có bước tăng vượt bậc, trong đó đàn trâu tăng 22,8%, đàn gia cầm tăng 28,3%, sản lượng thủy sản tăng 6,05%...

Đồng bộ giải pháp

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc bảo đảm mục tiêu tăng trưởng của ngành nông nghiệp, Hà Nội đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, giải pháp trước mắt là bảo đảm sản xuất an toàn. Theo đó, TP sẽ hỗ trợ 50% chi phí thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh trên các loại cây trồng; hỗ trợ bổ sung thêm thuốc diệt chuột vụ Mùa và vụ Đông. Đối với phòng bệnh trên gia súc, gia cầm, Sở NN&PTNT đề xuất TP hỗ trợ 100% kinh phí mua vaccine cho đối tượng gia cầm sinh sản, hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh…

Bên cạnh đó, để khuyến khích người dân mở rộng sản xuất vụ Hè Thu và vụ Đông, hạn chế tối đa tình trạng ruộng bỏ hoang, TP sẽ hỗ trợ 100% giống, 50% phân bón, 100% công hướng dẫn kỹ thuật cho sản xuất đậu tương giống; hỗ trợ 1.000ha đậu tương thương phẩm với mức hỗ trợ 50% giống và 2 triệu đồng/ha phí làm đất.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, TP sẽ hỗ trợ 30% kinh phí đầu tư bò giống sinh sản. Đặc biệt, để đạt mục tiêu nâng tổng đàn lợn lên 1,8 triệu con trong năm 2020, TP sẽ hỗ trợ 30% kinh phí mua lợn nái bố mẹ (trong nước) cho các cơ sở sản xuất giống lợn trên địa bàn (mức hỗ trợ không quá 5 triệu đồng/con, số lượng 5.000 con); hỗ trợ 3 triệu đồng/con cho các cơ sở nuôi lợn nái sử dụng tinh nhân tạo; hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay trong thời gian 6 tháng để người dân mua giống tái đàn. Song song với đó, Sở NN&PTNT Hà Nội cũng tập trung xây dựng mô hình chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại.

Theo Kinh tế & Đô thị