Ngành Nông nghiệp tăng trưởng mạnh 9 tháng đầu năm
Nông nghiệp vốn là ngành nghề chủ đạo của Việt Nam. Thời gian dịch bệnh ngành này bị chững lại khi hoạt động xuất nhập khẩu bị tắc nghẽn. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Việt vẫn xứng đáng được khen ngợi khi đã có tăng trưởng khá ấn tượng trong những tháng qua.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tăng trưởng GDP của ngành nông nghiệp trong quý III đạt mức 2,93%, cao hơn quý I và II và lũy kế 9 tháng đầu năm đạt mức 1,84%.
Kim ngạch xuất khẩu nông sản sang các nước khác đều tăng, ngoại trừ Trung Quốc giảm 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Mỹ là thị trường chiếm thị phần lớn nhất. Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng vào nước này đạt trên 7,5 tỷ USD.
Trong 9 tháng đầu năm nhiều mặt hàng xuất khẩu giảm nhưng gạo, rau, sắn, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ, quế, mây tre vẫn duy trì giá trị xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 3 quý đạt 8,48 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ 2019. Xuất khẩu mặt hàng này tăng mạnh ở các thị trường như: Hoa Kỳ tăng 26,1%; Trung Quốc tăng 10,6%; Canada tăng 10,3%...
Xuất khẩu gạo cũng tăng cao, đạt hơn 5 triệu tấn trong 3 quý đầu năm, tăng 11,8% về giá trị so với cùng kỳ 2019. Đặc biệt là giá trị xuất khẩu gạo ở các nước khu vực châu Á đều tăng hơn những năm trước.
Đối với ngành thủy sản, trong 2 quý đầu năm vẫn giữ vững mức ổn định không tăng nhưng sang đến quý 3 thì ngành lại tăng vượt, nhất là lĩnh vực tôm chiếm tỉ trọng chi phối. Trong tháng cuối cùng của quý 3 kim ngạch xuất khẩu ngành thủy sản đạt 790 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Con số này có thể chưa nhiều nhưng trong điều kiện dịch bệnh, các ngành khác bị chững lại và nền kinh tế toàn thế giới bị chững lại thì cũng đã là một tín hiệu mừng đối với lĩnh vực xuất khẩu của nước nhà.
Một số ngành giảm nhẹ về giá trị xuất khẩu, như điều giảm 4% nhưng lại tăng về khối lượng. Cà phê giảm cả về khối lượng lẫn giá trị. Những mặt hàng này giảm cũng là điều dễ đoán bởi hạt điều hay cà phê không phải là sản phẩm thiết yếu, không thể thay thế trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp.
Tuy nhiên, nhìn chung toàn cảnh ngành nông nghiệp vẫn ấn tượng hơn các ngành khác trong năm qua khi chiều sâu kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh.
Nỗ lực bằng cách khẳng định thương hiệu Việt
Có tăng trưởng ấn tượng như trên đến từ nhiều nguyên nhân. Đầu tiên nhờ Hiệp định Thương mai tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 01/08/2020. Hiệp định EVFTA không chỉ mang đến cơ hội về tăng trưởng xuất khẩu mà còn giúp cho ngành nông nghiệp đẩy mạnh tái cơ cấu, góp phần đưa hàng hóa nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngay sau khi hiệp định được thực thi, thuế của các mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu giảm xuống thấp khiến nhiều doanh nghiệp được hưởng lợi. Đặc biệt từ nay đến cuối năm, nhiều doanh nghiệp đã kín đơn hàng.
Vừa qua, chúng ta chứng kiến các lô xuất khẩu nông sản sang EU tận dụng ưu đãi theo Hiệp định EVFTA như các lô hàng: 30 tấn sản phẩm tôm đông lạnh (ngày 11/09); 100 tấn chanh leo xuất khẩu sang Đức ngày 16/09; trái cây (gồm 2.200 thùng, và 15 tấn bưởi, thanh long) xuất khẩu đi Anh, Đức, Hà Lan; 126 tấn gạo thơm xuất khẩu sang Séc ngày 22/09/2020. Đây là những lô hàng đầu tiên được hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu vào EU.
Tuy nhiên, cũng phải nói rằng nông sản Việt những tháng trước khi ký hiệp định EVFTA đã nỗ lực hết mình ở thị trường trong nước để định hình sản phẩm của người Việt trên trường quốc tế.
Để vượt qua cơn bão dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp đã tìm mọi cách sáng tạo và định danh đặc sản của quê hương. Lòng tự tôn dân tộc của người Việt rất cao, vì thế những sản phẩm mang đậm bản sắc Việt như bánh mì thanh long, bánh mì dưa hấu hay vô vàn các loại bánh Trung thu nông sản Việt đều được người tiêu dùng ủng hộ nhiệt tình.
Nhiều sản phẩm mang tinh thần của người Việt được người tiêu dùng đón nhận
Rồi những doanh nghiệp bắt đầu tìm tòi để đưa ra những sản phẩm Việt cao cấp hơn như khẩu trang cà phê cao cấp. Chiếc khẩu trang này được sản xuất theo công nghệ kết hợp "nano bạc" và "cà phê" kháng khuẩn, dùng được trong vòng 30 ngày. Khẩu trang này có giá khá đắt (nửa triệu đồng/cái) nhưng xuất đi rất nhiều nước trên thế giới.
Hay như giày sneaker làm từ rác thải ly nhựa và bã cà phê với mức giá trung bình khoảng 1.929.000 VND có thể sử dụng từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, phù hợp với việc đi chơi, đi làm và cả luyện tập nhẹ. Một đôi giày cần tổng nguyên liệu 12 cốc nhựa và 150gr bã cà phê.
Một doanh nghiệp khác tận dụng vỏ quả cà phê mà người ta vất đi để chế biến thành một loại trà thơm ngon Cascara Blue Son La. Loại trà này không chỉ quảng bá được cho đặc sản cà phê Việt mà tận dụng được phần vỏ cà phê rất lớn. Hiện, Cascara Blue Son La đã được bán trong nước và xuất đi một số nước trên thế giới.
Dù những sản phẩm trên thường thuộc hàng cao cấp, không đánh vào thị trường nội địa mà chủ yếu xuất khẩu nhưng nó cũng là sản phẩm để nâng tầm nông sản Việt trên thị trường quốc tế.
Nhiều tờ báo lớn của nước ngoài đã đưa tin về các sản phẩm sáng tạo của người Việt và cách DN Việt sống sót, thậm chí sống khỏe trong cơn bão dịch. “Bánh mỳ thanh long là sự sáng tạo thông minh và thiết thực. Việc sáng tạo này tiêu biểu cho cách các doanh nghiệp thích nghi với hoàn cảnh”, trích Tạp chí Tài chính Mỹ Business Insider.
Những sản phẩm của người Việt được báo nước ngoài khen ngợi.
Sắp tới, hàng Việt nói chung và nông sản Việt nói riêng sẽ còn được khẳng định hơn nữa với dự thảo Nghị định “Hàng sản xuất Việt Nam” được sửa đổi và bổ sung hợp lý. Với nghị định này, nếu đạt đủ tiêu chí về quy định xuất xứ của thông tư, hàng hóa sẽ được ghi "Made in Vietnam".
Hàng nông sản chất lượng không chỉ đến được tay được người tiêu dùng mà còn có thể nâng cao và khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Không hiếm rau củ quả nhập từ Trung Quốc qua các chợ đầu mối rồi chễm chệ nằm trên kệ với nhãn Việt Nam, hay những trường hợp hàng Trung bị đội lốt “Made in Vietnam” đi xuất khẩu bị trả về gây ảnh hưởng đến danh tiếng hàng Việt.
Nếu như trước đây, nhãn “Made in Vietnam” là sản phẩm của người Việt hoàn toàn hoặc một công đoạn của sản phẩm được thực hiện ở Việt Nam thì sau khi dự thảo được đưa vào thực hiện, người Việt sẽ hoàn toàn có thể tin tưởng sản phẩm đó là của người Việt mình. Nó như một tấm tem đảm bảo được chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Hy vọng với sự ra đời của khung pháp lý về vấn đề này, sản phẩm, nông sản Việt sẽ ngày càng có cơ hội khẳng định chất lượng, chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng Việt Nam và thế giới.
Mặc dù giai đoạn khó khăn nhất dường như đã qua nhưng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản quý cuối năm vẫn còn đối mặt với nhiều chướng ngại. Dịch bệnh Covid vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia, nguy cơ tái bùng phát ở những nước đã kiểm soát được, vẫn đang là những thách thức gây trở ngại cho vận chuyển hàng hóa nông sản ra thế giới và tất cả các ngành nghề không chỉ nông sản vẫn phải cố gắng rất nhiều.