Thực trạng của khái niệm hàng "Made in Vietnam"

Hàng Việt Nam từ lâu vẫn được người Việt nhận định bằng khái niệm “Made in Vietnam”. Tuy nhiên cụm từ này vẫn chưa thể hiện được rõ một sản phẩm được coi là "sản phẩm của Việt Nam" hay "sản xuất tại Việt Nam".

Cho tới thời điểm này, cũng chưa có quy định pháp lý nào về tiêu chí xác định và ghi nhãn hàng "Sản xuất tại Việt Nam" đối với sản phẩm tiêu thụ nội địa. Tất cả được thả nổi cho nhà sản xuất tự đánh giá và công bố, cũng như để người tiêu dùng tự tìm hiểu và nhận biết.

Ví dụ một cái áo ghi nhãn “Made in Vietnam” trên sản phẩm chưa chắc nó có chứng nhận xuất xứ tại Việt Nam. Nó chỉ thể hiện được một công đoạn được sản xuất tại Việt Nam hoặc có liên quan đến nguyên liệu được sản xuất tại Việt Nam.

Chuyên gia Vũ Vinh Phú – Nguyên Chủ tịch hội Siêu thị Hà Nội bày tỏ quan điểm, khái niệm “Made in Vietnam” hiện nay quá rộng. Hàng sản xuất của Việt Nam có thể là do người Việt Nam tự thiết kế sáng tạo ra; Hàng sản xuất Việt Nam cũng có thể là lắp ráp những công đoạn cuối cùng; Hàng Việt Nam cũng có thể là hàng của các nhà đầu tư nước ngoài, tập hợp linh kiện lắp ráp tại Việt Nam được xuất khẩu hoặc tiêu thụ tại chỗ.

Vụ việc Asanzo ghi nhãn "Made in Vietnam" khiến các nhà quản lý đau đầu xử phạt

Vì bất cập trên mà nhiều tổ chức và cá nhân khá lúng túng khi muốn ghi chính xác nguồn gốc xuất xứ trên nhãn sản phẩm. Thiếu vắng các quy định về bộ tiêu chí để xác định nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá này càng gây khó khăn cho chính các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, xác định nguồn gốc hàng hóa.

Đơn cử như vụ việc Thương hiệu Asanzo trước đây bị tố cáo là hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng lại ghi "Made in Vietnam". DN này thừa nhận đã nhập linh kiện của Trung Quốc nhưng các nhà quản lý cũng phải đau đầu tranh cãi xử phạt vì chưa có bộ tiêu chí cụ thể về hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam. Hay như vụ khăn lụa Khaisilk nhập tơ tằm Trung Quốc dán nhãn hàng Việt, Cục Kiểm tra sau thông quan đã xử phạt vi phạm hành chính đối với phía DN là 60 triệu đồng và thu nộp ngân sách số tiền thu lợi bất hợp pháp gần 550 triệu đồng. Ngoài ra không có động thái gì cứng rắn hơn bởi quy định về hàng "Made in Vietnam" còn nhập nhằng chưa cụ thể. 

Bất cập này còn lan sang cả báo chí nước ngoài. Đầu tháng 8/2019, trên Nhật báo Tài chính Wall Street Journal (WSJ) đã xuất bản phóng sự video có tựa đề: "When "Made in Vietnam" products are actually from China" (Khi các sản phẩm "Made in Vietnam" thực chất là từ Trung Quốc). Bài báo đề cập đến tình trạng các doanh nghiệp Trung Quốc chuyển sản phẩm của mình qua Việt Nam và một số nước khác để lấy xuất xứ mới rồi xuất qua Mỹ để tránh thuế. 

Rồi như vụ việc "nổi đình nổi đám" cuối năm 2019, Hải quan Việt Nam đã phối hợp với Hải quan Mỹ ngăn chặn 1,8 triệu tấn nhôm có trị giá khoảng 4,3 tỷ USD có dấu hiệu gian lận xuất xứ Việt Nam khiến các nhà quản lý phải nhìn nhận lại cái mác của nguồn gốc xuất xứ. Nhôm của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ chỉ phải chịu thuế khoảng 15%, nhôm của Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ phải chịu thuế lên đến 374% đã dẫn đến vụ việc đáng tiếc này. Vô hình chung, thị trường Việt Nam như trở thành một điểm dừng chân để tránh thuế quan cho các nước bị đánh thuế cao vào thị trường châu Âu. 

Nghị định 31/2018/NĐ-CP, khái niệm “hàng hóa Việt Nam” được quy định cho 3 trường hợp:

- Hàng hóa có xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế quan theo cam kết hội nhập kinh tế quốc tế hoặc;

- Hàng hóa có công đoạn sản xuất tại Việt Nam

- Hàng hóa có thương hiệu của Việt Nam

Sản phẩm hàng Việt Nam chuẩn mà người tiêu dùng có thể xác định chắc chắn duy nhất là nhãn “chỉ dẫn địa lý”. Tuy nhiên, để đạt được nhãn chỉ dẫn địa lý không hề đơn giản. Tiêu chí và yêu cầu sản phẩm chỉ dẫn địa lý quá cao và thuộc hàng đặc sản nức danh như nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột hay tỏi Lý Sơn, vải Thanh Hà, hồng Bắc Cạn… còn vô vàn mặt hàng chế biến thông dụng vẫn bị nhầm lẫn.

Bởi vậy, người tiêu dùng cầm một sản phẩm không biết có thực sự của người Việt không là điều dễ hiểu.

Giải pháp đơn giản nhất để nhận biết hàng của người Việt 

Như vậy lỗ hổng của khái niệm “Made in Vietnam” đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước lách luật thu lời và kiếm tiếng.

Đối với một số quốc gia, thực hiện chỉ dẫn hàng tự sản xuất của nước mình rất đơn giản. Để tránh gây nhầm lẫn cho khách hàng, họ sử dụng cụm từ “Made in...”(sản xuất tại) cho các sản phẩm được cung ứng từ chính nước họ và dùng cụm từ “Assembled in…”(lắp ráp tại…) cho các sản phẩm nhập nguyên liệu, linh kiện… từ các nước khác. Hoặc nếu không sẽ chọn cách ghi trung thực các chi tiết như “Made by…” (sản xuất bởi…).

Tại Việt Nam, cũng có những cụm từ tương tự sản xuất tại Việt Nam, chế tạo tại Việt Nam, xuất xứ Việt Nam, sản xuất bởi Việt Nam... nhưng chỉ áp dụng cho hàng hóa xuất nhập khẩu. Hàng hóa lưu thông nội địa vẫn chung một nhãn "Made in Vietnam" gây khó xử cho cả doanh nghiệp, các nhà quản lý lẫn người tiêu dùng.

Chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, cần tách bạch thành hai khái niệm hàng Việt Nam.

Vì lẽ đó, Bộ Công Thương đã đề xuất dự thảo Nghị định riêng về “Made in Vietnam” với mục đích chặt chẽ hóa nguồn gốc xuất xứ và bảo vệ hàng Việt. Tuy nhiên, dự thảo này lại vấp phải nhiều ý kiến trái chiều vì để đưa ra bộ tiêu chí xác định hàng Việt Nam không hề đơn giản.

Chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, vấn đề này rất đơn giản chứ không hề phức tạp như nhiều người nghĩ, chỉ cần tách biệt nó ra làm hai khái niệm là dễ hình dung ngay "Loại thứ nhất là “Made in Vietnam” do người Việt Nam tự nghĩ ra, thiết kế ra, sáng tạo ra được đăng ký bản quyền những bộ phận chính của sản phẩm đó, nếu nói về hàng công nghiệp. Có thể sản phẩm đó được sản xuất tại Trung Quốc, Malaysia hay Việt Nam, chỗ nào cũng được. Quan trọng là đứa con tinh thần của mình, không phải hồn trương ba da hàng thịt.

Còn loại thứ 2 là “Products of Vietnam” là những hàng sản xuất tại Việt Nam bao gồm những mặt hàng không nằm trong danh mục loại một. Hiểu nôm na nó là hàng của những nhà đầu tư, lắp ráp. Nếu sản phẩm được dán nhãn như vậy thì người tiêu dùng sẽ dễ dàng nhận biết được hàng nào hàng chính gốc của người Việt và hàng nào là hàng của nước ngoài. Nếu doanh nghiệp dán nhãn sai thì cứ thế chiếu theo luật mà phạt thôi"

Lấy ví dụ là chiếc xe máy Honda, được lắp ráp ở Thái Lan, Việt Nam nhưng nó vẫn là hàng Nhật vì người Nhật tạo ra nó, sở hữu bản quyền trí tuệ. Hay như Samsung, Apple cũng vậy…

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Hãng luật TGS (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, dự thảo sửa đổi luật hoàn toàn hợp lý vì nếu không có quy định rõ ràng về nhãn hàng hóa, có thể xảy ra các trường hợp đưa hàng hóa, linh kiện được sản xuất ở quốc gia khác về Việt Nam lắp ráp và dán nhãn hàng Việt để hưởng lợi khi xuất khẩu. Thế nhưng, cần quy định chặt chẽ, rõ ràng về các tiêu chí hơn. "Đơn cử, Điều 8 Chương III Thông tư quy định về hàng hóa có xuất xứ thuần túy chỉ nói về các hàng hóa đã có mặt ở Việt Nam, nuôi trồng, đánh bắt, chiết xuất… từ Việt Nam. Song, quy định không nhắc tới trường hợp sản phẩm được lên ý tưởng, thiết kế bởi người Việt, DN Việt nhưng các linh kiện phải lấy từ các nước khác nhập 100% thì có được ghi xuất xứ Việt Nam không? Hay tại Điều 10 Chương III Thông tư quy định các sản phẩm gia công, chế biến đơn giản, hàng hóa không có xuất xứ Việt Nam, nếu chỉ trải qua một hoặc kết hợp nhiều công đoạn thì không được coi là hàng hóa của Việt Nam. Song, quy định cũng không nhắc tới trường hợp này thì sẽ ghi xuất xứ hàng hóa từ đâu?"

Trước tiên, nếu dự thảo của nghị định này được thực thi có khá nhiều mặt lợi. Hiện nay, gian lận xuất xứ vẫn đang khiến cho hàng sản xuất thật sự của người Việt gặp khó khăn. Nếu Việt Nam không đưa ra các biện pháp tích cực xử lý vấn đề nhập nhằng trong xuất xứ, có thể sẽ ảnh hưởng lớn đến các DN, ngành hàng đã có chỗ đứng trong thị trường. Đơn cử như vụ việc lụa tơ tằm Khaisilk mua hàng Trung Quốc dán nhãn hàng Việt, có khác nào "tạt gáo nước lạnh" vào lụa tơ tằm Việt? 

Chỉ vì lợi nhuận mà mặt hàng mang tinh thần "quốc hồn quốc túy" lụa Việt Nam bị vùi lấp. Nếu chẳng may lô hàng đó xuất sang các quốc gia khác bị phát hiển không phải hàng Việt Nam chuẩn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến danh tiếng của DN. Về mặt lâu dài tác động tiêu cực tới sức cạnh tranh của cả nền kinh tế nước ta đặc biệt trong bối cảnh tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) có yêu cầu cao về xuất xứ.

Hành vi cố tình ghi sai nhãn xuất xứ hàng hóa đều bị phạt nặng. Chẳng hạn, theo quy định của Ý, tổ chức, cá nhân gắn nhãn “Made in Italy” vào sản phẩm đồ da không đáp ứng tiêu chí sản xuất tại đây có thể phải nộp phạt tới 100.000 euro. Còn tại Canada, nhà sản xuất vi phạm ghi nhãn hàng hóa có thể bị phạt hành chính tới 15 triệu đôla Canada hoặc bị xử lý hình sự...

Hàng Việt Nam không hề kém chất lượng, có thể sánh ngang với hàng ngoại nhập nếu như được đầu tư và phát triển đúng chỗ. Phát triển thị trường trong nước cũng là một cách để tự tôn lòng tự hào dân tộc và khẳng định vị thế chất lượng của hàng trong nước. Vấn đề này các quốc gia lân cận như Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản đã làm rất tốt. Nếu có nhãn chuẩn "Made in Vietnam" thì người Việt cũng yên tâm và thoải mái ủng hộ sản phẩm của chính nước mình.

Tuy vậy, bên cạnh mặt tích cực là tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, nguyên tắc tự xác định và tự chịu trách nhiệm về ghi nước xuất xứ trên nhãn hàng hóa cũng có một số bất cập.

Luật sư Nguyễn Quốc Toản (Đoàn luật sư TP HCM) nhận định, nghị định mới sẽ vô cùng lãng phí và nhiều phiền hà, gây tốn kém cho doanh nghiệp. Đã có quy định rõ hàng Việt Nam sản xuất đối với những mặt hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu, giúp hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu theo cam kết tại các hiệp định thương mại tự do hoặc phục vụ các mục tiêu khác của quản lý ngoại thương. Ban hành thêm nghị định chỉ để phục vụ xuất xứ hàng hóa lưu hành nội địa thì không cần thiết.

Hơn nữa, dự thảo đưa ra một số quy định chưa thực sự hợp lý như: Đối với hàng hóa không có xuất xứ thuần túy hoặc không được sản xuất từ toàn bộ nguyên liệu có nguồn gốc Việt Nam phải đảm bảo 2 tiêu chí về chuyển đổi mã số (mã HS) và hàm lượng giá trị gia tăng VAC thì mới được coi là hàng hóa của Việt Nam.

Dự thảo vẫn còn nhiều ý kiến gây tranh cãi

Trong đó, quy định trị giá của tất cả nguyên liệu không có nguồn gốc Việt Nam, không đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi mã số hàng hóa không được vượt quá 15% giá xuất xưởng của hàng hóa; Hoặc trọng lượng của tất cả nguyên liệu không có nguồn gốc không được vượt quá 15% tổng trọng lượng hàng hóa. 

Về con số % trên, chuyên gia Phú cho rằng "quá phức tạp và sẽ tạo thành cơ chế xin cho bởi 15,01% hoặc 14,9% thì sẽ tính thế nào? Lại tạo kẽ hở để các DN tìm cách lách luật. Tôi vẫn giữ quan điểm chia thành 2 loại nguồn gốc xuất xứ, cứ đứa con tinh thần của người Việt có thành phần chính của người Việt nghĩ ra thì dán nhãn "hàng sản xuất của Việt Nam. Còn quy định về các thành phần chính của sản phẩm đó như thế nào thì các chuyên gia, giáo sư sẽ họp bàn để đưa ra một danh sách"

Hơn nữa, để đảm bảo được thương hiệu Quốc gia chuẩn hàng "Made in Vietnam" thì cần phải đảm bảo chuẩn chất lượng. Cần đưa ra các tỷ lệ khác nhau cho các mặt hàng khác nhau, tránh việc đưa ra tỷ lệ chung cho tất cả các mặt hàng. Hàng hóa cũng phải được kiểm soát nghiêm ngặt chất lượng, như vậy mới có thể đảm bảo được thương hiệu Quốc gia.

Dự thảo Nghị định mới "Hàng sản xuất Việt Nam" vẫn đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến và hoàn thiện thể chế pháp lý. Hy vọng với sự ra đời của khung pháp lý về vấn đề này, sản phẩm, hàng hóa Việt Nam sẽ tự tin hơn nữa khẳng định chất lượng, chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng Việt Nam và thế giới.

Theo Thanh Vân/Đô Thị Mới