Người dân Quảng Nam chèo thuyền đi tránh lũ. Ảnh: Đoàn Nguyên
Vừa khắc phục lũ vừa lo đón lũ
Trong khi tại Quảng Nam, Quảng Ngãi đến ngày 12/12 ở những vùng trũng vẫn còn ngập nặng thì Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia phát đi bản tin: Ngày 12/12, từ Đà Nẵng đến Bình Thuận có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Tại Quảng Ngãi, Quảng Nam có nguy cơ cao xảy ra lũ quét ở vùng núi, ngập lụt cục bộ vùng trũng thấp. Thực tế diễn biến thời tiết đang mưa lại hết sức khó lường.
Trong khi đó sáng cùng ngày, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam thông báo về việc vận hành, xả điều tiết hạ thấp mực nước hồ Phú Ninh. Ông Nguyễn Dũng, một người dân TP Tam Kỳ bày tỏ lo lắng: “Trận lũ vừa qua nhà tôi ngập cả mét, dọn dẹp chưa xong chừ thấy mưa trở lại và nhận thông báo càng lo lắng phải đối diện với trận lụt mới. Thật là khổ quá…”.
Tại nhiều vùng ven biển ở các huyện Phú Vang, Phú Lộc của tỉnh Thừa Thiên Huế, triều cường, kết hợp nước dâng gây sạt lở nghiêm trọng. Nặng nhất là bờ biển ở xã Vinh Hải, huyện Phú Lộc với 4 km bờ biển bị xâm thực vào đất liền từ 5 đến 7m, đe dọa cuộc sống hàng trăm hộ dân.
Đợt mưa lớn vừa qua đã làm Bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng bị sạt lở 20 điểm, đất, đá, cây cối đổ xuống đường bao quanh bán đảo Sơn Trà, gây cản trở giao thông. Các cơ quan chức năng đã huy động lực lượng đến thu dọn đất đá, khắc phục tạm thời các điểm sạt lở đảm bảo giao thông; đồng thời đặt biển cảnh báo và cử người trực hướng dẫn người dân, du khách hạn chế di chuyển lên đỉnh núi khi mưa lớn.
Tính đến thời điểm ngày 12/12, theo thông tin từ Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, cho biết mưa lũ đã làm 12 người chết và mất tích (2 người ở Quảng Trị, 1 người ở Thừa Thiên - Huế, 3 người ở Quảng Nam, 1 người ở Quảng Ngãi và 5 người ở Bình Định).
Phòng chống dịch bệnh ứng phó với mưa lũ
Tại Quảng Nam, mưa tuy đã ngớt nhưng nước rút chậm khiến hàng nghìn hộ dân ở nhiều vùng trũng thấp vẫn bị cô lập. Theo Báo Thanh niên, số hộ gia đình bị ngập lụt tại địa bàn tỉnh lên tới 17.600 hộ trong đó mới chỉ sơ tán được 5.991 hộ.
Một số xã, phường như: Tân Thạnh (TP.Tam Kỳ), Tam Đàn, Tam An (huyện Phú Ninh), Bình Trung, Bình Tú, Bình Nguyên (huyện Thăng Bình) ngập sâu từ 1 - 1,5 m, có nơi ngập gần 2 m.
Ở Bình Định, mưa lũ gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản, nhà cửa, hoa màu, công trình giao thông hư hỏng, tê liệt và 238.000 học sinh nghỉ học. 4.754 nhà bị ngập, 3,26km đường giao thông bị sạt lở, 3 cầu bị hỏng; 3 điểm trên tuyến đường sắt bị sạt lở; 1.85km đê sông, suối bị sạt lở… là những thiệt hại nặng nề do mưa lũ xảy ra ở địa phương này. Chưa kể, 6.828 ha lúa mới gieo sạ, 370 ha hoa màu bị ngập, 46.130 con gia cầm bị chết.
Trước tình hình trên, Bộ Y tế có văn bản gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường công tác vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường để phòng chống dịch bệnh ứng phó với mưa lũ.
Bộ Y tế yêu cầu y tế các tỉnh, thành phố chủ động triển khai các phương án ứng phó về y tế và công tác phòng chống dịch bệnh, cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường trong và sau mưa lũ và ngập lụt. Sở Y tế các tỉnh, thành phố tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong vùng nguy cơ bị ảnh hưởng mưa lũ và ngập lụt triển khai các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, xử lý xác súc vật chết và các biện pháp vệ sinh khác theo các khuyến cáo về các biện pháp phòng chống dịch bệnh sau bão lụt.
Bên cạnh đó, các địa phương cần triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường sau mưa lũ và ngập lụt, đảm bảo nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom và sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất để xử lý khi chôn xác động vật tránh phát sinh các dịch bệnh truyền nhiễm. Phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.
Sở Y tế các tỉnh, thành phố cần bảo đảm nhân lực, thuốc, hóa chất, trang thiết bị và cơ sở vật chất phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm cho các địa phương trong vùng bị ảnh hưởng của mưa lũ, ngập lụt và sạt lở đất; Tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các hoạt động phòng chống, ứng phó với thiên tai, dịch bệnh và công tác đảm bảo y tế trên địa bàn.
Đối với người dân vùng lũ, vùng nước ngập, Bộ Y tế khuyến cáo, cộng đồng cần chủ động các biện pháp phòng tránh không để tồn đọng rác thải, chất thải của người, gia súc gây ô nhiễm nguồn nước ăn uống, sinh hoạt phát sinh dịch bệnh. Người dân thường xuyên thau rửa dụng cụ, vệ sinh cá nhân dưới vòi nước sạch, ăn thức ăn, uống nước đã được nấu chín. Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước, sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Trường hợp nguồn nước ăn uống, sinh hoạt bị ô nhiễm, không nên sử dụng mà cần thực hiện các biện pháp súc rửa vệ sinh bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước bằng hóa chất để khử trùng theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
Bộ GTVT ra công điện khẩn khắc phục mưa lũ tại miền Trung
Ở diễn biến liên quan, Bộ GTVT vừa có công điện khẩn gửi các cơ quan liên quan về việc ứng phó và khắc phục hậu quả mưa, lũ tại các tỉnh miền Trung. Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các Cục Quản lý đường bộ chủ trì, phối hợp với các Sở GTVT và lực lượng chức năng của địa phương có phương án tổ chức, phân luồng giao thông, cử người canh gác, cắm phao tiêu, rào chắn, báo hiệu ở những vị trí bị ngập nước, đứt đường, sạt lở.
Giao Cục Đường thủy nội địa đôn đốc các đơn vị quản lý kịp thời sửa chữa, bổ sung phao tiêu, biển báo bị hư hỏng do mưa lũ, rà soát phương tiện phục vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đảm bảo sẵn sàng ứng cứu.
Ngoài ra, Cục Đường sắt và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức kiểm tra các công trình, vị trí xung yếu có nguy cơ mất an toàn và gia cố đảm bảo an toàn cho tàu chạy. Các bộ phận liên quan đến lĩnh vực đường sắt phải thực hiện nghiêm ngặt chế độ tuần tra, chốt gác các công trình, khu vực trọng điểm như: Cầu, đường yếu dễ bị ngập nước, đèo dốc, khu vực hay xảy ra lũ quét…
Nhóm Phóng Viên