Cúc họa mi trong suy nghĩ của tôi, vốn là một thức hoa xa lạ. Bởi mấy mươi năm sinh ra và lớn lên bên dòng Sa Giang (Đồng Tháp) – xứ hoa nức tiếng “lục tỉnh Nam kỳ”, thì loài hoa vốn quen với mùa đông Hà Nội thực sự là một điều mới mẻ.
Như làng hoa Cai Dao quê tôi, cúc được chia thành những loại phổ biến: cúc đại đóa – hoa to bằng miệng chén, cúc mâm xôi – chậu hoa tròn đầy như mâm xôi đậu, cúc đồng tiền – cầu mong tài lộc,… Đơn giản thế, thoạt nghe tên thôi, người ta đã hiểu được ý nghĩa của chúng rồi. Vậy còn loại cúc dại này, liệu ý nghĩa có liên quan gì đến tên gọi của một loài chim chăng?
Giữa muôn vàn kết quả về họa mi: hoa của sự tinh khiết, hoa tượng trưng lòng hiếu thảo, hoa của tình yêu thủy chung,… thì một người Hà Nội xa quê, bất giờ giúp tôi lý giải: “Như hè đến được báo hiệu bằng tiếng ve, thì loài hoa dại này cũng lảnh lót báo hiệu đông sang, dẫu không cất thành lời nhưng cũng đủ rót vào lòng người chút tình xao xuyến”. Nó gần gũi quen thuộc như hơi thở, như bất giác thấy hoa, người ta cũng ý thức phải mặc thêm áo ấm, pha thêm tách trà ngồi bên khung cửa sổ ngắm hoa rồi thơ thẩn trong một sớm đông.
Họa mi rực rỡ nhưng chẳng nhạt nhòa. Như khi lần đầu tiếp xúc, tôi không khỏi bất ngờ khi một thức hoa giản dị nhưng khi đặt ở bất kì đâu cũng đều tinh tế đến lạ thường.
Như các cô gái độ tuổi trăng tròn vẫn chưa thôi mê mẫn những vòng hoa kết từ cúc dại, thích cài nụ hoa lên mái tóc, thích ngắt cánh hoa chơi trò “yêu/ không yêu”. Vẻ đẹp vừa tươi trẻ, hồn nhiên vừa ngọt ngào kiều diễm hệt như nữ sinh trong tà áo dài trắng. Bất giác lướt qua, ai chẳng xao xuyến lòng.
Đến thật nhanh và đi cũng vội vàng. Người yêu hoa phải đợi mòn mỏi suốt cả năm ròng chỉ để kịp thưởng thức mùa hoa kéo dài trong 2 – 3 tuần. Có muốn níu giữ lâu hơn cũng chẳng kịp với quy luật tạo hóa.
Để rồi chưa kịp đợi giỏ hoa sau yên xe của các chị, các mẹ rong ruổi trên các nẻo đường phố cổ hay Nguyễn Chí Thanh, Thụy Khuê, Kim Mã… biết bao lữ khách đã lũ lượt tìm về các vườn hoa cũng chỉ vì không muốn bỏ lỡ bất kì ngày nào chiêm ngưỡng.
Họa mi chỉ nở khi đầu đông, âu cũng có công dụng của nó. Họa mi sau khi trang trí nhà, đến khi hoa tàn tiếp tục được phơi khô dùng để pha trà nóng, vừa giữ ấm cơ thể vừa đẹp dáng, đẹp da; hoa tươi giã nát trị nứt nẻ mùa lạnh, phối hợp cùng một vài hương liệu làm giảm dị ứng, sưng đỏ…
Đa năng là thế, nên cứ mỗi độ họa mi nở, người mua vẫn hóa hức chọn một bó thật tươi để giữ trong nhà. Kì công hơn, nhiều người lặn lội từ tờ mờ sáng để ra chợ hoa như Quảng Bá, Tây Tựu, Mai Dịch để ôm ấp hoa mang về. Mua hoa lúc này vừa được giá hời vừa thoải mái chọn được bó tươi, vì chợ chưa đông, để đến khi trời hửng sáng, đã kịp có lọ họa mi bên vệ cửa sổ đón chào ngày mới.
Người ta nhắc nhiều về họa mi, về mùa hoa ngắn ngủi xuất hiện trong 12 mùa hoa Hà Nội, về địa điểm chụp ảnh khiến giới trẻ xốn xang, về cuộc sống cải thiện phần nào của các nông dân làng hoa Nhật Tân, Tây Hựu, bãi đá Sông Hồng…
Tôi vẫn hay gọi họa mi là loài cúc dại góp phần làm nên mùa đông Hà Nội. Thiếu hoa, giá rét vẫn sẽ về, nhưng những người trót yêu hoa như thiếu đi chút thanh khiết, bình yên vốn đã gần gũi quen thuộc như hơi thở và để khi mùa đến lại thấp thỏm, ngóng trông.