90% sử dụng cốc nhựa?
Với 180 cơ sở trải dài khắp 14 tỉnh thành ở Việt Nam, Highlands đang làm mưa làm gió trên thị trường dịch vụ về đồ uống ở phân khúc giá trung bình.
Khảo sát nhanh của phóng viên tại một cơ sở ở Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) bình quân cứ khoảng 5 phút lại có một nhóm thực khách 2-3 người đến mua và sử dụng đồ uống tại đây hoặc mang đi. Như vậy một ngày chỉ riêng một cơ sở của Higlands đã có thể bán ra hàng nghìn sản phẩm thức uống khác nhau.
Thế nhưng khoảng 90% những loại đồ uống đấy, ngoại trừ cafe nóng đều được đựng trong những chiếc cốc nhựa, đi kèm thìa nhựa, ống hút nhựa và một túi nilong nếu khách hàng mang đồ đi.
Điều đáng nói là ngay cả các thực khách dùng đồ uống tại chỗ cũng được phục vụ trong các cốc nhựa PET cùng thìa nhựa, thay vì các loại cốc thủy tinh, cốc sành và thìa inox như trước đây.
Hệ quả tất yếu là khi các thực khách dời đi, thứ họ để lại sẽ là một "bãi chiến trường" như thế này.
Với 180 cơ sở và hàng trăm nghìn đồ uống được tiêu thụ mỗi ngày, các khách hàng của Highlands hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi rằng lượng rác thải nhựa khổng lồ của hãng đồ uống này sẽ được xử lý như thế nào hay chỉ đơn giản là "cho vào thùng rác" mỗi cuối ngày hoặc được tái sử dụng cho các khách hàng đến sau?
Đi ngược xu hướng xanh thế giới
Theo các nghiên cứu khoa học, nhựa PET (viết tắt của Poly Ethylene Terephthalate) là một trong số những loại nhựa được sử dụng phổ biến cho các sản phẩm gia dụng, ví dụ như chai nước khoáng, nước ngọt, bia và bao bì đóng gói.
Đây là kí hiệu chỉ loại nhựa chỉ sử dụng duy nhất một lần, nên nếu dùng đi dùng lại có thể gia tăng nguy cơ làm hòa tan các kim loại nặng và hóa chất cấu tạo nên chúng. Các chất này làm ảnh hưởng đến sự cân bằng hóc-môn trong cơ thể và có nguy cơ gây ung thư ở mức độ rất cao.
Còn nếu bị thải vào môi trường tự nhiên, các loại nhựa này cần tới 400 - 500 năm để phân hủy hoàn toàn. Đấy là chưa kể đến việc các loại sinh vật và con người có thể ăn nhầm, gián tiếp tiêu thụ các loại hạt nhựa trong quá trình phân hủy, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe.
Mới đây, dư luận thế giới được phen dậy sóng khi một chú cá voi bị thiệt mạng sau khi nuốt tới 80 túi nhựa bị thả trôi nổi trên biển, tương đương trọng lượng khoảng 8kg.
Ở tầm vĩ mô, các lãnh đạo quốc gia trên thế giới đều nhấn mạnh đến vai trò của việc giảm thiểu rác thải nhựa nhằm bảo vệ sức khỏe người dân và môi trường sống.
Gần đây nhất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra sáng kiến thành lập Hợp tác mở rộng giữa các nước G7 và các quốc gia ven biển về giảm thiểu rác thải nhựa nhằm thúc đẩy cơ chế hợp tác toàn cầu về giảm thải chất lượng để hướng đến mục tiêu không còn rác thải nhựa.
Như vậy, có thể thấy việc Highlands sử dụng tràn lan các loại cốc, thìa, ống hút nhựa cũng đi ngược lại với xu hướng xanh của thế giới khi người tiêu dùng, nhà sản xuất và lãnh đạo cấp cao của các quốc gia trên thế giới đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm thiểu rác thải nhựa.
(Còn tiếp)