Ngày 5/6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực quản lý của bộ này.

Trong đó, các nội dung nổi cộm được nhiều đại biểu quan tâm, đặt câu hỏi gồm có: Cơ chế quản lý đất đặc khu, chuyển đổi mục đích sử dụng đất xen kẹt ở các khu đô thị, quản lý quỹ đất đô thị, đặc biệt là quỹ đất dành cho giao thông và các công trình công cộng, kiểm soát nguồn thải, nhất là các nguồn thải gây ô nhiễm nghiêm trọng trên diện rộng,...

Bộ

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 4/6. 

Tại buổi trả lời chất vấn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, khoảng 95% nước thải chưa được xử lý xả thẳng ra môi trường, nhất là nước thải ở các làng nghề, các cụm công nghiệp... với nồng độ ô nhiễm cao.

Tuy nhiên, cũng theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, tình trạng ô nhiễm nguồn nước chưa thể khắc phục ngay được do chưa có hệ thống thu gom được nước thải, nước thải lẫn với nước mưa nên việc nước thải xả thẳng ra môi trường còn diễn ra phổ biến.

Về giải pháp và trách nhiệm, theo Bộ trưởng, trước hết các địa phương phải chịu trách nhiệm và có cơ chế xử lý nguồn thải tại địa phương mình; đồng thời phải có sự đầu tư, huy động các nguồn lực xã hội; từng bước để người dân tham gia vào lĩnh vực này...

Về việc kiểm soát hoạt động xả thải của doanh nghiệp, trong thời gian tới Bộ sẽ đẩy mạnh phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm, không để phát sinh cơ sở gây ô nhiễm mới, đồng thời giảm các nguồn thải đang gây ô nhiễm; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, có chính sách ưu đãi các nhà máy, khu công nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến xử lý chất thải, tuần hoàn chất thải, giảm phát thải.

Đồng thời, Bộ tiếp tục tổng hợp, rà soát thông tin về xả thải của các cơ sở nhằm phân loại dự án, nguồn thải theo mức độ tác động, thiết lập cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả, tiến tới kiểm toán chất thải; hoàn thiện hệ thống quan trắc, quan trắc tự động tại cơ sở và môi trường xung quanh; đối với các dự án có nguy gây ô nhiễm môi trường cao, tăng cường các giải pháp phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường như hồ sự cố, hồ kiểm chứng…

Bên cạnh đó, Bộ cũng triển khai đề án kiểm soát đặc biệt với cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao với mục tiêu kiểm soát, hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra sự cố, ô nhiễm môi trường lớn.  

Phương Mai/Reatimes.vn