Rừng đã được quan tâm

Nguyên tắc phát triển bền vững phải đảm bảo sử dụng đúng mức và ổn định các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ được môi trường sống. Đó không chỉ là sự phát triển nền kinh tế, văn hoá, xã hội một cách vững chắc nhờ khoa học công nghệ tiên tiến mà còn đảm bảo ổn định và cải thiện những điều kiện tự nhiên mà con người đang sống trong đó và chính sự phát triển đang dựa vào đó để ổn định bền vững.

Tại nhiều quốc gia, tỉ lệ che phủ của rừng chính là một chỉ tiêu an ninh môi trường quan trọng. Nhận thức được tầm quan trọng của rừng trong việc phát triển kinh tế cũng như bảo vệ môi trường, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực nhằm quản lý tài nguyên rừng theo hướng bền vững dần dần thay thế cho phương thức quản lý rừng thiên về lợi dụng tài nguyên rừng như trước đây.

Điều này đã cụ thể hoá trong Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020 mà Chính phủ Ban hành kèm theo Quyết định số 18/2007/QĐ-TTg, ngày 5/2/2007. Chiến lược này được xây dựng trên cơ sở các nguyên tắc và thuộc tính của phát triển bền vững. Ngoài ra, trong lĩnh vực quản lý, sử dụng rừng ở Việt Nam đã có nhiều thay đổi về thực tiễn cũng như về nhận thức. Điều đó được minh chứng bởi những chính sách mới về khai thác gỗ và lâm sản được ban hành đều dựa trên nguyên tắc quản lý rừng bền vững.

Bảo vệ rừng là một trong những yêu cầu cấp bách để phát triển bền vững quốc gia. (Ảnh minh họa)

Cho đến nay, cả nước đã thành lập 395 khu rừng đặc dụng, phòng hộ; quản lý 6,75 triệu ha rừng và đất lâm nghiệp tập trung ở khu vực có hệ sinh thái đặc trưng trên cạn, trên biển, đất ngập nước giữ vai trò quan trọng trong phòng hộ đầu nguồn, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái.

Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị cho biết, để phát triển rừng bền vững, trong thời gian, qua hoạt động thu phí và chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng trong cả nước đang được triển khai rộng rãi và mang lại được nhiều kết quả tích cực. Công tác bảo vệ rừng, để phát triển rừng bền vững đã được nâng cao, đời sống của người dân được cải thiện.

Ông Trị còn cho biết, ngành Lâm nghiệp đang tiếp tục tổ chức nghiên cứu, xây dựng kế hoạch triển khai dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh gây phát thải khí nhà kính lớn ngay khi quyết định thí điểm của Thủ tướng Chính phủ được ban hành.

Thực hiện tốt các Đề án để phát triển rừng bền vững

Đặc biệt, mới đây Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016 - 2030 nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng mất rừng, từng bước khôi phục, phát triển rừng. Theo đó, Đề án đề ra mục tiêu, đến năm 2030, diện tích rừng đạt khoảng 2,72 triệu ha, nâng tỉ lệ che phủ rừng lên 49,2%; quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, cung cấp các dịch vụ môi trường rừng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội của khu vực Tây Nguyên.

Xây dựng cơ chế, chính sách lâm nghiệp đặc thù giúp ổn định đời sống và góp phần bảo vệ môi trường.

Tại tỉnh Cao Bằng cũng đang đề ra Đề án phát triển rừng bền vững giai đoạn 2020 – 2025 và định hướng đến năm 2030 xác định mục tiêu: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường; quản lý, bảo vệ và sử dụng có hiệu quả, đảm bảo quy định của pháp luật diện tích rừng hiện có, đặc biệt là rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; bảo tồn đa dạng sinh học và các giá trị dịch vụ môi trường rừng gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng thời, thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển rừng gắn với chế biến và thương mại lâm sản, du lịch sinh thái và từng bước gia tăng giá trị ngành lâm nghiệp trong tổng giá trị sản phẩm ngành nông nghiệp; tạo việc làm, giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia...

Bộ NN&PTNT cũng đang Dự thảo Đề án "Bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Bắc giai đoạn 2020 – 2030” nhằm định hướng bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng của vùng theo hướng bền vững, toàn diện cả về kinh tế, xã hội, môi trường; tăng độ che phủ rừng và nâng cao chất lượng rừng, phát huy tốt nhất khả năng phòng hộ đầu nguồn của các công trình thủy điện quan trọng bậc nhất Việt Nam, góp phần bảo đảm an toàn sinh thái, phòng chống lũ lụt không chỉ cho nội vùng mà cho cả vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng; phát huy và khai thác tiềm năng lợi thế về rừng và đất rừng để nâng cao giá trị kinh tế của rừng.

Ở một số địa phương, vùng cũng đang có các dự án phát triển rừng bền vững đã và đang thực hiện, bước đầu đã đạt được những kết quả đáng mừng.

Việc quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng (SFMI) đã xây dựng được bộ tiêu chuẩn quốc gia về quản lý rừng bền vững (Tiêu chuẩn FSC) Việt Nam nhằm định hướng cho việc quản lý và phát triển rừng theo hướng bền vững. Đây được xem là một nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong tiến trình thực hiện Nghị định thư KYOTO. Một số mô hình trồng rừng ở Quảng Trị, Bình Định, Kon Tum đã thực hiện theo nguyên tắc và thuộc tính phát triển bền vững được cấp chứng chỉ rừng. Đây là mô hình cần phải nhân rộng trên phạm vi toàn quốc.


Theo Kinh Tế Môi Trường