Công tác phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai những tháng cuối năm nay của thành phố Hà Nội sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức khi chịu tác động của biến đổi khí hậu và dịch Covid-19. Để không bị động, bất ngờ, Hà Nội đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện, sẵn sàng ứng phó thiên tai, dịch bệnh theo phương châm “4 tại chỗ”.
Tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng kép
Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Hoàng Phúc Lâm cho biết, từ nay tới cuối năm 2020, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện 8-10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có 4-5 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Dù Hà Nội không thường xuyên chịu ảnh hưởng trực tiếp của các cơn bão nhưng luôn phải đối mặt với nguy cơ úng ngập diện rộng khi xảy ra mưa lớn kéo dài. Thực tế những năm gần đây tại các huyện: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai, Ba Vì... thường xuyên xảy ra úng ngập, gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp, đời sống người dân.
Đặc biệt trong năm nay, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp càng đặt ra cho công tác phòng, chống lụt bão của thành phố Hà Nội những yêu cầu cao hơn. Theo Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Trần Thanh Mẫn, nguy cơ cao nhất được xác định là trong tình huống phải sơ tán dân khỏi khu vực ngập lụt, có thể xảy ra ảnh hưởng kép khi gia tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh tại nơi sơ tán tập trung… Đây là khó khăn, thách thức chưa từng xảy ra trong công tác phòng, chống thiên tai mà các địa phương cần nhận thức rõ để có giải pháp tương ứng, hiệu quả.
Trao đổi cụ thể hơn về vấn đề này ở cơ sở, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) Nguyễn Chiến Thắng cho biết: "Khi xảy ra tình huống ngập úng, xã có hơn 4.700 người ở 4 thôn: Nhân Lý, Hạnh Bồ, Hạnh Côn, Nam Hài phải sơ tán lên vùng đồi gò cách xa nơi ở gần 2km. Vì vậy, việc bảo đảm phòng, chống thiên tai và an toàn chống dịch cho nhân dân là yêu cầu đặt ra với địa phương".
Ở góc độ người dân, ông Hoàng Văn Quyết, ở thôn Nhân Lý (xã Nam Phương Tiến) chia sẻ: "Nếu không may thiên tai xảy ra, chúng tôi rất mong các cấp chính quyền có các biện pháp bảo đảm an toàn tại nơi sơ tán, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay".
Phát huy tối đa phương châm “4 tại chỗ”
Nhận thức rõ tình hình, hiện các sở, ngành, địa phương và người dân thuộc khu vực nguy cơ cao của Hà Nội đã hoàn tất công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra, trong đó trọng tâm là phát huy tối đa phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện và vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ).
Tiếp xúc với phóng viên Báo Hànộimới, ông Phạm Văn Đình, người dân xã Hợp Thanh (huyện Mỹ Đức) chia sẻ: “Các gia đình ở trong xã đều đã chuẩn bị sẵn tâm thế để ứng phó thiên tai, dịch bệnh. Ngoài đồ dùng thiết yếu, gia đình tôi đã mua 3 hộp khẩu trang, 3 lít dung dịch sát khuẩn để sẵn sàng đến nơi sơ tán khi có tình huống thiên tai nguy hiểm”.
Xã Nam Phương Tiến được coi là rốn lũ của huyện Chương Mỹ, theo Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Chiến Thắng, hiện xã đã lựa chọn 300 người có đủ sức khỏe để hỗ trợ nhân dân di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn, đồng thời phun thuốc phòng, chống dịch trong trường hợp thiên tai xảy ra.
Cũng nằm trong vùng có nguy cơ xảy ra ngập úng, huyện Quốc Oai đã chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, vật tư ứng phó với thiên tai và dịch Covid-19. Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn cho biết, khi xảy ra ngập lụt, huyện dự kiến có gần 8.800 người dân cần di dời, trong đó có hơn 1.400 người sơ tán tại chỗ. Các địa điểm để người dân sơ tán là trường học, nhà văn hóa cộng đồng, trụ sở thôn. Để bảo đảm an toàn cho các hộ dân vùng sơ tán, huyện đã chỉ đạo các cơ sở y tế chuẩn bị cung ứng đủ thuốc chữa bệnh thiết yếu, bổ sung dự trữ thuốc, hóa chất phòng, chống thiên tai và dịch Covid-19.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng, ngoài công tác chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, huyện đã chuẩn bị 57.311 khẩu trang y tế cho người dân khi đến nơi sơ tán, 237 lít dung dịch sát khuẩn, 3.523 bộ quần áo phòng dịch, 1.468kg thuốc Cloramin B, 91 máy phun, bình phun khử khuẩn phòng, chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó, huyện Ba Vì mở rộng khu vực sơ tán dân để hạn chế số người tập trung; đồng thời, chuẩn bị 62 phòng bệnh, 187 giường bệnh sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân.
Để giảm tổn thất, rủi ro thiên tai, giảm nguy cơ lây lan dịch Covid-19, Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Chu Phú Mỹ đề nghị: Các sở, ngành, địa phương tiếp tục rà soát phương án theo hướng tăng cường sơ tán dân tại chỗ; chuẩn bị trang thiết bị, máy đo thân nhiệt, phân loại đối tượng để xây dựng phương án sơ tán; sẵn sàng nhu yếu phẩm, hóa chất khử trùng, khẩu trang y tế cho các địa điểm sơ tán; chủ động có phương án ứng phó thiên tai cho các khu cách ly tập trung.