Trong bối cảnh số ca nhiễm dịch Covid-19 tiếp tục có diễn biến phức tạp, tại Việt Nam, nhiều cơ quan, doanh nghiệp đã chủ động điều chỉnh cách thức làm việc nhằm giảm thiểu sự ảnh hưởng của dịch bệnh; trong đó có cả các toà soạn báo, các phóng viên, những người “lính” tiên phong trên mặt trận truyền thông. Trong sự điều chỉnh đó, các nhà báo đã làm việc như thế nào để quy trình đưa tin, xuất bản không bị gián đoạn nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho bản thân?

Tăng cường làm việc trực tuyến

Trước diến biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 khi số người dương tính với virus này ở Việt Nam và trên thế giới tiếp tục tăng lên, báo chí đã thể hiện được vai trò tiên phong của mình trên mặt trận truyền tải thông tin. Trong đó, để đảm bảo được nhịp sản xuất của mình không bị gián đoạn, thông tin truyền tải đến độc giả kịp thời…

Phóng viên Bùi Phương báo Lao động Thủ đô: Làm việc online là giải pháp giúp phóng viên không bị gián đoạn công việc trong thời gian dịch Covid-19

Đặc biệt, thực hiện nghiêm chỉnh chỉ đạo của Chính phủ về việc dừng các cuộc họp trực tiếp, chuyển sang làm việc trực tuyến (online) để góp phần phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nhiều lãnh đạo cơ quan báo chí ngay lập tức đã áp dụng phương án làm việc trực tuyến đến toàn thể cán bộ, phóng viên.

Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ 4.0, ngay từ những ngày đầu tháng 3, việc giao ban trực tuyến đã được báo Lao động Thủ đô triển khai. Theo đó, thông qua một phần mềm ứng dụng được cài đặt trên điện thoại hoặc máy tính, các phóng viên sẽ được cấp mật khẩu để đăng nhập và thực hiện họp trực tuyến. Với việc áp dụng phương thức làm việc này, các buổi họp giao ban, định hướng, chỉ đạo công việc…được đảm bảo đồng bộ, thông suốt. Nhờ đó, không chỉ hạn chế được việc tập trung đông người, mà còn chung tay cùng Chính phủ phòng, chống và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

Cũng giống như báo Lao động Thủ đô, là phóng viên “chân chạy” của báo, tuy nhiên, khi được Ban biên tập quán triệt triển khai phương thức họp trực tuyến trong toàn thể cán bộ, phóng viên, chị Hồng Tươi, phóng viên báo Báo Pháp luật Việt Nam tỏ ra rất hào hứng, chị chia sẻ, việc thực hiện hình thức giao ban trực tuyến không chỉ đảm bảo nguyên tắc phòng, chống dịch, hạn chế tập trung đông người mà còn nâng cao hiệu quả công việc. Đồng thời, nâng cao việc áp dụng công nghệ số vào công việc.

“Kể từ khi cơ quan triển khai hình thức họp trực tuyến qua ứng dụng cài sẵn trên điện thoại, chúng tôi dù ở bất kỳ đâu vẫn có thể họp giao ban được, chỉ cần phóng viên có máy tính hoặc chiếc điện thoại thông minh. Làm việc trực tuyến vừa tiết kiệm thời gian, giảm được chi phí…”, chị Tươi nói.

Có thể thấy, việc các lãnh đạo tòa soạn áp dụng giải pháp làm việc trực tuyến là rất phù hợp, an toàn cho phóng viên, nhà báo trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay. Tuy nhiên, xét ở khía cạnh công việc, giải pháp này cũng chỉ phù hợp với các phóng viên, nhà báo làm việc tại tòa soạn báo điện tử, hay các biên tập viên hoặc một số nhân viên tại các bộ phận khác.

Trong khi đó, với những phóng viên, nhà báo làm việc tại các tòa soạn báo đa phương tiện, hay các phóng viên là “chân chạy” của các tòa soạn họ không thể ngồi một chỗ để viết bài. Vì thế, để đảm bảo nguồn tin không bị gián đoạn, họ phải chạy ra đường, đến các điểm nóng thu thập thông tin, phỏng vấn…Đối với những phóng viên này, các lãnh đạo tòa soạn luôn quán triệt tinh thần, nếu có thể làm việc, phỏng vấn qua điện thoại, internet để hạn chế lây nhiễm bệnh thì ưu tiên triển khai. Còn đối với những trường hợp phải đến hiện trường, hoặc phỏng vấn trực tiếp, thì phải đảm bảo tuyệt đối quy trình an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế như: đeo khẩu trang y tế, sát khuẩn, đeo găng bay, giữ khoảng cách khi giao tiếp...

Trong khi đó, tại các tòa soạn, tất cả đều thực hiện nghiêm các quy định, các khuyến cáo của Chính phủ, của Bộ Y tế như, khách đến làm việc phải sát khuẩn, đeo khẩu trang, thực hiện phun khử khuẩn thường xuyên tại nơi làm việc, trang bị đầy đủ khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn cho cán bộ, phóng viên tại nơi làm việc và khi tác nghiệp…

Cần thông tin chính xác, chân thực

Dịch Covid-19 đã trở thành câu chuyện lớn nhất trên thế giới những ngày vừa qua, hiện tại, chúng ta khó có thể tưởng tượng được dịch bệnh sẽ lan rộng như thế nào và hậu quả sau cùng sẽ ra sao. Có thể thấy, chưa có bất kỳ một sự kiện nào mà mỗi thông tin trên báo chí, trên mạng xã hội đều có thể liên quan đến cộng đồng, liên quan đến dịch bệnh Covid-19 như hiện nay. Thực tế, trên các trang báo, các diễn đàn…chúng ta dễ dàng nhận thấy không khí “chống dịch như chống giặc” của Chính phủ và Nhà nước, của xã hội và sự nỗ lực to lớn của báo chí trong việc truyền tải thông tin.

Thế nhưng, trong một diễn biến nào đó vẫn còn những bài viết khiến độc giả phải suy nghĩ, phải chau mày, đâu đó vẫn có những bài báo mà mối quan tâm chính của phóng viên là “có bao nhiêu view”. Và đâu đó, vẫn còn những tranh luận về một thông tin nào đó nên hay không nên đăng, thậm chí, nhiều thông tin gây nhiễu loạn, sai lệch liên tục bị xử lý trên các trang mạng xã hội, đã tạo ra tâm lý hoang mang cho người dân.

Chúng ta cần khẳng định rằng, việc nhà báo đưa tin về dịch bệnh, nhất là những bệnh truyền nhiễm là không hề đơn giản. Nó thật sự khác xa với lối làm báo thông thường, bởi hơn hết, qua bài viết, qua các phóng sự, clip… phóng viên phải thể hiện được trách nhiệm với xã hội, trách nhiệm với nghề nghiệp. Vì thế, bên cạnh việc bảo đảm an toàn cho bản thân và cộng đồng trong quá trình tác nghiệp, thì việc cung cấp thông tin nhanh nhạy, chính xác và cần thiết sẽ giúp cho người dân có cách phòng tránh dịch bệnh tốt hơn và đặc biệt là không làm cho xã hội hoảng loạn.

Chính bới ý nghĩa quan trọng đó, việc khó khăn nhất trong thời gian dịch bệnh đối với các phóng viên, nhà báo là làm sao đưa tin một cách nhanh nhất, nhưng vẫn phải đảm bảo sự chính xác nhất về tình hình dịch bệnh để giúp định hướng cho người dân, cho cộng đồng trước những luồng thông tin sai lệch trên mạng xã hội. Vì thế, để thực hiện được nhiệm vụ này, trước hết các phóng viên phải bám sát vào các đầu mối thông tin chính thống từ các cơ quan chức năng, từ các bộ, ngành được phân công theo dõi. Đồng thời, chắt lọc thông tin phù hợp để đăng tải, làm sao thông tin khi xuất bản vừa đảm bảo được tính nhanh nhạy, chân thực, nhưng vẫn đảm bảo sự an toàn.

Anh Việt Sơn, phóng viên tạp chí Doanh nghiệp Hội nhập chia sẻ, trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, công việc của tôi cũng như bao phóng viên khác khi đưa tin về dịch Covid-19 ở Việt Nam, hay trên thế giới, đó là phải đưa thông tin một cách chân thực, nhanh chóng. “Khó khăn thực sự và cũng là thách thức lớn nhất hiện nay đối với người làm báo đó là chiến đấu với tin giả. Vì vậy, chúng tôi không chỉ đưa tin đúng, đưa đủ, nhưng vẫn phải cực kỳ nhanh và hấp dẫn. Vì thế, phóng viên phải giữ được cái đầu lạnh trong hàng loạt thông tin nóng để chắt lọc, tìm kiếm thông tin sao cho phù hợp, chân thực nhất đưa đến độc giả”, anh Việt Sơn cho hay.

Có thể thấy, trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các tòa soạn, các cơ quan báo chí có thể không tập trung quá đông người, hoặc có thể nhiều phóng viên không hoàn hảo được 100% trong quá trình tác nghiệp như những ngày không có dịch, nhưng tin tức thì không ngừng được sản xuất. Trong khi các cơ quan chức năng “căng mình” chống dịch, thì các tòa soạn cũng “căng mình” để bắt kịp thông tin. Vì thế, đây là thời điểm để các tòa soạn mạnh dạn triển khai những hướng đi mới trong công việc, áp dụng được nhiều hơn công nghệ thông tin vào hội họp. Và hơn hết, đó là tình thần làm việc an toàn, hăng say của phóng viên để có những thông tin chính xác, chân thực nhất truyền tải kịp thời đến người dân giữa tâm dịch.

Theo Lao động Thủ đô