Hằng năm, Tổng Công ty Giấy Việt Nam sản xuất xấp xỉ 200 nghìn tấn bột giấy/năm và 300 nghìn tấn giấy/năm, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, với nhà máy sản xuất và văn phòng chính được đặt tại thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Với công suất như vậy, việc dư luận quan tâm nhất, có lẽ là vấn đề ô nhiễm môi trường và ngăn chặn ô nhiễm môi trường tại địa phương nơi đặt nhà máy giấy.
Thế nhưng, theo phản ánh của những hộ dân sinh sống xung quanh Tổng Công ty Giấy Việt Nam, đã mấy chục năm nay người dân đã phải sống với mùi hôi thối bốc ra từ nhà máy, từ những con mương, hồ nước có ống xả xối thẳng xuống. Đặc biệt, những mùi này càng nặng hơn khi đến mùa mưa. Rất nhiều gia đình tại đây đã phải thay thế những ô cửa sổ có khe gió bằng cửa kính bít kín hoàn toàn, để ngăn thứ mùi khó chịu này bay vào nhà.
Để xác minh thông tin phản ánh, phóng viên (pv) đã tới thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ, nơi đặt nhà máy của Tổng Công ty Giấy Việt Nam, cách UBND huyện Phù Ninh cũ chỉ hơn 1km. Có thể khẳng định, những phản ánh của người dân hoàn toàn có cơ sở, khi cách nhà máy 2,3km đã có thể ngửi thấy thứ mùi hôi thối, khó chịu ấy.
Ngày 09/6/2019, được người dân dẫn lối, pv đã đến 2 vị trí được cho là ô nhiễm nặng nề và rõ ràng nhất. Vị trí đầu tiên là tại khu vực hồ vôi bên cạnh nhà máy, vị trí còn lại là tại một con mương nhỏ thuộc hệ thống mương Phú Nham ngay phía sau khu xử lý nước thải của nhà máy giấy.
Khung cảnh “ấn tượng” đầu tiên với hồ vôi chính là tầng tầng lớp lớp các loại tảo bẹ, phủ lên trên một màu nước đen tuyền và mùi hôi thối khó chịu. Theo lời của những hộ dân sinh sống ven hồ thì nước hồ đã bị “đầu độc” bởi ống xả thải của Tổng Công ty Giấy Việt Nam. Thứ nước này đổ thẳng vào hồ, khiến cho không một sinh vật nào sống được, người dân cũng không thể sử dụng để nuôi thả cá.
Bằng mắt thường, có thể quan sát thấy những lớp váng, bọt bẩn kết vào với nhau thành từng mảng trên mặt nước. Người dân cho hay, nước hồ đã độc hại đến mức cả cây rau muống - loại rau có thể thích nghi với nhiều loại môi trường và sống rất khỏe cũng không sống nổi. Sở dĩ hồ có nhiều rau muống là để giảm bớt thứ mùi hôi thối, còn chẳng ai dám ăn thứ rau được vớt lên từ hồ.
Tiếp đó là tại khu vực xả thải ngay sau nhà máy, được cho là nơi đặt cống thoát nước mưa, xả thẳng vào hệ thống mương Phú Nham. Tại vị trí này, mùi thối nực lên mạnh hơn hẳn, đủ để khiến đầu óc choáng váng, thậm chí là nôn nao, khó chịu. Đặc biệt, cửa cống xả hầu như được che khuất bởi những cây cối xung quanh, khiến việc tìm ra vị trí chính xác không hề dễ dàng.
Theo lời ông N.V.M, cư dân sinh sống ngay sát con mương thì từng có thời điểm gió đưa những bọt hóa chất độc hại bay cả vào nhà dân, tưởng như giữa mùa hè có tuyết rơi. Đặc biệt, vào thời gian từ 21h00 tối đến 3h00 sáng là lúc nước thải xả mạnh hơn, độc hại hơn, chuyển sang một thứ màu xanh lá cây. Với thứ nước này, ông M thậm chí không dám cho trâu đi xuống mương vì sẽ bị tróc hết da chân. Ông M cũng cho biết, vào thời điểm “an toàn” nhất thì việc chạm vào thứ nước mương này cũng khiến cơ thể mẩm ngứa, dị ứng khó chịu.
Không chỉ có gia đình ông N.V.M sẵn sàng trả lời về vấn đề ô nhiễm môi trường xung quanh vị trí đặt nhà máy giấy, mà còn rất nhiều những hộ dân khác khẳng định với pv về mức độ ô nhiễm đã lên đến mức báo động từ lâu. Thậm chí, không ít người dân cho rằng khu vực xã Phú Nham, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ đã trở thành một “làng ung thư chưa chính thức” khi rất nhiều trường hợp ung thư phổi, ung thư vòm họng được người dân biết đến.
Ông M cho hay, người dân năm nào cũng phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường lên các cơ quan quản lý địa phương như UBND thị trấn Phong Châu, UBND huyện Phù Ninh... thế nhưng, việc ô nhiễm thì vẫn còn đó, người dân vẫn ngày ngày gánh chịu. Với việc sinh hoạt trong môi trường ô nhiễm lâu dài, những tác động xấu đến cơ thể sẽ dần xuất hiện, những căn bệnh về tim, phổi,... thậm chí ung thư là không thể tránh khỏi.
Trả lời về vấn đề ô nhiễm môi trường quanh khu vực nhà máy giấy của Tổng Công ty Giấy Việt Nam, Chánh Văn phòng UBND huyện Phù Ninh xác nhận: “Người dân có phản ánh, cũng có nhiều báo chí vào làm việc. Tuy nhiên đường xả thải đó chưa thể xác minh là của đơn vị nào do còn chung với Công ty Đông Á và Công ty CP Giấy Việt Châu... Chúng tôi ở UBND tít tận đây cũng còn ngửi thấy mùi hôi theo hướng gió.”
Tại buổi làm việc với ông Nguyễn Minh Phú - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phong Châu, pv được biết: “Cuối năm 2018 và sang tháng 2 năm 2019, có hiện tượng lúa và cá chết, kể cả cỏ ven bờ mương bị xém. Chúng tôi đã lấy mẫu nước xuống nhờ Trung tâm quan trắc của Sở Tài nguyên Môi trường thẩm định và có thông báo là lượng axit vượt quá mức an toàn. Tuy nhiên địa phương không thể khẳng định là nguồn thải từ Công ty nào, trách nhiệm điều tra là của cảnh sát môi trường, chúng tôi chỉ có thể báo cáo... Từ tháng 3 năm 2019 chúng tôi đã báo cáo hết lên UBND huyện Phù Ninh, Sở TNMT tỉnh nhưng chưa có câu trả lời thực tế.”
Trách nhiệm của các cơ quan địa phương ở đâu? Tổng Công ty Giấy Việt Nam trả lời ra sao về vấn đề này, pv sẽ tiếp tục làm rõ.