Theo Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, đến năm 2018, tổng diện tích xoài cả nước ước đạt trên 87.000 ha. Bộ giống xoài của nước ta rất đa dạng, với tổng cộng 46 giống xoài. Trong đó, giống trồng thương mại phổ biến gồm xoài cát Hòa Lộc, xoài Cát Chu, xoài Keo, xoài Hòn, xoài Xiêm núm, xoài Bưởi, xoài Cát Bồ, xoài Thanh Ca, xoài Canh Nông, xoài Yên Châu. Xoài Việt Nam thu hoạch quanh năm, trong đó vụ chính từ tháng 3 - 7 hàng năm và thu rải trái vụ từ tháng 8 năm trước đến tháng 2 năm sau.

Xoài Việt Nam đã được xuất khẩu sang 40 nước trên thế giới. Trong đó thị trường chính là Trung Quốc và thị trường các nước phát triển như châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand... Giống xoài được xuất khẩu nhiều nhất là xoài cát Hòa Lộc, xoài Cát Chu, xoài Tượng da xanh, xoài Keo... Mặc dù vậy, sản lượng xoài xuất khẩu vẫn còn chiếm tỉ trọng nhỏ trong tổng sản lượng xoài cả nước (chỉ chiếm khoảng 5%, còn lại trên 95% là tiêu thụ trong nước).

tim duoc chia khoa vang mo canh cua ra thi truong lon
Qua câu chuyện quả xoài, chúng ta đã dần nắm được chiếc chìa khóa mở cánh cửa xuất khẩu tới các thị trường lớn như Mỹ.

Cục Bảo vệ thực vật cũng đã triển khai cấp 99 mã số vùng trồng phía Nam và 6 mã số vùng trồng phía Bắc để xuất khẩu xoài đi Hàn Quốc, Úc, New Zealand; 120 mã vùng trồng phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Đây là các diện tích được quản lý ruồi đục quả và côn trùng gây hại khác bằng kỹ thuật bao trái, được kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và dư lượng trên sản phẩm xuất khẩu.

Tại buổi lễ, ông Conrad Estrada, GĐ vùng của APHIS tại Việt Nam bày tỏ đánh giá cao những nỗ lực của Cục Bảo vệ thực vật của Việt Nam trong việc đàm phán, mở cửa các tiêu chuẩn kỹ thuật cho quả xoài tươi của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Ông Conrad Estrada khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam, nhất là hỗ trợ kỹ thuật về kiểm dịch thực vật để Việt Nam từng bước có thể tự giám sát, triển khai các điều kiện về kiểm dịch thực vật theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ.

Việc quả xoài của Việt Nam chính thức được phép xuất khẩu sang Hoa Kỳ thực sự là tin vui cho ngành nông nghiệp và bà con nông dân ngay trong những ngày đầu năm mới. Đây tiếp tục là sự kiện khẳng định vị thế của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế, đặc biệt là mặt hàng trái cây đã từng bước nâng cao được chất lượng, mẫu mã, đặc biệt là đã đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật và điều kiện tiêu chuẩn an toàn thực phẩm rất khắt khe của thị trường rất khó tính là Hoa Kỳ. Điều này sẽ tạo điều kiện tốt cho trái xoài của Việt Nam tiến xa hơn nữa tại các thị trường xuất khẩu khác trên thế giới.

Trong những năm tới, chính từ đội ngũ nông dân, ngành nông nghiệp các địa phương đến các DN tham gia xuất khẩu, cần tiếp tục nâng cao hơn nữa không chỉ về số lượng mà còn ngày càng cải thiện về mẫu mã và chất lượng, nhất là các yêu cầu về an toàn thực phẩm cũng như các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định về kiểm dịch thực vật nhằm sản xuất và xuất khẩu quả xoài theo hướng bền vững”.

Được biết, những năm qua, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đã có bước tăng trưởng nhảy vọt. Đến năm 2018, xuất khẩu rau quả đã đạt trên 3,8 tỷ USD, lọt nhóm 5 mặt hàng nông sản của Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD. Thông tin từ Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy nước này có nhu cầu tiêu thụ rất lớn về trái cây nói riêng, quả và quả hạch ăn được nói chung. Mỗi năm, nhu cầu tiêu thụ trái cây tươi ở Mỹ lên tới 12 triệu tấn. Sản xuất trái cây tươi nội địa của nước này đáp ứng được 70% nhu cầu. 30% còn lại là trái cây tươi NK, tương đương với khoảng 3,6 triệu tấn.

Những viên ngọc quý trên cành của chúng ta đã dần chứng minh được chất lượng tại hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, song đáp ứng đúng và đủ các tiêu chuẩn mới là chiếc chìa khóa vàng quan trọng, đặc biệt là các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Để có thể phát huy tối đa cơ hội khi các thị trường lớn mở cửa cần có sự liên kết phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước giữ vai trò quản lý, nông dân và DN.

Anh Hùng

Theo phapluatxahoi.vn