Quản lý chặt chẽ xe ôm công nghệ

Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải sớm nghiên cứu giải pháp để quản lý chặt chẽ xe mô tô tham gia chở người có thu tiền (xe ôm công nghệ), không để xảy ra tình trạng hoạt động tràn lan của loại phương tiện này gây mất ATGT và an ninh trật tự.

Ban hành Thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư số 91/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ và Thông tư số 06/2016/TT-BGTVT ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ.

Tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan ban hành quy định bắt buộc kiểm tra tải trọng trước khi xuất hàng tại các đầu mối nguồn hàng (cảng, bến thủy nội địa, nhà máy, đầu mối nông sản, khai thác vật liệu xây dựng). Hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về bảo đảm TTATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2018 - 2021; ban hành Đề án "Bảo đảm trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt".

Không để xảy ra tình trạng mất ANTT và ATGT của loại hình xe ôm công nghệ. Ảnh: Intetnet 

 

Đồng thời đẩy nhanh tiến độ và siết chặt quản lý chất lượng các công trình đầu tư mới, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông; chỉ đạo các đơn vị thuộc bộ, các Sở Giao thông vận tải tăng cường thực hiện bảo đảm điều kiện ATGT đối với kết cấu hạ tầng, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT trên đường bộ, làm gờ, gồ giảm tốc tại các vị trí đường ngang, lối đi tự mở qua đường sắt, đến cuối năm 2019 phải xử lý dứt điểm các điểm đen TNGT tại các tuyến đèo dốc nguy hiểm.

Bên cạnh đó đầu tư, nâng cấp hệ thống giám sát hành trình nhằm kịp thời cung cấp dữ liệu vi phạm tốc độ và hành trình của phương tiện kinh doanh vận tải để xử lý vi phạm, cũng như số liệu về vận tốc bình quân phục vụ công tác quản lý, điều tiết, chống ùn tắc giao thông.

Bộ Giao thông vận tải triển khai ngay việc chia sẻ dữ liệu với Bộ Công an về công tác đăng kiểm, công tác sát hạch và cấp Giấy phép lái xe nhằm phối hợp quản lý chặt chẽ người và phương tiện tham gia giao thông.

Tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm về TTATGT

Phó Thủ tướng giao Bộ Công an tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông gắn với tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo các chuyên đề; tập trung xử lý nghiêm vi phạm liên quan đến xe ô tô kinh doanh vận tải, lái xe vi phạm nồng độ cồn, vi phạm tốc độ khi điều khiển phương tiện, vi phạm về sử dụng mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy, xe đạp điện.

Bộ Công an tăng cường phối hợp với ngành Giao thông vận tải, trao đổi thông tin về xử phạt vi phạm hành chính trong các hoạt động vận tải; phối hợp với ngành Y tế trong thống kê, báo cáo về tình hình TNGT, số liệu nạn nhân thương vong trong các vụ TNGT, cập nhật trong báo cáo tình hình bảo đảm TTATGT năm 2018.

Bộ Quốc phòng chỉ đạo các cơ quan chuyên ngành, lực lượng Kiểm soát quân sự và Kiểm tra xe quân sự phối hợp chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông vận tải trong công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật, kỷ luật Quân đội đối với quân nhân và phương tiện quân sự hoạt động ngoài doanh trại quân đội.

Phát huy vai trò tuyên truyền về an toàn giao thông để đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Ảnh: internet 

Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung tài liệu giảng dạy an toàn giao thông chính khóa hiện hành cho phù hợp hơn về nội dung, lứa tuổi, cấp học và thời lượng giảng dạy của các cấp học theo lộ trình xây dựng chương trình và sách giáo khoa mới của Bộ.

Các bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan thành viên của Ủy ban ATGT Quốc gia, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương, đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật TTATGT để nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông, đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về TTATGT đến tận cơ sở, phường, xã, thị trấn, tổ dân phố. Tập trung tuyên truyền vào các đối tượng có nguy cơ gây TNGT cao như lái xe khách, thanh thiếu niên trên địa bàn nông thôn; phát huy hiệu quả hệ thống đài truyền thanh cơ sở.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định về quyền hạn, trách nhiệm của chính quyền cấp quận, huyện và Công an huyện trong quản lý tải trọng xe; sử dụng kinh phí xử phạt vi phạm hành chính điều tiết từ trung ương để trang bị cân xách tay cho Công an huyện để thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện ngay tại đầu mối hàng hóa (mỏ vật liệu, bến cảng, nhà máy).

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo tiếp tục triển khai kế hoạch lập lại trật tự giao thông đô thị; kiểm tra, xử lý các hành vi điều khiển phương tiện giao thông đi lên vỉa hè, vườn hoa, khu vực dành riêng cho người đi bộ và các hoạt động phi giao thông.

 

Theo congluan.vn