“Xã hội càng phát triển thì những lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao càng được ưu tiên sử dụng”
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Ngô Trí Long nhận định, công nghệ cách mạng 4.0 sẽ làm xuất hiện những mô hình kinh tế hiện đại, dựa trên cơ sở internet kết nối, tạo thành mô hình kinh doanh mới.
Xe ôm công nghệ là một trong những mô hình kinh doanh như thế. Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, loại hình xe ôm công nghệ có rất nhiều tiện ích cho người tiêu dùng, mà trước hết là lợi ích về giá cả bởi giá của xe ôm công nghệ rõ ràng minh bạch và rẻ hơn rất nhiều so với xe ôm truyền thống. Cùng với đó, người sử dụng dịch vụ không cần phải thoả thuận, mặc cả bởi mức giá đã được niêm yết và công khai.
Bên cạnh đó, thay vì phải “đi tìm” xe ôm truyền thống, khách hàng chỉ cần có chiếc điện thoại thông minh, ngồi một chỗ và sử dụng dịch vụ.
Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Ngô Trí Long, loại hình xe ôm công nghệ có rất nhiều tiện ích cho người tiêu dùng.
Khách hàng cũng biết rõ tài xế sẽ chở mình là ai, biết rõ lộ trình và quãng đường đi thế nào nên khi sử dụng dịch vụ họ hoàn toàn có thể yên tâm, không phải lo lắng.
Với những điểm thuận tiện trên, ông Long cũng cho rằng, đó chính là những thách thức không nhỏ với xe ôm truyền thống.
“Xu hướng chung là xã hội càng phát triển thì những lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao càng được ưu tiên sử dụng. Nếu loại hình truyền thống không cố gắng vươn lên thì sẽ bị đào thảo, đó là xu thế tất yếu”, ông Long nhấn mạnh.
Cũng theo nhận định của chuyên gia kinh tế này, hiện nay, loại hình xe ôm công nghệ mà điển hình là Grab đang chiếm lĩnh thị trường, ra đường người ta thấy chủ yếu là tài xế của Grab. Trong tương lai, xu thế này chắc chắn sẽ ngày càng phổ biến và phát triển hơn. Bởi lẽ, trong bối cảnh hiện tại, đa số người dân đều có điện thoại thông minh nên thay vì phải lặn lội đi ra tận ngã ba, ngã tư hay các bến xe để tìm xe ôm truyền thống thì họ chỉ cần ngồi một chỗ gọi xe ôm công nghệ và chờ tài xế đến đón. Chất lượng phục vụ của đội ngũ xe ôm công nghệ cũng được đánh giá tốt hơn.
PGS.TS. Ngô Trí Long cho rằng, có những ưu điểm vượt trội so với loại hình truyền thống nhưng xe ôm công nghệ phát triển cũng sẽ là thách thức cho cơ quan quản lý Nhà nước vì có thể sẽ khó quản lý hơn. Tuy nhiên, đã là xu thế chúng ta phải theo, không thể đi ngược nên phía quản lý Nhà nước phải tính cách giám sát, quản lý để làm sao không xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp giữa xe ôm công nghệ với xe ôm truyền thống như một số trường hợp xảy ra thời gian qua.
“Xe ôm công nghệ là xu thế nên phải tạo điều kiện cho nó phát triển”, ông Long nhấn mạnh.
“Anh nào mạnh thì anh đó phát triển”
Trong khi đó, ông Bùi Danh Liên – nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội nhìn nhận, xu hướng xe ôm công nghệ là kết quả của cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Ông Liên cũng nhấn mạnh xu hướng và nguyên tắc thị trường rằng: “Anh nào mạnh thì anh đó phát triển, anh nào xây dựng được chiến lược phát triển bền vững thì anh đó thắng”.
Theo nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, loại hình xe ôm truyền thống lâu nay “nằm im” không chịu thay đổi, vì thế khi xe ôm công nghệ ra đời ngay lập tức đã chiếm lĩnh được thị trường và thu hút được khách hàng.
Ông Bùi Danh Liên – nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội.
Theo ông Liên, cho đến thời điểm hiện tại, loại hình truyền thống bắt đầu chuyển động nhưng đã muộn và chuyển động rất chậm nên cũng rất khó có khả năng cạnh tranh với xe ôm công nghệ.
“Xe ôm truyền thống đang phải bơi ngược dòng nên rất khó khăn. Trong khi đó, xe ôm công nghệ lại duy trì được chất lượng và giá cả hợp lý nên cánh cửa cho xe ôm truyền thống càng nhỏ”, ông Liên nhận định.
Người ta nói xe ôm công nghệ chiếm lĩnh thị trường đã tạo ra sự bất bình đẳng với loại hình truyền thống, song theo ông Liên, trong nền kinh tế thị trường, anh nào mạnh thì anh đó thắng chứ không có gì là bất bình đẳng.
“Bao nhiêu sản phẩm hàng hoá ra đời lâu rồi nhưng lại chết vì sản phẩm mới ra tốt hơn, chất lượng hơn nhưng thế thì không thể nói đó là bất bình đẳng được. Nói như vậy để thấy rằng, loại hình dịch vụ nào chất lượng tốt, phục vụ được cho xã hội thì loại hình ấy sẽ phát triển”, ông Liên dẫn chứng.
“Xe ôm công nghệ bây giờ và tới đây sẽ thành xu thế tất yếu, tôi ủng hộ xu hướng đó vì nó mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân. Tôi cũng đã từng là nạn nhân của loại hình xe ôm truyền thống, của việc tự ý tăng giá và vẽ đường ra chạy để xin thêm tiền nên tôi thấy hài lòng khi xe ôm công nghệ chấm dứt được các tình trạng này. Nó có giá cả hợp lý, giảm được tiêu cực bằng việc công khai, minh bạch, chất lượng dịch vụ cũng tốt. Cần tạo điều kiện cho loại hình này phát triển, bởi xét cho cùng, chất lượng dịch vụ là điều quan trọng nhất”, ông Liên nhấn mạnh.
Theo ông Bùi Danh Liên, ở thị trường Việt Nam, Grab đã xác lập vị trí thống lĩnh thị trường nên rất khó để ứng dụng nào có thể cạnh tranh.
Mới đây, ứng dụng gọi xe công nghệ có thêm sự xuất hiện của nhiều "tân binh", điển hình là Go-Viet, nhưng ông Liên cho rằng, ở thị trường Việt Nam, Grab đã xác lập vị trí thống lĩnh thị trường nên rất khó để ứng dụng nào có thể cạnh tranh, lấy lại thị phần.
Cũng theo nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, việc Go-Viet tung các chương trình khuyến mại để thu hút cả tài xế và khách hàng cũng chỉ là áp dụng chiêu thức cũ của Grab, không có gì đột phá. Vì thế, khách hàng có thể đến Go-Viet bằng giá rẻ hay bằng các chiêu khuyến mãi được tung ra thì cũng hoàn toàn có thể bỏ đi khi không còn khuyến mại và giá cả của dịch vụ này tăng lên.
“Nếu không chứng minh về sự vượt trội, Go-Viet khó có thể giữ chân khách hàng lẫn đối tác. Vì vậy, phải chờ đợi xem tới đây Go-Viet có làm được điều này không”, ông Liên nhận định.