Từ thành phố mịt mù bụi than…
Có một thời, tình trạng ô nhiễm môi trường và ẩn họa trong quá trình khai thác than luôn là vấn đề “nóng” được đưa ra mổ xẻ tại các kỳ họp HĐNĐ tỉnh Quảng Ninh. Chuyện người dân nơi đây chấp nhận “sống chung” với… ô nhiễm do bụi than hoặc thường xuyên phải chạy lũ bùn, hay chứng kiến bùn đất từ các bãi thải tấn công mỗi khi có mưa lớn kéo dài không còn là lạ ở vùng than. Nhiều người dân còn đau đáu “Khi nào hết than thì sẽ hết bụi, và hết bụi cũng có nghĩa là hết than” bởi dẫu có bụi bặm, có ẩn họa thì suy cho cùng, than vẫn là “nồi cơm” duy nhất mang lại “cơm ăn, áo mặc” cho họ.
Quảng Ninh ngoài than thì còn gì? Tài nguyên than thì hữu hạn mà áp lực về gánh nặng về ô nhiễm môi trường thì ngày càng tăng. Công cuộc đi tìm câu trả lời để đổi thay vùng đất mỏ được đặt ra trên hầu hết các nghị trường tỉnh Quảng Ninh lúc bấy giờ.
Quảng Ninh không chỉ giàu tài nguyên than mà còn đẹp vô cùng. Được ví là nơi “hình đất nước bốn mùa thu nhỏ lại” (trích “Quảng Ninh quê tôi” của tác giả Lệ Thủy), Quảng Ninh không chỉ có Vịnh Hạ Long, di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới; khu di tích danh thắng Yên Tử, mà Quảng Ninh còn có hơn 600 di tích, lịch sử, danh lam thắng cảnh khác. Đây chính là lời giải, là câu trả lời cho câu hỏi trên.
Nhưng nhìn vào thực tại lúc đó, du lịch Quảng Ninh giàu về tiềm năng mà nghèo về sản phẩm? Gần 2 thập kỷ, Bãi Cháy ngập rác và nước thải, thành phố Hạ Long được gọi bằng cái tên “thành phố biển không bãi tắm”.
Du khách đến với Quảng Ninh chủ yếu thăm quan Vịnh Hạ Long và tại đây, họ cũng không có nhiều lựa chọn hơn ngoài tắm biển, ngắm cảnh vịnh di sản. Hoạt động tham quan trên Vịnh Hạ Long chỉ mới là vài chiếc tàu gỗ đưa khách thăm Vịnh. Các dịch vụ vui chơi, giải trí, ăn uống, mua sắm tại các trung tâm của tỉnh còn thiếu và nghèo nàn, chưa đủ sức hấp dẫn để giữ chân du khách lâu hơn hay khiến du khách muốn trở lại nhiều lần.
Câu hỏi đã có định hướng giải đáp, nhưng giải như thế nào để có kết quả tốt nhất, lại là một nan đề khác.
… tới điểm đến hàng đầu
Nghị quyết về Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được thông qua là một dấu mốc chuyển mình quan trọng của tỉnh. Theo đó, Quảng Ninh sẽ chuyển đổi mô hình phát triển từ “nâu” sang “xanh”, bớt dựa vào tài nguyên hữu hạn như than đá, phát huy những giá trị lâu dài như dịch vụ - du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2015, Quảng Ninh sẽ không còn phụ thuộc vào “vàng đen” nữa.
Và Quảng Ninh đã thực sự lột xác, khi chính quyền chọn giải bài toán chuyển mình, bằng việc mở cửa, mời gọi các nhà đầu tư chiến lược.
Sun Group đã đầu tư thắp sáng cầu Bãi Cháy bằng 16 triệu gam màu đèn led, khiến thành phố Hạ Long lung linh sáng bừng. Bãi tắm Bãi Cháy được tập đoàn này cải tạo, từ một vùng biển ô nhiễm thành bãi tắm cát trắng nước trong, trả lại tên cho thành phố biển.
Cũng là Sun Group đã xây dựng tại Hạ Long tổ hợp vui chơi giải trí quy mô Sun World Halong Complex với Cáp treo Nữ hoàng, Khu vui chơi trên đỉnh Ba Đèo, công viên chủ đề Dragon, công viên nước Typhoon… FLC tạo nên trên vùng di sản một quần thể FLC Ha Long Bay Golf Club & Luxury Resort, Vingroup thay đổi diện mạo du lịch nghỉ dưỡng của Hạ Long bằng Vinpearl Resort & Spa Hạ Long… Chưa khi nào, người ta thấy Quảng Ninh hút vốn đầu tư vào du lịch mạnh mẽ đến thế.
Hạ tầng du lịch đã vững, vấn đề đặt ra là làm sao để mọi nẻo đường đến với Quảng Ninh được thông suốt và dễ dàng. Đầu tư hạ tầng giao thông trở thành một trong ba đột phá chiến lược của tỉnh. Và việc cùng 3 dự án “không -thủy-bộ” tại tỉnh này gồm Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (sân bay tư nhân đầu tiên trong cả nước); Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long (cảng tàu khách chuyên biệt đầu tiên của Việt Nam); tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn do Sun Group đầu tư được khánh thành là minh chứng vàng cho việc, khi tư nhân vào cuộc, mọi sự sẽ trở nên dễ dàng, nhanh chóng.
Quảng Ninh đã đổi khác, kéo theo đó là những con số tăng trưởng đáng kinh ngạc. 5 năm gần đây, kinh tế Quảng Ninh đã cho thấy giai đoạn tăng trưởng bứt tốc mạnh mẽ, tỷ lệ tăng trưởng từ 8,8% năm 2014 lên mức 2 con số qua các năm lần lượt là 11% năm 2015, 10,1% năm 2016, 10,2% năm 2017 và 11,1% năm 2018. Chỉ trong 9 tháng năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đã đạt 11,9%, vượt kế hoạch tăng trưởng cả năm tỉnh đề ra, tăng 0,8% so với cả năm 2018 (11,1%).
Không chỉ thuộc top đầu của cả nước về tăng trưởng kinh tế, Quảng Ninh cũng liên tiếp bứt phá về du lịch. Năm 2018, du lịch Quảng Ninh đón được trên 12 triệu lượt khách du lịch, đạt 102% so với kế hoạch, tăng 24% so với năm 2017. Lượng khách du lịch 1 năm gấp 10 lần dân số của tỉnh. Trong đó, khách quốc tế đạt 5,2 triệu lượt, đạt 105% kế hoạch, tăng 22,1% so với năm 2017; bằng 1/3 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2018. 9 tháng năm 2019, du khách đến Quảng Ninh đạt 11,3 triệu lượt.
Kinh tế tăng trưởng, du lịch bứt phá, đời sống người dân vùng đất mỏ cũng được cải thiện với thu nhập bình quân đầu người thuộc top đầu của cả nước. Nếu năm 2013, GDP bình quân đầu người của tỉnh đạt 2.958 USD/người thì năm 2018, con số này đã tăng gần gấp đôi với 5.110 USD/người.
Tới đây, Quảng Ninh sẽ có nhiều thay đổi bất ngờ hơn nữa, bởi các nhà đầu tư lớn vẫn đang quyết tâm cùng với tỉnh, đưa đất mỏ một thời bụi bặm hoàn thành mục tiêu trở thành điểm đến quốc tế vào năm 2030, bằng những dự án tầm cỡ quốc tế.